Hoa Kỳ và phương Tây phải thức tỉnh trước thực tế rằng Trung Quốc cộng sản có ý định cai trị thế giới và sẽ tiêu diệt bất kỳ quốc gia nào trên con đường của họ. Chúng ta phải nhanh chóng nỗ lực để giảm thiểu mối đe dọa đó bằng cách điều chỉnh một cách triệt để việc chuẩn bị của chúng ta.

Chủ tịch Tập và giới lãnh đạo Trung Quốc tỏ rõ ý định thực sự về một cuộc tấn công vào Đài Loan và đã đến lúc Mỹ phải hành động
FOX NEWS by Robert Maginnis – August 7, 2022
(Robert Maginnis là một sĩ quan quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, đồng thời là một nhà phân tích quân sự giàu kinh nghiệm thực địa ở Nga và Ukraine. Ông là tác giả của một số cuốn sách đề cập đến mối đe dọa của Nga và Trung Quốc, bao gồm Give Me Liberty, Not Marxism – Hãy cho tôi tự do, không phải chủ nghĩa Mác, 2021).
Ba Sàm lược dịch
Những bước đi sai lầm của chính quyền Biden và các thành viên đảng Dân chủ, như Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, liên quan đến Đài Loan nhiều khả năng đang gây ra một cuộc chiến tranh nóng với Trung Quốc Cộng sản, sớm hơn nhiều người nghĩ.
Bắc Kinh khá rõ ràng về ý định của họ trước quan điểm của chúng ta đối với Đài Loan, nơi mà chế độ đó coi là một tỉnh nổi loạn. Một ngày sau chuyến thăm gần đây của Pelosi tới đảo quốc, tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đã đáp xuống sáu khu vực bao quanh Đài Loan, bao gồm cả bên trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, và không phải là do nhầm lẫn. Tên lửa dẫn đường chính xác thường hạ cánh ở nơi chúng dự định, một thông điệp rõ ràng từ chế độ Cộng sản tới các nhà dân chủ đang lo lắng ở Đài Bắc và các đồng minh như Tokyo và Washington.
Chắc chắn, cuộc diễn tập bắn đạn thật kéo dài ba ngày của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh tin rằng một cuộc xâm lược đảo quốc là chính đáng. Giờ đây đồng hồ đang điểm nhịp tích tắc nhanh hơn bao giờ hết, bởi vì cuộc tấn công đó dường như không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng là: Điều này có ý nghĩa gì đối với các quốc gia như Hoa Kỳ?
Hãy bắt đầu bằng cách xóa bỏ một quan niệm sai lầm chính yếu. Bất chấp những lời hứa lặp đi lặp lại của Tổng thống Biden là sẽ nhanh chóng viện trợ cho Đài Loan nếu nó bị Bắc Kinh tấn công, thì trên thực tế chúng ta không có hiệp ước phòng thủ chung với Đài Bắc, nhưng chúng ta có lợi ích đối với thị phần của quốc gia đó – 85% – trong sản lượng chất bán dẫn của thế giới. Trên thực tế, chúng ta đã tuân thủ nghĩa vụ của Đạo luật Quan hệ Đài Loan “Một Trung Quốc” năm 1979, bằng cách công nhận Bắc Kinh là chính quyền lãnh đạo hợp pháp của tất cả người dân Trung Quốc bao gồm cả những người ở Đài Loan.
Những gì chúng ta không biết là, với cái gọi là “chính sách mơ hồ chiến lược” (*) của chúng ta liên quan đến Đài Loan, thì liệu với những điều như Biden đã nói ở Nhật Bản vào tháng 5 vừa qua (**), Hoa Kỳ có vội vàng viện trợ cho hòn đảo nếu Trung Quốc tấn công hay không. Tôi nghi ngờ về lời hứa đó và không chỉ vì chúng ta không có đủ lực lượng ở Tây Thái Bình Dương, mà còn bởi vì chủ tịch Trung Quốc tỏ rõ thái độ nghiêm túc đáng sợ về Đài Loan và ông ta ngày càng có quyền lực để hỗ trợ ý định của mình.
(*) 2395. Ngân sách Quốc phòng của Joe Biden rất lớn … giúp cho Nga và Trung Quốc. “Các thành viên của Hạ viện cấp tiến phản đối hiện đại hóa hạt nhân, phòng thủ tên lửa và ủng hộ chính sách không sử dụng trước, trong đó nói rằng Hoa Kỳ sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trước trong một cuộc chiến, do đó từ bỏ sự mơ hồ chiến lược nhằm mục đích khiến đối thủ phải phán đoán.”
(**) 3348. Đảng Cộng hòa gây áp lực buộc Biden cam kết chiến tranh với Trung Quốc vì Đài Loan. “Trong cuộc họp báo với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm thứ Hai, Biden được hỏi liệu ông có sẵn sàng ‘can dự bằng quân sự’ để bảo vệ Đài Loan hay không, và ông trả lời là có. ‘Đó là cam kết mà chúng tôi đã thực hiện,’ tổng thống nói.”

Chúng ta phải chấp nhận sự thật rằng Chủ tịch Tập không lừa dối khi nói đến cái mà ông gọi là tỉnh ly khai – Đài Loan. Hơn nữa,Tập luôn kiên định, người vừa là chủ tịch Trung Quốc vừa là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ sớm trở nên mạnh mẽ hơn và sẵn sàng hành động, bất kể Pelosi đã đưa ra lời đảm bảo với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Vào mùa thu năm nay, Tập sẽ đứng trước Đại hội Đảng lần thứ 20 trong một nỗ lực cho nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có trong vị trí tổng bí thư, một kết quả sẽ tôn vinh ông làm Chủ tịch trọn đời, giống như người tiền nhiệm quyền lực tuyệt đối của ông là Mao Trạch Đông.
Tập, giống như Mao, là một người theo chủ nghĩa Mác-Lê-nin cứng rắn, người từng xuất thân không mấy tên tuổi vào năm 2013, để lãnh đạo chế độ cộng sản trở lại nguồn gốc độc tài, thoát khỏi nạn tham nhũng đã gây ra cho giới thượng lưu Trung Quốc nhờ sự bùng nổ kinh tế những năm 1990 của đất nước.
Cùng với nhiệm vụ của đảng mình trong việc loại bỏ tham nhũng mang tính ý thức hệ, mục tiêu chính của Tập luôn là thống nhất Đài Loan vào quyền kiểm soát của Bắc Kinh, bằng cách chấm dứt cuộc tranh giành nội bộ kéo dài cả thế kỷ.
Cần hiểu rằng Trung Quốc cộng sản và Quốc dân đảng (tiền thân của ban lãnh đạo Đài Loan đương thời) đã gây ra một cuộc nội chiến từ năm 1927 đến năm 1949 để giành quyền thống trị Trung Quốc. Ngoại trừ thời kỳ Quân Phiệt (1916-1928) và thời Nhật Bản chiếm đóng (1937-1945), cuộc đấu tranh nội bộ này tiếp tục cho đến năm 1949 khi Quốc Dân Đảng chịu thất bại trên chiến trường. Sau đó, lãnh đạo Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch và quân đội của ông ta chạy sang Đài Loan, và thành lập một chính phủ lưu vong.
Góp phần làm tăng thêm sự lầm lẫn của phương Tây về Đài Loan, vào năm 1950, Tổng thống Harry Truman, sau khi chấp nhận yêu sách của Bắc Kinh đối với Đài Loan vào cuối Thế chiến II (Tuyên bố Cario năm 1943), đã đảo ngược chính sách của chúng ta liên quan đến hòn đảo đó, sau khi Trung Quốc trợ giúp Triều Tiên xâm lược Hàn Quốc (6/1950). Điều đó trùng hợp với Chiến tranh Lạnh nổi lên với Liên Xô, dẫn đến việc Hoa Kỳ làm việc với chính phủ Đài Loan do Quốc Dân Đảng lãnh đạo để phê chuẩn Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ Trung-Mỹ vào năm 1955. Hiệp ước này đã bị Tổng thống Jimmy Carter từ bỏ theo hướng có lợi cho Bắc Kinh và được thay thế bằng Đạo luật Quan hệ Đài Loan nói trên.
Ngày nay, do sự ngây thơ về địa chính trị và ý thức hệ của Mỹ và cái gọi là “chính sách mơ hồ chiến lược” của chúng ta đối với Đài Loan, chế độ Trung Quốc là một cường quốc toàn cầu sẵn sàng đối đầu với Mỹ trên mọi mặt trận – kinh tế, quân sự, công nghệ, địa chính trị và ý thức hệ. Thật không may, như nhiều chuyên gia Trung Quốc kết luận chính xác, Bắc Kinh có thể sớm trở thành bá chủ toàn cầu và Hoa Kỳ có thể phải trả giá đắt.
Cuộc xung đột đang diễn ra của Trung Quốc với Đài Loan sẽ không biến mất và có thể sẽ trở nên gay gắt khi Chủ tịch Tập kết thúc nhiệm kỳ thứ ba vào mùa thu này.
Trong khi đó, các tướng lĩnh Trung Quốc đang thử nghiệm dũng khí của họ với các tên lửa tầm xa, dự tính một cuộc chiến để giành lại những gì họ coi là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Cuộc tấn công được nhiều người dự đoán đó không quá một vài năm nữa trừ khi hoàn cảnh thay đổi. Sau đó là điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra. Với thời kỳ hậu Đài Loan, thế giới sẽ bắt đầu trải nghiệm điều gì đó giống như thời kỳ trước Thế chiến II, từ thời Chủ tịch Tập Cận Bình, người sẽ bắt đầu tỏ rõ bản chất ngạo mạn của mình giống như những bạo chúa Stalin, Mao và Hitler trong quá khứ.
Đã muộn để mà hành động. Trung Quốc đặt ra một mối đe dọa đáng kể, thực sự trên nhiều mặt và các xúc tu của nó vươn ra khắp thế giới giống như một con bạch tuộc khổng lồ.
Hoa Kỳ và phương Tây phải thức tỉnh trước thực tế rằng Trung Quốc cộng sản có ý định cai trị thế giới và sẽ tiêu diệt bất kỳ quốc gia nào trên con đường của họ. Chúng ta phải nhanh chóng nỗ lực để giảm thiểu mối đe dọa đó bằng cách điều chỉnh một cách triệt để việc chuẩn bị của chúng ta.
Những sự chuẩn bị đó bao gồm việc thiết lập lại mối quan hệ của chúng ta trong các lĩnh vực chính với Trung Quốc: về kinh tế – ngừng phụ thuộc vào chế độ đó; về ý thức hệ – chống lại sự căm ghét của chủ nghĩa Mác ở Bắc Kinh đối với các nền dân chủ tự do; về công nghệ – ngừng rò rỉ các công nghệ quan trọng vốn thúc đẩy quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc; về an ninh – duy trì quân đội của chúng ta luôn có năng lực hơn PLA (Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc); và về địa chính trị – gìn giữ cho các đồng minh và đối tác của chúng ta để đối trọng với nỗ lực của Trung Quốc nhằm chiêu mộ các quốc gia khác đi theo con đường độc đoán của mình.