3443. Những lo lắng và những lời thì thầm trong cộng đồng NGO của Việt Nam sau khi nhà hoạt động bị tuyên án

MONGABAY by Mongabay.com on 19 July 2022

Ba Sàm lược dịch

+ Vào ngày 17 tháng 6, một tòa án ở Hà Nội đã kết án Ngụy Thị Khanh, người được đánh giá là nhân vật ủng hộ môi trường nổi tiếng nhất Việt Nam, hai năm tù vì tội trốn thuế.

+ Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bác bỏ những tuyên bố cho rằng việc bắt giữ và tuyên án Khanh có liên quan đến chủ trương chống sử dụng than của bà, nhưng động thái chống lại bà đã khiến các tổ chức phi chính phủ trong nước phải ớn lạnh.

+ Các nhà hoạt động cho rằng việc Khanh bị bỏ tù là một bước lùi đối với hành động chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đồng thời đặt ra nghi ngờ về cam kết của chính phủ trong việc giảm lượng khí thải và hướng tới chiến lược phát triển xanh.

Việc bỏ tù một nhà hoạt động môi trường nổi tiếng của Việt Nam vì các cáo buộc liên quan đến thuế đã gây ra một hiệu ứng lạnh trong cộng đồng các tổ chức phi chính phủ của đất nước.

Một nhà lãnh đạo tổ chức phi chính phủ, được xác định bằng tên viết tắt là H.C. bởi vì lo sợ bị nhắm thành mục tiêu, và cho biết các đồng nghiệp đang xem xét đóng cửa tổ chức của mình: “Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo của nhiều tổ chức phi chính phủ, và tất nhiên, đặc biệt là các tổ chức môi trường, cũng đang nghĩ như vậy, và rất bất an và sợ hãi.”

Các thành viên xã hội dân sự khác từ chối bình luận về câu chuyện này, thậm chí cả khi phải giấu tên.

Vào ngày 17 tháng 6, một tòa án ở Hà Nội đã kết án Ngụy Thị Khanh, người được cho là nhân vật ủng hộ môi trường nổi tiếng nhất Việt Nam, hai năm tù vì tội trốn thuế.

Năm 2018, Khanh, người sáng lập Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) có trụ sở tại Hà Nội, đã trở thành công dân Việt Nam đầu tiên giành được Giải thưởng Môi trường Goldman. Bà đã được trao giải vì đã hợp tác với chính phủ Việt Nam trong Kế hoạch Phát triển Điện lực lần thứ bảy (Quy hoạch điện VII) nhằm giảm sự phụ thuộc của đất nước vào nhiệt điện than trong khi tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo theo kế hoạch.

(*) + 2575. Chưa thể “đoạn tuyệt” nhiệt điện than, thậm chí cần xây thêm để đảm bảo năng lượng? “Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) kiêm Chủ tịch Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), việc tiếp tục phát triển điện than theo Quy hoạch điện VIII là rất khó khả thi để triển khai trong bối cảnh nguồn tài chính cho nhiệt điện than ngày càng thắt chặt.” + 2571. Việt Nam sẽ chỉ còn dựa vào tài chính Trung Quốc để phát triển nhiệt điện than?

Sự thay đổi này đã làm giảm lượng khí thải carbon của Việt Nam ước tính khoảng 115 triệu tấn hàng năm. Trong khi đó, Việt Nam đã phát triển công suất năng lượng mặt trời mạnh nhất ở Đông Nam Á.

Ngụy Thị Khanh nhận giải Goldman Environmental Prize năm 2018. Ảnh: Goldman Environmental Prize.

Khanh cũng là đồng sáng lập của Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam và là thành viên hội đồng quản trị Mạng lưới Các tổ chức Phi chính phủ Việt Nam về Hiệp định Thương mại Tự do Châu Âu – Việt Nam (VNGO-EVFTA).

Khanh đã được truyền thông Việt Nam đề cao sau khi bà giành được giải Goldman. Năm 2019, GreenID được vinh danh là một tổ chức nhận giải thưởng Dự án Đột phá về Khí hậu.

Việc tuyên án đối với bà, không được truyền thông trong nước công bố trong gần một tuần. Việc bắt giữ bà cũng không được đưa tin trên các phương tiện truyền thông nhà nước cho đến khi sự việc được công luận biết đến. Vụ bắt giữ đã gây chấn động xã hội dân sự Việt Nam.

“Tôi rất ngạc nhiên,” theo M.Y (không phải tên viết tắt thật), người đứng đầu một tổ chức phi chính phủ về bảo tồn, người cũng yêu cầu được giấu tên để nói chuyện thoải mái về chủ đề này. “Tôi đã gặp  Khanh vài lần trước đây… chị ấy luôn rất lịch sự, rất rộng lượng và thẳng thắn. Cá nhân tôi không tin rằng chị ấy có thể bị bắt vì tội trốn thuế. Chị ấy đã bị bắt vào cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1, nhưng nó chỉ được đăng tải trong bản tin vào tháng 2, với thông tin rất hạn chế về ‘tội’ của chị ấy.”

Mặc dù vụ việc ít được loan tải trên truyền thông nhà nước của Việt Nam, mà chỉ đưa tin về việc tuyên án sau khi Bộ Ngoại giao bác bỏ cáo buộc rằng bà Khanh đã bị bỏ tù vì chủ trương chống than trong một cuộc họp báo, nhưng nó đã thu hút được sự chú ý lớn của quốc tế.

Chính phủ Hoa Kỳ và Canada đã kêu gọi trả tự do cho Khanh, cũng như Liên minh Châu Âu và các tổ chức khí hậu quốc tế nổi tiếng.

Điều này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 năm ngoái. Chính phủ Việt Nam cũng đang phải vật lộn với Kế hoạch phát triển điện 10 năm tiếp theo, dự kiến ​​ban hành vào năm 2021 nhưng vẫn chưa được hoàn thiện, một phần do những bất đồng về cách giảm hơn nữa việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và dự kiến sử dụng bao nhiêu năng lượng tái tạo.

M.Y. cho rằng việc Khanh bị bỏ tù đã làm cho cam kết đó bị nghi ngờ.

“Điều này chắc chắn sẽ không giúp đất nước tiến tới một tương lai bền vững; thực tế nó làm dấy lên nghi ngờ về cam kết của chính phủ đối với kế hoạch phát triển năng lượng xanh và năng lượng tái tạo,” M.Y. đánh giá. “Nhưng tôi tin rằng mọi người đã được truyền cảm hứng từ công việc của Khanh, và do đó họ sẽ tiếp tục công việc của chị ấy. Mọi chuyện sẽ không dừng lại ở đó”.

Công việc như vậy sẽ không dễ dàng, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ (NGO) mô tả tâm trạng bên trong không gian NGO là “khắc nghiệt”.

“Đó là một bước lùi đối với các hoạt động chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam,” M.Y. nói. “Khanh rất có uy tín trong ngành; chị ấy rất bộc trực, nhưng cũng rất cẩn thận với lời nói và hành động của mình. Nếu một người như vậy mà còn có thể bị bắt, thì chúng tôi không biết điều gì có thể xảy ra với bất kỳ ai trong chúng tôi, do đó, người ta truyền tai nhau rằng ‘hãy cẩn thận, đừng làm hoặc nói bất cứ điều gì để tạo sự chú ý’.”

Bản án trốn thuế của Khanh theo sau việc bỏ tù một số nhà hoạt động khí hậu khác vào đầu năm nay, cũng vì tội gian lận thuế, mặc dù không có chi tiết nào về các tội danh bị cáo buộc về thuế của họ đã được công bố.

H.C, lãnh đạo tổ chức phi chính phủ, cho biết họ cũng lo ngại rằng các nhà tài trợ quốc tế có thể ngần ngại tài trợ cho các tổ chức tại Việt Nam, để tránh những rắc rối pháp lý tiềm ẩn cho cả họ và các đối tác địa phương, mặc dù cuối cùng người dân trong nước sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

“Tôi đã nỗ lực rất nhiều để xây dựng tổ chức phi chính phủ của mình với một đội ngũ tận tâm và chúng tôi tự hào đã đạt được nhiều kết quả tích cực,” H.C. nói. “Bỏ cuộc chưa bao giờ là chuyện của tôi, nhưng tất cả những nỗi hoang mang và rắc rối mà chúng tôi gặp phải trong vài tháng qua khiến tôi nghĩ rằng thật không đáng để có cái hậu quả như vậy. Đó là một kết cục đáng buồn, vì tôi tin rằng Việt Nam vẫn cần nhiều hỗ trợ để giải quyết các vấn đề về môi trường và xã hội ”.