
Không bên nào có thể tiếp tục với mức độ này của cuộc chiến – nhất là đối với Ukraine.
THE NATIONAL INTEREST by Gerald F. Hyman – August 12, 2022
(Gerald F. Hyman là Cộng tác viên Cấp cao (không thường trú) tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế. Ông đã xuất bản các bài báo về nhiều chủ đề, bao gồm Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ nói chung. Từ năm 2002 đến 2007, ông là Giám đốc Văn phòng Dân chủ & Quản trị của USAID – Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ).
Ba Sàm lược dịch
Nếu xu hướng hiện tại của cuộc chiến tiếp tục, hàng tỷ đô la vũ khí, đạn dược và cơ sở hạ tầng do các đồng minh NATO cung cấp cho Ukraine và thậm chí số lượng lớn hơn nữa xe thiết giáp, tên lửa và nhân lực có sẵn mà Nga phải tiêu tốn có thể sẽ gây ra một bế tắc kéo dài, một cuộc chiến tranh tiêu hao, không có chuyện Moscow thiết lập nên một Ukraine chịu quy phục hay là Ukraine “giành lại từng tấc đất”. Nhưng xu hướng đó đó khó có thể tiếp tục.
Nga đang mất nhân lực với tốc độ vượt quá khả năng thay thế. Nó đang mất đi một số lượng lớn đáng ngạc nhiên các sĩ quan của mình, bao gồm các sĩ quan rất cao cấp cho đến cả các tướng lĩnh. Nó dường như có ít chiến lược chặt chẽ và đã thất bại trong nỗ lực tấn công ban đầu nhằm loại trừ ban lãnh đạo Ukraine và đưa toàn bộ đất nước vào giai đoạn mới. Nước này cũng mất đi lượng vũ khí nhanh hơn mức mà nó có thể đảm bảo được.
Ukraine có một lực lượng nhỏ hơn nhiều (rất nhỏ bé nếu như đem so sánh), ít xe tăng, hầu như không có tên lửa hoặc khí tài, và nói chung là ít trang thiết bị hơn. Không có cách nào để nước này có được khả năng gần với một trận đấu ngang tài ngang sức với Nga. Các đồng minh NATO nhanh chóng bù đắp một số chênh lệch về thiết bị, nhưng không giúp được nhân lực. Hiện họ đã cung cấp xe tăng, tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không, xe bọc thép, trực thăng, hệ thống tên lửa chống pháo, máy bay không người lái, đạn dược và gần đây là tên lửa tầm xa như HIMARS của Mỹ, nhưng Ukraine vẫn không thể vươn xa hơn tới biên giới của Nga, càng chắc chắn là không thể vươn tới trung tâm nước Nga hoặc các nhà máy sản xuất vũ khí của nước này. Các đồng minh NATO hiện dường như sắp đảo ngược chính sách trước đây của họ và sẽ cung cấp các phản lực cơ chiến đấu phù hợp với NATO. Ukraine đã dựa vào quân đội của mình, và không hề phóng đại, họ đã chứng tỏ là anh hùng như dân chúng Ukraine. Ukraine đã khiến các đồng minh của mình kinh ngạc, khiến Nga kinh ngạc và thậm chí có thể chính bản thân họ cũng vậy.
Nhưng không bên nào có thể tiếp tục với mức độ này của cuộc chiến – nhất là đối với Ukraine.
Nga đang chịu các lệnh trừng phạt làm tê liệt, vốn phải cắt giảm GDP hàng năm vào năm 2022 xuống còn 2,7%. Lạm phát đang lan tràn, dao động trong khoảng 15-17%. Tỷ lệ thương vong của các lực lượng vũ trang của nước này là đáng kể và đang tăng lên. Tổng thống Vladimir Putin có quyền lực gần như hoàn toàn, nhưng nó không tuyệt đối, cũng không phải là vô thời hạn. Sức hấp dẫn chính trị của một cuộc chiến tranh không được lòng dân và hao tổn kinh tế và quân sự của nó có thể sẽ ảnh hưởng đến ông ta và chỉ có thể làm suy giảm quyền lực của ông. Tuy nhiên, Putin cũng có những quân bài khác để chơi nếu ông bị thúc ép quá mạnh: Gruzia với tình trạng phân ly mất dần lãnh thổ; sự thù địch tiếp tục giữa Armenia và Azerbaijan; tiềm năng gây mất ổn định của Serbia ở Balkan; cuộc xung đột ở Syria; và những nước khác.
Tuy nhiên, người Nga sẽ gặp vấn đề lớn ở Ukraine bất kể khi nào họ ngừng cuộc tấn công. Người Nga không nên mong đợi rằng việc kiểm soát – “quản lý” không phải là từ thích hợp – các vùng lãnh thổ sẽ dễ dàng từ xa. Đúng ra họ sẽ bị phần lớn dân số còn lại coi là những kẻ chiếm đóng, bị căm ghét, khinh bỉ và ghê tởm hoàn toàn như những kẻ độc ác. Tử tế nhất là họ sẽ được khoan dung trong im lặng, nhưng phá hoại là phản ứng thông thường của những người dân bị chinh phục và sự phá hoại được lựa chọn cẩn thận là điều mà người Nga nên mong đợi. Hơn nữa, sẽ không dễ dàng để Điện Kremlin thuyết phục những người lính của mình rằng họ đang giải phóng “những người anh em Nga nhỏ bé” của họ, những người đang đồng thời cố gắng hạ sát và gây thương tật cho họ. Các lực lượng Nga sẽ trở nên mất tinh thần, sợ hãi và phải chịu áp lực ở mức tồi tệ nhất. Lịch sử của Ukraine với Đức Quốc xã sẽ dễ dàng được ghi nhớ nhưng nó ngược lại với cách mà Putin đã viện dẫn.
Chủ nghĩa anh hùng và quyết tâm của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã làm nức lòng các đồng minh NATO. Lập trường thách thức của ông, tập hợp xung quanh là người dân Ukraine, việc ông xây dựng nên một quốc gia thống nhất từ một xã hội rạn nứt, là rất đáng chú ý. Ông có tất cả, ngoại trừ việc yêu cầu các đồng minh sản xuất và cung cấp phần lớn những gì lực lượng của ông cần có và họ đã tuân theo, một phần vì lợi ích của chính họ, như bản thân ông đã lập luận, nhưng một phần vì được ông truyền cảm hứng.
Tuy nhiên, tình hình đó cũng không thể duy trì tiếp. Nó sẽ tàn lụi khi cuộc chiến không chỉ gây thiệt hại cho người Ukraine mà còn cho các đồng minh. Zelenskyy đã nói rõ rằng Ukraine sẽ yêu cầu 5 tỷ USD mỗi tháng từ các đối tác, một ước tính ban đầu mà hiện đã tăng lên gấp đôi cho tương lai vô thời hạn. Việc tuân thủ vô thời hạn như vậy khó có thể xảy ra. Khi chiến tranh kéo dài, nhiều công dân của các nước này và nhiều đại diện chính trị của họ sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về khoản đầu tư. Các nền kinh tế của đồng minh đang tiến tới suy thoái và đã quay cuồng với tỷ lệ lạm phát cao. Họ đang bị thách thức bởi biến đổi khí hậu, bởi nắng nóng và lửa, bởi hạn hán, bởi những yêu sách xã hội của chính công dân của họ, bởi những cuộc khủng hoảng ở các khu vực khác trên thế giới (đặc biệt là Châu Phi), bởi mức thuế cao và lạm phát, và bởi những đổ vỡ chính trị trong nước. Những rạn nứt đã và đang hình thành trong mặt trận chính trị vốn trước đây thống nhất ở Hoa Kỳ. Một số đảng viên Cộng hòa, vẫn là một nhóm nhỏ, hiện đang quay lưng và phản đối việc tiếp tục tài trợ và trang bị vô hạn cho Ukraine. Một nhóm thiểu số đảng Dân chủ rất có thể sẽ đi theo, mặc dù có khác biệt về một chương trình nghị sự trong nước. Các quốc gia vùng Baltic sẽ là nơi cuối cùng đặt câu hỏi về các tuyên bố chủ quyền của Ukraine, nhưng cũng giống như Hoa Kỳ, công chúng Đức đang nghe thấy sự bất đồng quan điểm từ Cánh hữu và Cánh tả trong phe phái chính trị của họ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ lâu đã phản đối việc “làm nhục” nước Nga, nơi tính chất địa lý và lịch sử của châu Âu đòi hỏi một số cách dàn xếp nhất định. Nền chính trị của Ý ngày càng giống với những cuộc khủng hoảng mà nước này đã trải qua kể từ sau chiến tranh. Người kế nhiệm Thủ tướng Boris Johnson ít có khả năng ủng hộ Ukraine một cách kiên quyết như ông. Tình trạng thiếu khí đốt và những ngôi nhà lạnh giá trong mùa đông này sẽ có những tác động chính trị.
Trong bối cảnh đó, Zelenskyy (và nước Ukraine cùng với ông) đứng trước nguy cơ rất lớn là lập trường dũng cảm của ông sẽ hao mòn cùng với các đồng minh trong những tháng tới, chứ chưa nói đến nhiều năm. Thái độ khăng khăng của ông có vẻ ngày càng không dứt, tự cho mình là đúng, bằng nhiếc móc, đòi hỏi, nhay đi nhay lại, thậm chí là tham lam và hám lợi. Ukraine không phải là vấn đề duy nhất của các nước, thậm chí không phải là vấn đề quan trọng nhất của họ. Thật vậy, nếu Nga có thể duy trì một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài, dường như bất tận (hầu như là chắc chắn), thì sự nổi tiếng đáng kinh ngạc ở trong nước của Zelenskyy cũng có thể bị biến đổi bởi cái giá lạnh, tình trạng thiếu thốn, nước mắt, sự tàn phá và tình trạng tiêu hao vì bị phá hủy sẽ chống lại cơn thịnh nộ, giận dữ, lòng yêu nước hiện tại và một lòng quyết tâm như trời biển vốn không ngừng chống lại đá cứng.
Các đồng minh NATO kết hợp với Zelenskyy hiện cần phát triển một chiến lược khả thi lâu dài, một kế hoạch với các mục tiêu thực tế (ngăn chặn những bước tiến của Nga? Hay khôi phục lợi ích của Nga?), các đảm bảo về nguồn lực tài chính và quân sự có hiệu quả và khả thi, cũng như kế hoạch chi tiết thực tế cho việc thực hiện chiến lược. Thay vì những lời kêu gọi đôi lúc được đưa ra và nóng vội, Zelenskyy cần tham gia vào chiến lược đó, đặc biệt là các mục tiêu có thể có giới hạn của nó, bao gồm việc có thể phải chấp nhận bị chiếm một số lãnh thổ của Ukraine, ít nhất là tạm thời.
Để thực hiện chiến lược đó gần như chắc chắn sẽ đòi hỏi phải kéo dài thời gian hòa giải, hơn là thực hiện một số cuộc hội nghị và đàm phán đa phương mặt đối mặt đầy kịch tính. Một số nhân vật hòa giải có thể thấy rõ ngay. Như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, đã làm môi giới cho thỏa thuận ngũ cốc do Liên hợp quốc tài trợ. Ông vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với Putin trong khi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một thành viên của NATO. Ông ta có thể là người hòa giải nghiêm túc và hiệu quả nhất, tuy điều đó có thể khiến các thành viên NATO rất khó chịu. Bất chấp thỏa thuận hữu nghị “không giới hạn” vào tháng 2 năm 2024 với Nga, ngay cả Trung Quốc cũng có thể nhận thấy lợi ích của họ là làm trung gian hòa giải, giá như để giảm bớt được sự mâu thuẫn trong tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ như là nền tảng của trật tự quốc tế trong khi người bạn Nga của họ lại đã ngang nhiên và mạnh mẽ vi phạm biên giới và chủ quyền lãnh thổ được quốc tế công nhận của Ukraine. Thật vậy, nhiều quan chức Trung Quốc đã làm rõ các giới hạn đối với tình hữu nghị không giới hạn, bao gồm cả việc tuân thủ các hiệp định của Liên hợp quốc. Và vì Trung Quốc luôn kín tiếng ủng hộ Nga xâm lược Ukraine, nên nước này chưa cung cấp vũ khí hoặc hỗ trợ tài chính trực tiếp cho Nga, bất chấp lời kêu gọi chung của Putin. Ấn Độ cũng có thể làm trung gian cho những quan ngại của riêng mình về chủ quyền, mối quan hệ thương mại tiếp tục với Nga – tập trung vào vũ khí và bất chấp các lệnh trừng phạt thương mại của phương Tây đối với Nga – và tư cách thành viên mang tính bù trừ của họ với Hoa Kỳ, Úc và New Zealand trong Quad (Đối thoại Tứ giác an ninh).
Thách thức trong ngoại giao không phải là tìm một bên trung gian thích hợp, mà là liệu các bên tham chiến có cởi mở thực sự với bên trung gian hay không và liệu “tranh chấp đã đến độ chín muồi” để phải sử dụng thuật ngữ hòa giải hay không. Và đó là vấn đề ý chí chính trị ở cả Moscow và Kyiv. Các đồng minh NATO nên bắt đầu tích cực — mặc dù có thể không công khai — thúc bách cho một giải pháp trung gian như vậy, trong đó Moscow sẽ công nhận chủ quyền của Ukraine, trong khi Kyiv sẽ công nhận rằng, ít nhất là tạm thời, họ đã mất trên thực tế, nếu không phải là sự mất kiểm soát rõ ràng, các phần lãnh thổ ở miền đông và miền nam Ukraine. Các chi tiết địa lý và chính trị của “thỏa thuận” đó chính xác là những gì mà bất kỳ nhà trung gian hòa giải nào cũng sẽ phải chịu trách nhiệm thương lượng. Nếu không thì sẽ là một cuộc chiến tranh tiêu hao tiếp tục, kéo dài, mệt mỏi với tất cả chi phí nhân lực của nó: tình trạng suy tàn của cả hai bên, kết cục không chắc chắn, nền kinh tế suy thoái, người dân phải chạy lánh nạn, và cả cảnh tàn phá cho từng cá nhân và các gia đình không chỉ tại Ukraine mà cả ở Nga nữa.