3465. Đài Loan, Thucydides và Chiến tranh Hoa Kỳ-Trung Quốc

THE NATIONAL INTEREST by Graham Allison – August 5, 2022 

(Graham T. Allison là Giáo sư tại Trường Harvard Kennedy thuộc Đại học Harvard, ông cũng từng là giám đốc của Trung tâm Belfer thuộc trường này và là tác giả cuốn Destined for War: Can America and China Escape Thucydides’s Trap? – Cuộc chiến đã được định trước: Liệu Mỹ và Trung Quốc có thoát khỏi được cái bẫy Thucydides?)

Ba Sàm lược dịch

Con đường nhanh nhất dẫn tới cuộc chiến đẫm máu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ chạy qua Đài Loan. Nếu cuộc khủng hoảng hiện tại gây ra bởi chuyến đi không đúng lúc của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và phản ứng quân sự mạnh mẽ của Trung Quốc dẫn đến một vụ va chạm giữa tàu hải quân hoặc máy bay của Trung Quốc và Mỹ, thì ngay cả một “tai nạn” cũng có thể bật ra tia lửa thổi bùng lên một đám cháy lớn.

Vào tháng 6 năm 1914, [Thái tử của Áo-Hung] Archduke Franz Ferdinand được khuyên không nên đến Sarajevo — cũng như Chủ tịch Pelosi đã được Lầu Năm Góc khuyên trước chuyến thăm của bà. Nhưng không ai tưởng tượng được rằng trong chuyến đi của mình, ông sẽ bị ám sát, bật lên tia lửa gây nên một đại hỏa tai kinh hoàng đến mức các nhà sử học phải đặt ra một phạm trù hoàn toàn mới: Chiến tranh thế giới.

Thật may mắn, chính phủ Hoa Kỳ và Trung Quốc biết rằng một cuộc chiến tranh nóng sẽ là một thảm họa cho cả hai. Không ai nghiêm túc trong chính phủ mà lại muốn chiến tranh. Nhưng tiếc thay, lịch sử đưa ra nhiều ví dụ, trong đó các quốc gia đối thủ mà các nhà lãnh đạo của chúng không muốn chiến tranh, tuy nhiên lại nhận thấy rằng mình buộc phải đưa ra những lựa chọn định mệnh, giữa một bên là phải chấp nhận những gì họ đánh giá là một thua thiệt không thể chấp nhận được, và một bên là thực hiện một bước đi làm tăng nguy cơ chiến tranh.

Trường hợp kinh điển là Thế chiến I. Sau khi một tên khủng bố, có quan hệ mờ ám với chính phủ Serbia, đã ám sát người kế vị của Hoàng đế Áo-Hung, thì ông ta nhận định rằng mình phải trừng phạt nghiêm khắc Serbia. Vì Áo là đồng minh duy nhất của mình, nên Đức cảm thấy không có lựa chọn nào khác ngoài việc giúp đỡ đầy đủ cho nước này. Nga cảm thấy có nghĩa vụ phải hỗ trợ những người anh em Cơ đốc giáo Chính thống của mình ở Serbia. Sai một li đi một dặm trong một vòng luẩn quẩn của các hành động và phản ứng khiến cả châu Âu lâm vào chiến tranh trong vòng năm tuần.

Trên bức tranh rộng lớn hơn của lịch sử, khi một quyền lực đang trỗi dậy nhanh chóng đe dọa nghiêm trọng đến việc thay thế một quyền lực lớn đang thống trị, thì sự cạnh tranh thường kết thúc bằng chiến tranh (được gọi là cái bẫy Thucydides – ND).

500 năm qua đã chứng kiến ​​mười sáu trường hợp tranh giành kiểu Thucydides như vậy. Mười hai trường hợp dẫn đến chiến tranh. Trong mỗi trường hợp, nguyên nhân gần gũi của cuộc chiến bao gồm tai nạn, lỗi tự gây ra và hậu quả không mong muốn của những lựa chọn không thể tránh khỏi, trong đó một trong những nhân vật chính chấp nhận rủi ro gia tăng với hy vọng rằng đối thủ sẽ phải lùi bước. Nhưng bên dưới những điều này là những động lực cơ bản về cấu trúc mà sử gia Hy Lạp cổ đại Thucydides đã nêu bật trong việc giải thích cách hai thành bang hàng đầu của Hy Lạp cổ đại đã tiêu diệt lẫn nhau trong Chiến tranh Peloponnesian. Như ông đã viết: “Chính sự trỗi dậy của Athens và nỗi sợ hãi dần thấm đẫm trong tư tưởng người Sparta đã khiến chiến tranh không thể tránh khỏi.

Ngày nay, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tham gia vào cuộc cạnh tranh GOAT (Greatest Of All Time ) – sự cạnh tranh lớn nhất mọi thời đại. Trong cuộc đấu tranh này, chiến tranh giành Đài Loan có phải là điều không thể tránh khỏi? Các ghi chép lịch sử cho thấy có nhiều khả năng xảy ra chiến tranh hơn là không.

Nhưng như năm thập kỷ qua cho thấy, điều đó không nhất thiết phải như vậy. 50 năm trước, vào năm 1972, khi Nixon và Kissinger mở cửa quan hệ với Trung Quốc, sự khác biệt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về Đài Loan chắc chắn là không thể hòa giải. Nhưng các chính khách đã chứng minh rằng không thể hòa giải không có nghĩa là không thể giải quyết được. Họ đã tạo ra một khuôn khổ mơ hồ chiến lược (*) kéo dài năm thập kỷ, trong đó công dân ở cả hai bờ eo biển đã thấy thu nhập, sức khỏe và hạnh phúc của họ tăng lên nhiều hơn so với bất cứ thời kỳ tương đương nào trong lịch sử lâu dài của họ.

(*) 2884. Biden, Đài Loan và sự mơ hồ chiến lược

Có ba sự thật tàn nhẫn về tình trạng đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về Đài Loan ngày nay.

Thứ nhất, không chỉ Tập Cận Bình mà toàn bộ ban lãnh đạo và đất nước Trung Quốc rõ ràng cam kết ngăn chặn Đài Loan trở thành một quốc gia độc lập. Nếu buộc phải lựa chọn giữa việc chấp nhận một Đài Loan độc lập hay là một cuộc chiến hủy diệt Đài Loan và phần lớn lãnh thổ Trung Quốc, Tập và nhóm của ông ta sẽ chọn chiến tranh.

Thứ hai, cái mà cố Thủ tướng Anh Winston Churchill gọi là “những dòng nước siết chết chóc” trong chính trị trong nước hiện đang tràn lan ở cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Một sự thật hiển nhiên cơ bản trong chính trị Hoa Kỳ là cấm được để một đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng của mình thực hiện đúng đắn một vấn đề thuộc về an ninh quốc gia. Do đó, các chính trị gia Đảng Cộng hòa và Dân chủ đang gấp rút chỉ ra xem ai có thể cứng rắn hơn với Trung Quốc so với đối thủ bên kia.

Người đầy triển vọng làm tổng thống, Mike Pompeo, đã kêu gọi Hoa Kỳ công nhận một Đài Loan độc lập và với sự năng động của các đảng viên Cộng hòa, đây có thể sẽ là một kế hoạch chung trong cương lĩnh của Đảng Cộng hòa tại chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024. Tại Đài Bắc, Pelosi đã báo trướclời thề long trọng… của Hoa Kỳ là sẽ hỗ trợ bảo vệ Đài Loan”. Và trong tuần này, Thượng nghị sĩ Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, người của Đảng Dân chủ, và Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một lãnh đạo của Đảng Cộng hòa về các vấn đề quốc phòng, đã giới thiệu Đạo luật Chính sách với Đài Loan, trong đó chỉ định Đài Loan là một “đồng minh chính ngoài NATO” và cam kết viện trợ quân sự 4,5 tỷ USD. Trong khi đó, giữa lúc Tập đang sắp đặt các toan tính chính trị cho một nhiệm kỳ thứ ba phá vỡ tiền lệ, trong vai trò tổng bí thư và hoàng đế thực sự suốt đời, thì áp lực buộc ông phải đứng lên chống lại Hoa Kỳ và đứng vững trước một Đài Loan đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Thứ ba, trong khi hầu hết các chính trị gia Mỹ vẫn chưa nhận ra điều đó, thì cán cân quân sự ở eo biển Đài Loan đã được thay đổi trong một phần tư thế kỷ kể từ cuộc khủng hoảng cuối cùng về Đài Loan. Cán cân quyền lực trong khu vực đã thay đổi rõ ràng theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Như tôi đã giải thích trong một bài báo được xuất bản tại đây vào năm ngoái, Hoa Kỳ có thể thua trong một cuộc chiến tranh giành Đài Loan. Thật vậy, như cựu Thứ trưởng Quốc phòng Robert Work đã tuyên bố công khai, trong các game chiến tranh nhạy cảm và được mô phỏng gần thực tế nhất của Lầu Năm Góc, thì trong các cuộc xung đột có giới hạn ở Đài Loan, tỷ số là 18-0 và đội thắng 18 bàn lại không phải là Đội Hoa Kỳ.

Nếu Hoa Kỳ tham gia vào một cuộc chiến tranh cục bộ về Đài Loan, vị tổng thống có thể sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn định mệnh giữa thua cuộc hoặc leo thang đến một cuộc chiến rộng lớn hơn mà Hoa Kỳ sẽ có ưu thế hơn. Mặc dù Trung Quốc đã có bước tiến vượt bậc về khả năng quân sự, song Mỹ vẫn tiếp tục thống trị vùng biển mà Trung Quốc phụ thuộc vào cả về nhập khẩu năng lượng và xuất khẩu sản phẩm của mình. Tất nhiên, cuộc chiến rộng hơn đó có thể leo thang hơn nữa. Và các bậc trên của cái thang leo này còn bao gồm cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Trong lĩnh vực hạt nhân, không có gì phải bàn cãi về việc Hoa Kỳ có thể xóa Trung Quốc khỏi bản đồ thế giới. Cũng không có gì phải bàn cãi về thực tế là họ không thể làm như vậy nếu không có việc Trung Quốc trả đũa bằng các cuộc tấn công hạt nhân có thể giết chết hầu hết người Mỹ.

Trung Quốc hiện có một kho vũ khí hạt nhân mạnh mẽ, tạo ra một điều kiện cho các Chiến binh Lạnh lùng, còn được gọi là ĐIÊN: hủy diệt lẫn nhau. Trong một cuộc chiến tranh hạt nhân, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều không thể tiêu diệt bên kia mà không bị tiêu diệt chính mình. Trong thế giới đó, như Tổng thống Ronald Reagan đã dạy chúng ta, “một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể giành chiến thắng và do đó không bao giờ được tiến hành”.

Nhưng trong khi không có nhà lãnh đạo có lý trí nào chọn tham gia một cuộc chiến tranh hạt nhân, thì trong lịch sử của cuộc Chiến tranh Lạnh đã có một số cuộc đối đầu, mà khi đó các nhà lãnh đạo đã chọn chấp nhận rủi ro chiến tranh gia tăng hơn là chấp nhận việc Liên Xô chiếm Berlin hoặc triển khai các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ở Cuba.

Nếu hai chính phủ Mỹ và Trung Quốc lúc này vẫn điều hành quốc gia như thường lệ – điều mà chúng ta đã thấy trong tuần qua – thì chúng ta có thể mong đợi câu chuyện diễn ra như thường lệ trong lịch sử. Bi thảm thay, câu chuyện thường lệ trong lịch sử đó lại có nghĩa là một cuộc chiến có thể hủy diệt cả hai nước.