3446. Lý do Việt Nam nên lo ngại về cuộc khủng hoảng kinh tế của Lào

Những khó khăn của quốc gia này có thể làm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc và làm mất ổn định quan hệ đồng minh lâu đời giữa Hà Nội và Viêng Chăn.

THE DIPLOMAT by Khang Vu – July 22, 2022

Ba Sàm lược dịch

Lào đang phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều năm. Tháng trước, lạm phát đã đạt mức cao nhất trong 22 năm là 23,6%, theo các báo cáo chính thức. Do đó, giá nhiên liệu, khí đốt và vàng đã tăng lần lượt là 107,1%, 69,4% và 68,7% so với giá của tháng 6 năm 2021.

Những dòng người xếp hàng dài tại các trạm xăng không còn là chuyện hiếm, nó đã làm ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của đất nước sau đại dịch COVID-19. Giá trị của đồng nội tệ, kip, đã giảm từ 9.300 đồng ăn đô la Mỹ vào tháng 9 năm 2021 xuống còn khoảng 15.000 đồng, vào ngày hôm nay.

Chỉ với 1,2 tỷ USD dự trữ ngoại hối, Lào đang đứng trước bờ vực phá sản do chính phủ không thể đáp ứng các nghĩa vụ nợ trả của mình, vốn buộc nước này phải trả 1,3 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2025. Trong số 14,5 tỷ USD nợ nước ngoài của Lào, khoảng một nửa là nợ Trung Quốc với những khoản tài trợ cho các dự án, bao gồm tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào trị giá 5,9 tỷ USD mới được khánh thành nối Viêng Chăn với biên giới Trung Quốc.

Trong bối cảnh khủng hoảng, Việt Nam và Lào trong tháng này đã tổ chức kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ song phương (1962-2022) và 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (1977-2022). Lãnh đạo hai nước khẳng định “mối quan hệ đặc biệt”, rằng Việt Nam và Lào không chỉ là láng giềng mà còn là “đồng chí, anh em” cùng thực hiện nhiệm vụ chung xây dựng đất nước và chủ nghĩa xã hội. Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đã mô tả mối quan hệ Việt Nam-Lào là “vô giᔓcó một không hai” trong lịch sử thế giới. Phó Chủ tịch nước Lào Bounthong Chitmany khẳng định Viêng Chăn quyết tâm vun đắp “mối quan hệ đoàn kết toàn diện Việt Nam-Lào”.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Lào là người bạn đáng tin cậy nhất của Việt Nam. Trên thực tế, Lào là đồng minh hiệp ước quân sự duy nhất mà Việt Nam có kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, bất chấp chính sách không liên kết chính thức của Hà Nội. Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào đóng vai trò là trụ cột của liên minh, theo đó Lào có thể kêu gọi sự hỗ trợ quân sự từ Việt Nam khi có mối đe dọa đối với an ninh của nước này. Kể từ khi ký hiệp ước năm 1977, Hà Nội coi liên minh là quan trọng để bảo vệ Việt Nam từ xa và phủ nhận ảnh hưởng của các đối thủ khác ở Lào.

Suy nghĩ như vậy bắt nguồn từ tính dễ bị tổn thương về địa lý của Việt Nam. Lào giáp với điểm hẹp nhất của Việt Nam là nơi chỉ có bề ngang 40 km, mà kẻ thù nước ngoài có thể khai thác để cắt đôi đất nước mảnh mai này. Việt Nam cũng hiểu rằng nếu Trung Quốc kiểm soát được Lào, Việt Nam sẽ bị Bắc Kinh bao vây trên ba mặt trận: Biển Đông ở phía đông, biên giới Trung-Việt ở phía bắc, Lào và Campuchia ở phía tây. Vì vậy, sự tồn vong của Việt Nam gắn liền với sự sống còn của Lào.

Như phương tiện truyền thông nhà nước Việt Nam đã diễn đạt một cách ngắn gọn, “An ninh của Lào là an ninh của Việt Nam”. Với lý do đó, Việt Nam đã cố gắng hết sức để đảm bảo rằng Lào vẫn nằm dưới sự giám hộ của mình trước sự tranh giành của Trung Quốc.

Trong Chiến tranh Việt Nam, mặc dù chiến đấu chống lại kẻ thù chung là Hoa Kỳ, các cố vấn Việt Nam và Trung Quốc cũng đã tranh giành ảnh hưởng trên đất nước Lào. Sau năm 1975, Việt Nam dựa vào sự hỗ trợ kinh tế và quân sự của Liên Xô để củng cố quyền thống trị của mình đối với Đông Dương trước phí tổn của Trung Quốc.

Ngay sau khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam vào tháng 2 năm 1979, Việt Nam đã đưa quân đến biên giới Lào-Trung sau khi chính phủ Lào thông báo rằng Trung Quốc đã xâm lược một phần nhỏ của biên giới phía bắc của họ. Hà Nội đã đồn trú hơn 40.000 quân tại Lào trong những năm tiếp theo để bảo vệ đồng minh của mình khỏi Trung Quốc và tình trạng bất ổn trong nước, vào thời điểm họ đang chiến đấu chống lại Khmer Đỏ ở Campuchia và chuẩn bị cho một cuộc xâm lược khác của Trung Quốc dọc theo Biên giới Việt-Trung.

Trong suốt những năm 1980, Việt Nam chắc chắn là nước bảo trợ an ninh và kinh tế chính của Lào.

Chiến tranh Lạnh kết thúc và việc bình thường hóa quan hệ Lào-Trung năm 1991 đã đặt ra một thách thức mới đối với vị trí thống trị của Việt Nam tại Lào, vì Viêng Chăn cởi mở hơn với các khoản đầu tư của Trung Quốc. Trong một môi trường mà mối đe dọa an ninh còn thấp, sự cạnh tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với Lào đã chuyển sang lĩnh vực kinh tế, buộc Lào phải thực hiện một hành động cân bằng thận trọng giữa đồng minh quân sự Việt Nam và đối tác kinh tế quan trọng nhất hiện nay là Trung Quốc.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Việt Nam nhận thấy các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Lào là một mối đe dọa, vì chúng đã làm giảm sút vị thế kinh tế của Hà Nội tại nước này.

Kể từ khi Trung Quốc tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, Việt Nam đã thấy vị thế của mình ở Lào ngày càng xấu đi. Nhiều chính trị gia Lào, mặc dù được đào tạo tại Việt Nam, vẫn coi Trung Quốc là mô hình phát triển kinh tế ưa thích.

Việt Nam đã tiếp tục giúp đỡ Lào trong khả năng tốt nhất có thể, chẳng hạn như tặng Lào một nhà Quốc hội mới, xây dựng một công viên công cộng mới ở Viêng Chăn, và tài trợ cho một số dự án cơ sở hạ tầng xuyên biên giới, chẳng hạn như Đường cao tốc Hà Nội-Viêng Chăn và Tuyến đường sắt Viêng Chăn-Vũng Áng, một phản ứng trực tiếp đối với tuyến đường sắt Lào-Trung.

Hà Nội thậm chí còn tìm kiếm sự giúp đỡ từ Nhật Bản để xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối Việt Nam và Lào, nhằm bù đắp cho sức mạnh kinh tế yếu hơn của nước này so với Trung Quốc. Tuy nhiên, xu hướng dài hạn là rõ ràng, với việc Việt Nam đang mất dần sức thu hút trước Lào.

Để chống lại những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam và Lào thông qua các phần thưởng kinh tế, Hà Nội đã nhấn mạnh đến quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Nước này mong muốn chứng minh rằng Việt Nam vẫn là người bảo đảm quan trọng nhất cho an ninh của Lào, mặc dù không còn là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Lào.

Trong cuộc gặp cấp cao mới đây giữa hai Bộ Quốc phòng Việt Nam và Lào nhằm kỷ niệm quan hệ song phương, hai bên khẳng định “trong bất kỳ hoàn cảnh nào, quân đội hai nước sẽ kề vai sát cánh, vượt qua mọi thử thách, gian khổ, bảo vệ thành tựu cách mạng của các bậc tiền bối.” Trung tướng Lào Khamlieng Outhakaysone tuyên bố Lào sẽ luôn coi trọng “quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện” với Việt Nam và tin tưởng rằng sức mạnh đó sẽ “đẩy lùi mọi âm mưu chia rẽ hai nước”.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh sự hợp tác quốc phòng song phương là trụ cột quan trọng của quan hệ Việt Nam-Lào và là ưu tiên của Hà Nội. Ông Chính cho biết thêm, những khó khăn kinh tế gần đây do lạm phát và giá nhiên liệu cao ngất ngưởng cũng như môi trường quốc tế không ổn định nên cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn để cả Việt Nam và Lào có thể chủ động đối phó với những tiêu cực có thể xảy ra. Truyền thông nhà nước của Việt Nam lưu ý rằng sự hợp tác tiếp tục dưới sự lãnh đạo của hai Đảng cộng sản có ý nghĩa sống còn đối với sự trường tồn và thịnh vượng của các dân tộc Việt Nam và Lào.

Tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp về kinh tế hiện tại của Lào có thể làm phức tạp những nỗ lực của Hà Nội nhằm hạn chế ảnh hưởng của Bắc Kinh. Việt Nam chỉ có thể giữ chân Lào miễn là Lào duy trì ổn định chính trị xã hội và Trung Quốc không được hưởng tiếng nói cuối cùng đối với sự tồn vong của nền kinh tế Lào, trong khi cả hai đều đang bị đe dọa do khủng hoảng kinh tế.

Hà Nội đã cố gắng giúp giảm bớt một số gánh nặng kinh tế của Lào bằng cách tăng đầu tư lên 33% từ năm 2020 đến năm 2021. Trong ba tháng đầu năm 2022, thương mại song phương tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021. Hà Nội cũng lưu ý rằng các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã nộp thuế trị giá hơn 1 tỷ USD cho Viêng Chăn trong 5 năm qua.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng dù Việt Nam có đầu tư vào Lào bao nhiêu thì cũng không thể vượt qua Trung Quốc. Tiền của Việt Nam cũng không phải là thứ cứu nguy tức khắc đối với những thảm họa kinh tế của Lào nếu như đất nước này không thể đối phó với nạn tham nhũng và quản lý yếu kém.

Do đó, kết quả của cuộc khủng hoảng kinh tế có thể quyết định liệu Lào có thể duy trì hành động cân bằng giữa Việt Nam và Trung Quốc hay không.

Trong một môi trường có mức độ đe dọa an ninh thấp, giới lãnh đạo Lào có thể quyết định rằng sự sống còn về kinh tế quan trọng hơn an ninh và nước này cần sự cứu trợ kinh tế từ Trung Quốc để duy trì sự ổn định trong nước trong ngắn hạn.

Về lâu dài, Trung Quốc có thể đóng vai trò là người bảo đảm an ninh và kinh tế chính cho Lào nếu một thỏa thuận như vậy làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Dương với tổn phí cho Việt Nam và giải thoát cho Lào khỏi hành động cân bằng, qua đó chấm dứt hiệu quả liên minh quân sự Việt-Lào.

Điều quan trọng là, với tư cách là một nhà nước cộng sản độc đảng, Trung Quốc cũng có thể bảo vệ sự tồn vong của chế độ cộng sản Lào như Việt Nam đã và đang làm, điều này sẽ chỉ giúp quá trình chuyển đổi như vậy diễn ra suôn sẻ.

Từ lâu trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm suy yếu ảnh hưởng của Việt Nam ở Lào. Sự suy yếu hơn nữa của nhà nước đảng trị Lào sẽ chỉ cho phép Trung Quốc khai thác vị trí quyền lực thuận lợi của họ đối với Việt Nam và cuối cùng giành được đất nước này về phía mình, sau khi đã làm như vậy thành công với Campuchia.

Lần cuối cùng Trung Quốc và Việt Nam tham chiến trên bộ là vào năm 1979; rồi đã lan sang Campuchia. Xung đột tiếp theo giữa Trung Quốc và Việt Nam có thể không phải ở Biển Đông mà là ở Lào.

One comment

Đã đóng bình luận.