3448. Đài Loan tiến hành diễn tập quy mô đầy đủ cho một cuộc tấn công của Trung Quốc, cho thấy Ukraine có thể chỉ giống như một màn trình diễn phụ

 

Đài Loan đã tiến hành một cuộc diễn tập quy mô đầy đủ cho một cuộc tấn công của Trung Quốc, vì lo ngại gia tăng sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine (ảnh: Quân đội Trung Quốc tham gia cuộc tập trận chung chống khủng bố với Nga vào năm 2021)

+ Cư dân Đài Loan tham gia vào một cuộc thao diễn chống không kích giữ lúc đang có các cuộc tập trận quân sự

+ Chủ tịch Trung Quốc Tập ngày càng gây hấn ở Biển Đông

+ Có những lo ngại Trung Quốc sẽ học được từ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine

DAILY MAIL by MARK ALMOND  –  25 July 2022  

(Mark Almond là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khủng hoảng, Oxford).

Ba Sàm lược dịch

Khi tiếng còi báo động rú lên thê lương thông báo cuộc không kích lúc 1h30 chiều ngày hôm qua, người dân các thị trấn và thành phố ở miền Bắc Đài Loan đã rút lui vào trong nhà. Đường phố nhanh chóng vắng bóng người và xe hơi.

Tại thủ đô Đài Bắc, các cửa hàng và nhà hàng đã đóng cửa chớp và cảnh sát hướng dẫn các phương tiện đi vào lề đường và yêu cầu tài xế cùng hành khách tìm nơi trú ẩn.

Tiếng rít của các chiến đấu cơ đua tranh đẩy lui kẻ thù rền vang khắp bầu trời, trong khi tin nhắn ‘cảnh báo tên lửa’ được gửi đến hàng trăm nghìn điện thoại di động, thúc giục sơ tán đến nơi an toàn ngay lập tức.

Kinh hoàng! Vâng, nhưng viễn cảnh ác mộng được mở ra đó chính là một cuộc diễn tập quy mô đầy đủ cần thiết để chuẩn bị cho ngày, giờ nhất định, khi Đài Loan phải hứng chịu một cuộc tấn công bất ngờ từ Trung Quốc đại lục.

Với con mắt của thế giới đang tập trung vào cuộc chiến tàn khốc ở Ukraine, chúng ta không được đánh giá thấp cuộc khủng hoảng đang âm ỉ ở đầu kia của Âu-Á, cách đó khoảng 5.000 dặm. Chúng cũng không phải là không liên quan.

Vladimir Putin của Nga và Tập Cận Bình của Trung Quốc đều có chung quan điểm coi thường quyền lợi của các nước láng giềng yếu hơn của họ, và Đài Loan từ lâu đã cảm nhận được hơi thở của con rồng Trung Hoa ngay trên cổ họng mình.

Kể từ khi những người Cộng sản lên nắm quyền ở Trung Quốc đại lục vào năm 1949, họ đã đưa quốc gia nhỏ bé kém may mắn này vào tầm ngắm của mình.

Người dân Đài Loan trú ẩn trong một cuộc tập dượt đối phó không kích, được tổ chức cùng ngày với cuộc tập trận quân sự

Nó chính thức là một phần của Trung Hoa Dân Quốc, nhưng trên thực tế, đã là một nền dân chủ độc lập trong hơn 30 năm.

Cũng như Putin không thích một Ukraine dân chủ ở kề biên giới với Nga, vì vậy việc có một nền dân chủ nói tiếng Trung chỉ cách mình 100 dặm là điều không thể chấp nhận được đối với Chủ tịch nắm toàn quyền của Trung Quốc, họ Tập.

Giờ đây, với việc lực lượng không quân và hải quân của Trung Quốc ngày càng chủ động xung quanh và trên khắp Đài Loan, tất cả các dấu hiệu cho thấy nước này đang tập dượt cho một cuộc xâm lược vào hòn đảo nhỏ bé nhưng quan trọng về địa chính trị này, với dân số chỉ 29 triệu người (so với 1,4 tỷ ở Trung Quốc).

Đài Bắc đóng cửa trong cuộc tập trận kéo dài 30 phút hàng năm, diễn ra trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công bất ngờ

Trong một chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 5, Tổng thống Joe Biden đã nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ Đài Loan nếu bị tấn công. Và tất nhiên, không ai hạnh phúc hơn Putin khi nghe thấy điều đó.

Việc chuyển lực lượng và vũ khí công nghệ cao của Mỹ khỏi Đông Âu để đến Viễn Đông sẽ làm giảm áp lực của họ ở Ukraine.

Một binh sĩ Đài Loan hướng dẫn mọi người xuống hầm trú ẩn trong cuộc tập dượt đối phó không kích Wanan ở Đài Bắc

Nhưng một cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc có thể nhanh chóng leo thang vượt xa xung đột Ukraine, để trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình thế giới, kể từ cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Vậy, làm thế nào một cuộc xâm lược như vậy có thể xảy ra? Điều gì sẽ kích hoạt nó? Và nó sẽ tác động đến phần còn lại của thế giới như thế nào?

“Cái cớ” có khả năng nhất cho một cuộc xâm lược sẽ là tuyên bố độc lập của tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rõ rằng Mỹ sẽ sẵn sàng bảo vệ Đài Loan nếu bị tấn công

Tóm lại, bất kỳ sự công nhận nào cho Đài Loan là một quốc gia độc lập với Trung Quốc bởi phương Tây, sẽ khiến thổi bùng lên những ngọn lửa. (Thật vậy, sau các loan báo về chuyến thăm Đài Loan được đề xuất của chính trị gia Hoa Kỳ Nancy Pelosi vào tuần trước, người Trung Quốc đã cảnh báo rằng phản ứng của họ có thể liên quan đến “các biện pháp mạnh mẽ”.)

Đài Loan, một nền kinh tế thị trường tự do phát triển mạnh nhờ sản xuất công nghiệp và xuất khẩu thiết bị điện tử và máy móc, đã trở nên giàu có bên ngoài Trung Quốc Cộng sản. Nhưng cho đến gần đây, nó đã bỏ bê chi tiêu quốc phòng.

Lực lượng không quân và hải quân của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày càng trở nên chủ động hơn xung quanh và trên khắp Đài Loan

Với một số lượng tương đối nhỏ quân đội được huấn luyện và vũ khí hiện đại, thay vào đó, nước này đã dựa vào giá trị chiến lược của mình – tại ngã ba Biển Đông và Hoa Đông, ở Tây Bắc Thái Bình Dương – trước sự bảo vệ của Mỹ và Nhật Bản. Nhưng học được từ thất bại của Putin trong việc chiếm thủ đô Kyiv của Ukraine vào cuối tháng 2 – Bắc Kinh có thể kết luận rằng chỉ có một cuộc tấn công gây sốc và kinh hoàng vào Đài Loan mới có hiệu quả.

Một trận mưa tên lửa hành trình và đạn đạo sẽ được phóng lên các căn cứ quân sự và hải cảng, các trung tâm viễn thông và cơ sở hạ tầng giao thông của hòn đảo.

Sức mạnh tàn bạo của các đầu đạn nổ mạnh sẽ được liên kết với các cuộc tấn công mạng để cản trở sự phối hợp giữa các đơn vị quân đội Đài Loan và khiến dân thường hoảng sợ. Đồng thời, một hạm đội xâm lược sẽ tìm cách đổ bộ từng đoàn quân, xe tăng và xe tải Trung Quốc lên bờ biển để chiếm Đài Loan theo kiểu truyền thống.

Chắc chắn sẽ có một lượng thiệt hại to lớn đối với cơ sở hạ tầng, với thương vong nặng nề về quân sự và dân sự.

Tuy nhiên, Trung Quốc không thể cho rằng đông hơn kẻ thù là sẽ mang lại chiến thắng nhanh chóng.

Đúng vậy, Trung Quốc có một quân đội lớn mạnh và đang phát triển, nhưng nó chưa được thử thách trong trận chiến. Nó đã không tham chiến kể từ năm 1979, khi Đặng Tiểu Bình muốn ‘dạy một bài học’ cho nước láng giềng phía nam của Trung Quốc là Việt Nam.

Chính người Việt Nam đã dạy cho Trung Quốc một số bài học khó có gì có thể thay thế được. Nhưng cuộc chiến đó phần lớn bị lờ đi ở Trung Quốc ngày nay. Thay vào đó, cuộc Chiến tranh Triều Tiên, chống lại các lực lượng Liên hợp quốc do Hoa Kỳ lãnh đạo từ năm 1950 đến năm 1953, được coi là cuộc chiến tranh kiểu mẫu của Trung Quốc Cộng sản.

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người bị ám sát hồi đầu tháng – đã liên tục cảnh báo các đồng minh ở châu Âu và Mỹ nên tập trung vào mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra, hơn là với Nga

Mặc dù hàng chục nghìn lính Mỹ đã bị Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tiêu diệt, song Tổng thống Harry S. Truman đã từ chối yêu cầu sử dụng vũ khí hạt nhân từ các tướng lĩnh của ông.

Hồi đó, Mao phải dựa vào ‘chiếc ô’ hạt nhân của Stalin qua tầm nhận thức bên trong Liên Xô. Ngày nay, Trung Quốc có vũ khí hạt nhân của riêng mình.

Bắc Kinh khó tin rằng, đối với tất cả cách nói có vẻ hiếu chiến của mình, Tổng thống Biden, cũng giống như Truman, sẽ lùi lại khỏi bờ vực nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân là kết quả có thể xảy ra nhất.

Có những lo ngại rằng Trung Quốc sẽ học hỏi từ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine (ảnh: Người dân ở Đài Loan trong một cuộc tập dượt đối phó không kích)

Nhưng nếu quả là như vậy, ông Tập và các bộ máy của ông ta, đang đánh giá thấp quyết tâm của Mỹ trong việc không thể nhường quyền kiểm soát ở khu vực Thái Bình Dương.

Chính quyền Biden, có lý do chính đáng, nghi ngờ sâu sắc về ý định của Trung Quốc trong khu vực.

Kế đó, có Nhật Bản cùng với nhận thức này. Chủ nhân đế quốc cũ của Đài Loan (cho đến khi phải đầu hàng vào năm 1945) từng coi hòn đảo-dân chủ như chiếc mỏ neo ở phía nam của chuỗi các đảo dẫn đến chính quần đảo Nhật Bản.

Cựu Thủ tướng Shinzo Abe – người bị ám sát hồi đầu tháng – đã liên tục cảnh báo các đồng minh phương Tây của Nhật Bản ở châu Âu và Mỹ, rằng việc tập trung vào cuộc khủng hoảng Ukraine đang khiến họ bị sao lãng khỏi mối đe dọa lớn hơn nhiều, so với Nga, mà Trung Quốc gây ra đối với sự ổn định của thế giới.


Bên trọng trại huấn luyện quân sự của Đài Loan chuẩn bị cho cuộc xâm lược của Trung Quốc

Vậy liệu Nhật Bản – một quốc gia có nền khoa học tiên tiến – sẽ nhanh chóng có được vũ khí hạt nhân cần thiết để tự bảo vệ mình và răn đe Trung Quốc nếu Bắc Kinh quyết định tấn công Đài Loan hay không?

Và, với việc Triều Tiên đã thử nhiều vũ khí hạt nhân rồi, thì liệu Hàn Quốc có thể làm theo vì lo ngại về Trung Quốc và nước láng giềng phương Bắc hay không? Khi đó, tiềm năng cho một cuộc xung đột hạt nhân toàn diện đang cận kề một cách đáng kinh ngạc. Nhưng ngay cả khi không có vũ khí hạt nhân, một cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc, dù có thành công hay không, cũng sẽ là một thảm họa đối với nền kinh tế thế giới rộng lớn hơn.

Đài Loan là một trong những nhà sản xuất lớn của thế giới về các thành phần công nghệ cao như chất bán dẫn, và nếu các nhà máy của họ bị phá hủy hoặc hư hỏng sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ, từ máy tính đến điện thoại di động, đẩy giá cả lên cao và gây ra tình trạng thiếu hụt những thứ hàng ngày mà chúng ta được cung cấp để sử dụng.


Đài Loan tổ chức cuộc tập dượt chống tên lửa trước chuyến thăm có thể có của Pelosi

Còn đối với những người nói rằng Tập sẽ ngần ngại xâm lược vì sợ ‘giết chết con ngỗng vàng’ là kinh tế Đài Loan, thì hãy cứ nhìn Hong Kong xem. Trong ba năm qua, Tập Cận Bình đã sẵn sàng từ từ bóp nghẹt sự năng động kinh tế của Hong Kong để kìm hãm phong trào dân chủ ở đó.

Ông ta có thể dễ dàng đánh giá rằng việc tàn phá Đài Loan là một cái giá đáng phải trả cho việc giành được lợi thế chiến lược, khi sử dụng vị trí của quốc đảo này để giúp hải quân Trung Quốc tiếp cận đại dương rộng mở ở phía bên kia. Cuộc diễn tập chuẩn bị chiến tranh ngày hôm qua ở Đài Loan được gọi là ‘Wan An’ – tạm dịch là Hòa bình Vĩnh cửu.

Hòa bình ‘vĩnh cửu’ có thể là một viễn cảnh phi thực tế, nhưng ngay cả để đạt được hòa bình trong ngắn hạn, Tổng thống Biden và phương Tây vẫn phải tiếp tục cân bằng giữa việc thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan trong khi không kích động Trung Quốc của Tập đang tỏ ra không sợ hãi chúng ta.

Đó là một trò đi đi dây đáng sợ giữa những nguy cơ của kiểu xoa dịu và hậu quả tai hại của chiến tranh. Và Chủ tịch Tập cũng phải làm đúng như phương Tây.

Rủi ro do tính toán sai ở cả hai bên đều cao đến mức ngộp thở.