3440. “Không có ví dụ lịch sử thích hợp” cho cuộc chiến ở Ukraine (P.2)

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger, 99 tuổi, từng trải kinh nghiệm về một số nhà lãnh đạo Liên Xô trong sự nghiệp chính trị của mình. Giờ đây, ông nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có toan tính vừa mang tâm lý phẫn uất. Và mối quan hệ tương lai của Nga với châu Âu sẽ trở thành một câu hỏi quan trọng về địa chiến lược.

DER SPIEGEL Interview Conducted by Bernhard Zand – 15.07.2022

Xem từ Phần 1

Ba Sàm lược dịch

DER SPIEGEL: Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã mô tả tình hình địa chính trị hiện nay như một cuộc đấu tranh giữa dân chủ và chế độ chuyên quyền. Chính phủ mới của Đức cũng đã bắt đầu theo đuổi một chính sách đối ngoại “dựa trên hệ giá trị” nhiều hơn. Phản ứng của ông về điều này là gì?

Kissinger: Với kinh nghiệm lịch sử cá nhân của tôi, sự ưa thích dân chủ là điều hiển nhiên. Đối với tôi, nền dân chủ đích thực là một hệ thống còn đáng mơ ước hơn. Nhưng trong các mối quan hệ của thế giới đương đại, nếu nó được coi là mục tiêu chính, thì nó sẽ dẫn đến một sự cơn bốc đồng kiểu truyền giáo, thứ có thể dẫn đến một cuộc xung đột quân sự kiểu Chiến tranh Ba mươi năm. Giờ đây, Tổng thống Biden đồng thời nói rằng ông ấy không có bất kỳ mong muốn nào thay đổi chính phủ Trung Quốc, rằng ông không cố gắng can thiệp vào tình hình trong nước đó. Vì vậy, tôi nghĩ ông ấy phải đối mặt với cùng một vấn đề mà bất kỳ nhà lãnh đạo lớn nào hiện nay cũng gặp phải. Tất nhiên, có những tình huống mà trong đó có một nghĩa vụ tự bảo vệ mình, và đó là những gì châu Âu đã nhận thức được trong cuộc xung đột về Ukraine này. Cái tài của nhà chính trị trong thời kỳ này là phải có khả năng bao quát được vai trò lịch sử của việc cân bằng quyền lực, vai trò mới của công nghệ cao và việc bảo tồn các giá trị thiết yếu. Đó là một thách thức mới cho giai đoạn này.

DER SPIEGEL: Ông đánh giá thế nào về tuyên bố của ông Biden rằng Tổng thống Putin “không thể tiếp tục nắm quyền“? (*)

(*) 3218. Biden bị chỉ trích vì mắc sai lầm khi nói Putin “không thể tiếp tục cầm quyền” – trong khi các chuyên gia cảnh báo rằng bất chấp những nỗ lực điên cuồng của Nhà Trắng để dọn dẹp mớ hỗn độn – Điện Kremlin sẽ “nhận được thông điệp đó”

Kissinger: Đó không phải là một câu nói thận trọng.

DER SPIEGEL: Khi ông nhìn vào cuộc chiến ở Ukraine đã diễn ra như thế nào cho đến nay, ông có nghĩ là nó làm tăng hay giảm mong muốn của giới lãnh đạo Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Đài Loan một lần và mãi mãi?

Kissinger: Tôi nghĩ là không. Putin rõ ràng đã đánh giá thấp sự phản kháng mà ông ta sẽ gặp phải. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ chỉ sử dụng toàn bộ vũ lực chống lại Đài Loan một khi họ đã quyết định rằng diễn biến hòa bình không bao giờ có thể xảy ra. Và tôi không nghĩ rằng họ đã đạt đến điểm đó.

DER SPIEGEL: Nhưng nếu một ngày nào đó Trung Quốc đi đến kết luận như vậy, thì cuộc xung đột đó sẽ khác với cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine như thế nào?

Kissinger: Về vấn đề Ukraine, một khía cạnh thuộc về quân sự là hai nhóm quốc gia có vũ khí hạt nhân đang tiến hành một cuộc chiến tranh quy ước trên lãnh thổ của một quốc gia thứ ba, tất nhiên, quốc gia này có nhiều vũ khí từ chúng tôi. Nhưng về mặt pháp lý, một cuộc tấn công vào Đài Loan sẽ đưa Trung Quốc và Mỹ vào xung đột trực tiếp ngay từ đầu.

DER SPIEGEL: Đã 50 năm kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và ông bắt đầu chuyến đi lịch sử của mình tới Trung Quốc. Từ quan điểm của ngày nay, việc trì hoãn giải quyết xung đột Đài Loan vào thời điểm đó là một thành tựu hay một sai lầm?

Kissinger: Đó là cách duy nhất có thể để bắt đầu làm việc với Trung Quốc, và đó là điều cấp thiết để chấm dứt Chiến tranh Lạnh và cốt yếu để kết thúc Chiến tranh Việt Nam. Và nó đã tạo ra ít nhất 25 năm diễn biến hòa bình sau Chiến tranh Triều Tiên. Sự trỗi dậy của Trung Quốc chắc chắn sẽ kéo theo nó những vấn đề mà chúng ta đã thảo luận – đó là bản chất của lịch sử Trung Quốc. Và đối với Đài Loan, tôi nghĩ việc Mao đồng ý với điều mà Trung Quốc chưa bao giờ đồng ý trong thời kỳ hậu chiến là một thành tựu khá lớn – đó là trì hoãn việc giải quyết.

DER SPIEGEL: Không chỉ câu hỏi về Đài Loan vẫn chưa được giải quyết, mà còn cả vấn đề về chương trình hạt nhân của Iran. Ban đầu, ông phản đối thỏa thuận hạt nhân với Tehran, nhưng cũng phản đối việc Mỹ rút khỏi hiệp ước.

Kissinger: Thực chất mối quan tâm của tôi về thỏa thuận là nó không loại trừ việc phi hạt nhân hóa quân sự đối với Iran. Nó cung cấp một cách để đạt được thỏa thuận chậm hơn một chút – theo quan điểm của Iran. Do đó, nguy cơ xảy ra chiến tranh phủ đầu ở Trung Đông vẫn tiếp tục và thậm chí còn gia tăng, với lợi ích là kéo dài thời gian. Vì vậy, giờ đây, để trở lại với cùng một thỏa thuận mà người ta đã từ chối, mà không có bất kỳ cải thiện nào, là một loại thất bại về mặt đạo đức. Nó sẽ vẫn là một vấn đề nhức nhối, bởi vì những gì tôi đã nói về công nghệ cao cũng áp dụng ở đó: Làm thế nào để bạn tránh được những nguy cơ của cú đánh phủ đầu vượt ra ngoài tầm kiểm soát?

DER SPIEGEL: Ông có lo sợ một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở Trung Đông không?

Kissinger: Không, mà tôi lại sợ việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Một khi Iran khẳng định mình là một cường quốc hạt nhân, các quốc gia như Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ có thể cảm thấy có nghĩa vụ phải đua theo. Và khi đó, các mối quan hệ của họ, cộng với mối quan hệ của tất cả họ với Israel, sẽ khiến khu vực trở nên bấp bênh hơn cả ngày nay.

DER SPIEGEL: Các chính trị gia đã tìm kiếm lời khuyên của ông trong nhiều thập kỷ, bao gồm các tổng thống Mỹ và thủ tướng Đức từ Konrad Adenauer đến Angela Merkel. Nhưng ông cũng đã bị chỉ trích vì những hành động được thực hiện ở Campuchia và Chile. Khi nhìn lại hồ sơ chính trị của chính mình, ông đã phạm lỗi lầm và tính toán sai ở đâu?

Kissinger: Bây giờ tôi sẽ không tham gia vào một cuộc tranh luận về Campuchia và Chile, là những vấn đề mà tôi đã viết ra những phần dài trong hồi ký của mình. Nhưng công bằng mà nói thì báo chí nên xem xét đến cả thực tế là có một bối cảnh để những điều đó diễn ra.

Vụ ném bom đầu tiên vào Campuchia xảy ra một tháng sau khi Nixon nhậm chức. Bắc Việt đã mở một cuộc tấn công gần như ngay lập tức, với bốn sư đoàn mà họ đóng ở Campuchia, rất gần Sài Gòn, và giết hại một ngàn người Mỹ. Họ tiếp cận vùng biên giới vào ban đêm, giết số người Mỹ đó và quay trở lại. Vì vậy, những vụ ném bom này không phải là biểu hiện của một nhà lãnh đạo mong muốn mở rộng chiến tranh, mà là một nhà lãnh đạo mong muốn kết thúc chiến tranh. Nixon đã có ý định chấm dứt chiến tranh ngay từ đầu – và đã viết thư cho lãnh tụ Bắc Việt Hồ Chí Minh ngay cả trước khi ông ấy nhậm chức.

Còn việc lật đổ Tổng thống Chile Salvador Allende xảy ra là kết quả của những diễn biến nội bộ Chile. Chúng tôi không hài lòng với việc ông ấy nhậm chức, nhưng vào thời điểm lật đổ, mọi đảng có xu hướng dân chủ trong quốc hội Chile đã tách khỏi Allende, và điều đó đã tạo điều kiện cho việc lật đổ ông ấy.

Nhưng theo một nghĩa tổng quát hơn, các chính khách luôn đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc cân bằng lợi ích quốc gia trong những tình huống không rõ ràng. Và thật thú vị khi các nhà báo sau đó chỉ ra những sai lầm đã mắc phải hoặc tập trung vào kết quả của những quyết định đó. Rõ ràng là không ai có thể khẳng định mình không bao giờ phạm sai lầm trong nhận định, nhưng cứ quay lại những chuyện 50 năm trước mà không bao giờ nêu ra bối cảnh của nó thì không phải là một cách tranh luận công bằng.

DER SPIEGEL: Vậy là đủ rồi. Vì chúng ta chỉ nói về Trung Đông, hãy quay lại cuộc xâm lược Iraq của Hoa Kỳ. Đó có phải là một tính toán sai lầm?

Kissinger: Tôi đã ra khỏi chính phủ khoảng 20 năm trước khi cuộc xâm lược xảy ra. Tôi đã thông cảm với nó. Tôi cảm thấy ý định của Tổng thống George W. Bush là muốn cho thấy rằng các chế độ ủng hộ các cuộc tấn công khủng bố đang tạo ra sự bất an thường trực. Việc loại bỏ Saddam Hussein có nhiều lý do hợp lý và đạo đức. Nhưng cố gắng cai trị Iraq tương tự như sự chiếm đóng ở Đức (sau Thế chiến II) là một sai lầm, bởi vì các tình huống khác nhau là không thể so sánh được. Cố gắng chiếm đất nước đó đã vượt quá khả năng của chúng tôi.

DER SPIEGEL: Trước cuộc chiến ở Ukraine, đã có một cuộc tranh luận về việc liệu Hoa Kỳ có nên tìm cách xích lại gần Nga để gây áp lực với đối thủ Trung Quốc hay không. Bây giờ, câu hỏi đặt ra lại là liệu Washington có nên giảm bớt căng thẳng với Bắc Kinh khi đối mặt với mối đe dọa từ Nga hay không – như Nixon và ông đã làm 50 năm trước. Ông có nghĩ rằng Mỹ đủ mạnh để đối đầu với hai đối thủ lớn nhất của mình cùng một lúc hay không?

Kissinger: Nếu đối đầu với hai đối thủ đồng nghĩa với việc mở rộng cuộc chiến ở Ukraine thành cuộc chiến chống lại Nga, đồng thời vẫn giữ vị thế cực kỳ thù địch với Trung Quốc, tôi nghĩ đó sẽ là một hướng đi không khôn ngoan. Tôi ủng hộ những nỗ lực của NATO và của Mỹ nhằm đánh bại cuộc xâm lược chống lại Ukraine và đặc biệt là để khôi phục Ukraine trở lại các hiện trạng lãnh thổ như khi cuộc chiến bắt đầu. Và tôi có thể hiểu được khi Ukraine tiếp tục yêu cầu được điều chỉnh bổ sung sự trợ giúp. Điều đó sau đó có thể được thực hiện trong khuôn khổ của một cái nhìn lớn hơn về quan hệ quốc tế. Nhưng ngay cả khi đạt được nó, thì mối quan hệ của Nga với châu Âu cần phải được giải quyết, cụ thể là câu hỏi liệu nó có phải là một phần của lịch sử châu Âu, hay là một đối thủ lâu dài. Đó sẽ trở thành một vấn đề chính yếu. Và nó là một thứ độc lập với sự kết thúc của cuộc chiến ở Ukraine – điều mà tôi đã phác ra vô số lần cho đến nay, và chưa bao giờ tôi nói rằng bất kỳ lãnh thổ Ukraine nào nên bị bỏ rơi.

DER SPIEGEL: Ông Kissinger, cảm ơn ông rất nhiều về cuộc phỏng vấn này.