3454. Vì sao tàu USS Ronald Reagan không tới thăm Việt Nam?

28/07/2022

Tàu USS Carl Vinson tại cảng Đà Nẵng đầu tháng 3/2018 trong chuyến thăm lịch sử của hàng không mẫu hạm Mỹ đầu tiên tới Việt Nam. Tàu USS Ronald Reagan dự kiến tới đây trong tháng này nhưng chuyên thăm đã bị hủy bỏ.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ dự kiến sẽ đến Việt Nam vào cuối tháng này nhưng, theo các nguồn tin cho biết, chuyến thăm đã bị hủy bỏ giữa lúc căng thẳng tăng cao trên Biển Đông.

Tàu USS Ronald Reagan hiện đang ở Biển Đông và nhóm tàu tấn công do hàng không mẫu hạm này dẫn đầu đang hoạt động ở đây từ ngày 13/7. Đây là hoạt động đầu tiên của con tàu này ở vùng Biển Đông, vốn có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực, kể từ khi được triển khai từ căn cứ hải quân Yokosuka của Nhật Bản vào tháng 5 vừa qua.

Siêu hàng không mẫu hạm này vừa rời Singapore hôm 27/7 sau khi thực hiện chuyến thăm 5 ngày tại đây.

Trước khi cập cảng ở Singapore ngày 22/7, tàu USS Ronald Reagan đã di chuyển theo hướng tới bờ biển Việt Nam nhưng đổi hướng quay xuống phía nam vào ngày 16/7, theo hình ảnh lộ trình của con tàu chụp từ vệ tinh.

Giữa tháng này, một nguồn tin ngoại giao cho VOA biết rằng tàu sân bay của Hải quân Mỹ sẽ thăm cảng Đà Nẵng trong 5 ngày vào cuối tháng. Tuy nhiên các nguồn tin từ Việt Nam cho biết chuyến thăm đã bị hủy bỏ mà không rõ nguyên nhân.

Việt Nam chưa bao giờ công bố chuyến thăm dự kiến của tàu USS Ronald Reagan trong tháng này, thời điểm mà Trung Quốc tuyên bố tập trận quân sự gần quần đảo Hoàng Sa.

Cũng đưa tin về việc USS Ronald Reagan bất ngờ hủy chuyến thăm tới Việt Nam, iNews cho biết con tàu ban đầu đã hướng đến bờ biển Đà Nẵng nhưng khi còn 1 ngày nữa trước khi tới nơi thì bất ngờ quay đầu và chuyển hướng rời Biển Đông trước khi tới Căn cứ Hải quân Changi của Singapore vài ngày sau đó.

Trích dẫn nguồn tin từ Việt Nam, trang tin này cho biết chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Mỹ bị hủy bỏ mà không có lý do nào được đưa ra.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận của VOA trước thông tin trên. Trong khi đó người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Hoa Kỳ, nơi quản lý tàu USS Ronald Reagan, từ chối đưa ra thông tin về “các hoạt động tiềm năng” của hải quân Mỹ.

Áp lực từ Trung Quốc?

Theo đánh giá của Giáo sư Carl Thayer tại Đại học New South Wales, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, Việt Nam có thể là bên đưa ra quyết định hủy bỏ chuyến thăm đã được dự kiến của tàu USS Ronald Reagan bởi những căng thẳng đang tăng cao trên Biển Đông.

“Tại thời điểm này, trước sự lên án mạnh mẽ của Trung Quốc đối với Mỹ rằng (Hoa Kỳ) là nguyên nhân gây mất an ninh khu vực, việc Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự ngắn hạn và khả năng Trung Quốc gây áp lực ngoại giao đối với Hà Nội, nên Việt Nam đã quyết định từ chối và hủy chuyến thăm,” GS Thayer, chuyên gia phân tích quốc phòng khu vực và Việt Nam, nhận định.

Giữa tháng này, Trung Quốc thông báo cấm tàu bè ra vào khu vực rộng hơn 60.000km2 để phục vụ cho cuộc tập trận diễn ra từ 16-20/7. Việt Nam đã lên tiếng phản đối hoạt động này khi cho rằng nó “vi phạm chủ quyền” của mình.

Cũng trong tháng này, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ, USS Benfold, đã đi ngang qua gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp ở Biển Đông, như một hoạt động hàng hải tự do nhưng khiến Bắc Kinh giận giữ. Trung Quốc cũng đang cảnh báo Hoa Kỳ rằng nếu Chủ tịch Quốc hội Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan, như thông tin bị rò rỉ ra báo chí, thì họ sẽ “có những biện pháp mạnh.”

Mỹ đã đề xuất các chuyến thăm hàng năm của tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân tới Việt Nam nhưng Hà Nội đã từ chối “vì lo ngại điều này có thể gửi tín hiệu cho Trung Quốc rằng Việt Nam đang nghiêng về phía Mỹ,” theo GS Thayer cho biết. USS Ronald Reagan là một siêu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Nimitz.

Trước đây, chỉ có hai tàu sân bay Mỹ tới thăm Việt Nam kể từ năm 1975. Chuyến thăm gần đây nhất là của tàu USS Theodore Roosevelt vào tháng 3/2020. Trước đó 2 năm, tàu USS Carl Vinson là hàng không mẫu hạm đầu tiên của Mỹ cập cảng Việt Nam sau chiến tranh.

“Chính sách của Việt Nam là hoan nghênh sự hiện diện của Hải quân Hoa Kỳ tại Biển Đông chừng nào nó đóng góp vào hòa bình và an ninh khu vực,” GS Thayer nói và cho rằng đó là lý do vì sao Việt Nam không muốn tàu sân bay Mỹ tới Đà Nẵng vào thời điểm đang có nhiều căng thẳng trong khu vực Biển Đông.

Còn theo Luật sư Vũ Đức Khanh, một người theo dõi chính trường Việt Nam từ Canada, nguồn tin ngoại giao thân cận của ông từ Washington DC cho biết rằng Hà Nội nêu lý do “không đảm bảo được an ninh cho phía Mỹ khi họ vào lãnh hải của Việt Nam” cho việc hủy bỏ chuyến thăm của tàu USS Ronald Reagan.

Theo South China Morning Post, tàu USS Ronald Reagan và nhóm tàu tấn công sau khi rời Singapore hôm 27/7 đã hướng lên phía đông bắc của Biển Đông. Theo thông tin theo dõi hành trình của tàu của Sáng kiến Quan sát Chiến lược Biển Đông có trụ sở ở Bắc Kinh được SCMP trích dẫn, lộ trình này sẽ đưa nhóm tàu sân bay, gồm một tàu khu trục tên lửa dẫn đường và một tàu tuần dương tên lửa dẫn đường, tới eo biển Đài Loan nếu nó tiếp tục đi đúng hướng.

Cũng trong tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hủy chuyến thăm được lên kế hoạch tới Việt Nam. Bộ trưởng Blinken đã thay đổi lịch trình và thay vào đó thăm Thái Lan. Chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ bị hủy trùng với thời gian Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đến thăm Hà Nội đầu tháng này.

Nhận định về các yếu tố tác động đến việc hủy bỏ chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken, GS Thayer cho biết rằng qua các nguồn tin của ông, việc hủy bỏ này “không liên quan gì tới Việt Nam mà phát sinh từ các vấn đề về lịch trình ở Nhà Trắng liên quan đến lịch trình của Tổng thống (Joe) Biden.”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao không hồi đáp yêu cầu bình luận về chuyến thăm bị hủy của Ngoại trưởng Blinken.

“Hoa Kỳ và Việt Nam là những đối tác tin cậy với một mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau,” Người phát ngôn của Bộ Tư lệ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Tiffani Walker, cho VOA biết qua email khi trả lời về hoạt động của tàu USS Ronald Reagan. “Chúng tôi cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam và trông chờ những gắn kết tiếp theo.”


Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ quay lại Biển Đông giữa những căng thẳng về Đài Loan

28/07/2022

Hai tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan (trước) và USS Nimitz (sau) đi cùng nhau ở Biển Đông hồi tháng 7/2020 (ảnh tư liệu).

Một tàu sân bay Mỹ và nhóm tác chiến đi kèm vừa quay trở lại Biển Đông sau khi ghé thăm cảng ở Singapore. Nhóm tàu này triển khai ở trong khu vực có tranh chấp vào lúc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng liên quan đến khả năng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có thể sẽ thăm Đài Loan.

Các quan chức thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ xác nhận việc triển khai tàu USS Ronald Reagan đến tuyến thương mại hàng hải quan trọng, nhưng họ không bình luận khi được hỏi về những căng thẳng liên quan đến chuyến đi có thể diễn ra của bà Pelosi.

“Tàu sân bay USS Ronald Reagan và nhóm tác chiến đi cùng đang hoạt động ở Biển Đông sau cuộc ghé thăm cảng thành công ở Singapore”, Trung tá Hayley Sims cho biết trong một tuyên bố gửi đến Reuters.

Viên sỹ quan Sims nói thêm rằng tàu Reagan “đang tiếp tục các hoạt động bình thường theo lịch trình, là một phần của cuộc tuần tra định kỳ vì một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Khi được đề nghị đưa ra bình luận, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Mỹ một lần nữa “khoe cơ bắp” ở Biển Đông bằng hoạt động của tàu Reagan.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian (Triệu Lập Kiên) phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Năm 28/7 rằng: “Từ sự việc này, mọi người có thể thấy rõ ai là mới là mối đe dọa lớn nhất đối với Biển Đông cũng như hòa bình và ổn định của khu vực châu Á”.

Tàu USS Reagan có căn cứ chính ở Nhật Bản. Tin tức về việc triển khai tàu sân bay này xuất hiện trùng vào lúc Bắc Kinh và Washington đấu khẩu ngoại giao về chuyến công du của bà Pelosi, được cho là sẽ diễn ra vào tháng tới sau khi từng bị hoãn hồi đầu năm. Bà Pelosi chưa xác nhận chắc chắn về chuyến đi.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin hôm 27/7 cho biết ông đã đàm thoại với bà Pelosi và trình bày với bà những đánh giá về an ninh, nhưng ông nói thêm rằng bất cứ bình luận gì về việc bà có thể đến thăm Đài Loan sẽ phải do văn phòng của bà đưa ra.

Tình hình căng thẳng về đảo Đài Loan có chính quyền dân chủ dự kiến sẽ được thảo luận khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm lần thứ năm mà có thể diễn ra sớm nhất là vào ngày 28/7.

(Reuters)