3475. Việt Nam để mắt đến sự hiện diện ngày càng mở rộng của Trung Quốc ở Campuchia

EAST ASIA FORUM Author: Loro Horta, Dili – 16 August 2022

(Loro Horta là một nhà ngoại giao và học giả của Timor-Leste/ Đông Timor. Ông đã từng là đại sứ của Timor-Leste tại Cuba và cố vấn tại đại sứ quán nước này ở Bắc Kinh).

Ba Sàm lược dịch

Vào tháng 6 năm 2022, một số phương tiện truyền thông đưa tin rằng Trung Quốc đang mở một căn cứ quân sự tại căn cứ hải quân Ream của Campuchia, nằm ở mũi phía nam của Campuchia, gần với vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Campuchia đã sử dụng tài trợ của Trung Quốc để hiện đại hóa và mở rộng căn cứ hải quân Ream. Các báo cáo cho rằng một thỏa thuận bí mật đã được ký kết giữa Campuchia và Trung Quốc, cho phép Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) độc quyền tiếp cận một phần của Ream.

Cả Campuchia và Trung Quốc đều phủ nhận những báo cáo như vậy. Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh nói rằng hiến pháp của nước này nghiêm cấm việc tiếp nhận quân đội nước ngoài trên lãnh thổ của mình. Thời gian sẽ trả lời liệu Trung Quốc có thiết lập một căn cứ như vậy ở Campuchia hay không.

Câu hỏi thú vị hơn là tác động chiến lược tiềm tàng của một căn cứ của Trung Quốc ở miền nam Campuchia. Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman nhắc lại những quan ngại của Hoa Kỳ về việc “xây dựng các cơ sở như vậy”. Mặc dù Hoa Kỳ chưa nói rõ về mối đe dọa mà một căn cứ hải quân của Trung Quốc tại Ream có thể gây ra, nhưng hầu hết các nhà phân tích cho rằng nó sẽ làm gia tăng khả năng hoạt động của PLAN trong các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Nhưng một căn cứ tại Ream sẽ không cải thiện đáng kể khả năng hoạt động của hải quân và không quân Trung Quốc ở Biển Đông. Các tàu và phi cơ của hải quân Trung Quốc đóng tại Hải Nam và miền nam Trung Quốc đều bao quát được phạm vi của tất cả các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Máy bay Trung Quốc đã bay với số lượng lớn đến tận Malaysia. Vào tháng 6 năm 2021, Malaysia báo cáo rằng 16 phi cơ Trung Quốc bay theo đội hình đã xâm phạm không phận của nước này.

Đối với các tàu hải quân Trung Quốc hoạt động từ Hải Nam và miền nam Trung Quốc, một căn cứ tại Ream thậm chí còn ít quan trọng hơn. Trung Quốc đã xây dựng ít nhất 20 đảo nhân tạo ở Biển Đông – nhiều trong số đó có cơ sở hạ tầng phức tạp hơn nhiều so với căn cứ Ream.

Căn cứ hải quân ReamAFP

Vào tháng 3 năm 2022, Đô đốc John C Aquilino của Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ nói rằng Trung Quốc đã quân sự hóa hoàn toàn ít nhất ba hòn đảo ở Biển Đông. Ông tuyên bố Trung Quốc đã triển khai tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không, máy bay chiến đấu, các thiết bị laser và chống nhiễu trên các đảo này. Các đảo được quân sự hóa này nằm trong tầm bảo vệ của máy bay và tên lửa phòng không đóng ở miền nam Trung Quốc.

Nhưng trong khi Ream không quan trọng đối với sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông, thì nó lại có tầm quan trọng chiến lược đối với Việt Nam. Bờ biển phía đông của Việt Nam đối diện với đảo Hải Nam của Trung Quốc, nơi đóng trụ sở của hạm đội phía nam của PLAN. Trung Quốc có thể phong tỏa bờ biển phía đông của Việt Nam một cách nhanh chóng, bao gồm cả căn cứ hải quân chính của nước này tại Vịnh Cam Ranh.

Vì Campuchia có chung biên giới trên bộ và trên biển với Việt Nam nên sự hiện diện của hải quân Trung Quốc ở Ream – cách bờ biển phía nam Việt Nam chưa đầy 100 dặm – sẽ rất hữu ích đối với Trung Quốc. Một căn cứ của Trung Quốc sẽ cho phép Trung Quốc phong tỏa bờ biển miền nam Việt Nam trong vài giờ. Sự kết hợp của các lực lượng hải quân Trung Quốc tại Hải Nam và Ream sẽ có hiệu quả phong tỏa Việt Nam khỏi biển khơi. Quân đội Việt Nam đã chiến đấu tốt trong cuộc xâm lược năm 1979 của Trung Quốc – gây thương vong nặng nề cho Quân Giải phóng Nhân dân – nhưng trong một cuộc xung đột trên Biển Đông, hải quân và không quân Việt Nam sẽ không thể sánh được với Trung Quốc.

Trong nhiều thập kỷ, Việt Nam đã cố gắng kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Campuchia và Lào. Nhưng sức mạnh kinh tế áp đảo của Trung Quốc đã khiến những nỗ lực này trở nên khó khăn. Ở phía Bắc, Việt Nam có đường biên giới trên bộ với Trung Quốc và phía Tây giáp với Lào và Campuchia. Lào và Campuchia phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về thương mại và đầu tư và đã trở thành đồng minh ngoại giao thân thiết của Bắc Kinh.

Thay vì chỉ tập trung vào Campuchia, Hoa Kỳ nên tìm cách hỗ trợ Việt Nam tích cực hơn. Đã có tin đồn từ nhiều năm nay rằng một số người trong giới tinh hoa Việt Nam đang xem xét việc cho phép hải quân Hoa Kỳ quay trở lại căn cứ cũ thời Chiến tranh Việt Nam tại Vịnh Cam Ranh. Các tàu hải quân Mỹ đã đến thăm căn cứ này trong những năm gần đây.

Di chứng của Chiến tranh Việt Nam khiến một quốc gia vốn vẫn tự đắc như Việt Nam khó có thể cho phép Mỹ thiết lập căn cứ trên lãnh thổ của mình. Nhưng nếu Trung Quốc mở căn cứ hải quân tại Ream, điều này có thể thay đổi.