3483. Sự thống nhất của phương Tây về Ukraine là mong manh, và Nga biết điều đó

Một điều nghịch lý là chi phí chiến tranh gia tăng dường như làm cho các nước EU dân chủ và giàu có lại kém bền vững hơn so với nước Nga nghèo nàn và bị cô lập.

The National Interest by Robert D. English – August 18, 2022 

(Robert English là Phó Giáo sư và Giám đốc Nghiên cứu Trung Âu tại Đại học Nam California. Từng là nhà phân tích của Lầu Năm Góc, ông chuyên về sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và chính trị hậu Xô Viết).

Ba Sàm lược dịch

Những thành tựu quan trọng của phương Tây trong cuộc đối đầu với Nga — nhanh chóng tập hợp khối đoàn kết với Ukraine, tấn công Moscow bằng các lệnh trừng phạt và cung cấp cho Kyiv hàng tỷ đô la vũ khí – có thể gặp rủi ro. Ngay cả khi các chính trị gia tái khẳng định sự thống nhất của phương Tây và các chuyên gia ca ngợi tác động của vũ khí được gửi đến Ukraine, thì những tai ương kinh tế đã sẵn sàng phá vỡ tình đoàn kết là thứ mà nó đóng vai trò quan trọng nhất – ngay ở Liên minh châu Âu.

Một điều nghịch lý là chi phí chiến tranh gia tăng dường như làm cho các nước EU dân chủ, giàu có kém bền vững hơn so với nước Nga nghèo nàn, bị cô lập. Hóa đơn sắp đến hạn thanh toán, và người châu Âu bị sốc trước những khoản tiền mà họ phải trả: chi phí năng lượng tăng cao, khẩu phần ăn, cứu trợ cho người nghèo giảm và suy thoái kinh tế đang bùng phát.

Bất đồng về viện trợ cho Ukraine đã dẫn đến sự sụp đổ gần đây của liên minh cầm quyền của Ý, một điềm xấu cho các chính phủ khác ở trung tâm châu Âu. Sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương mà các nhà ngoại giao đã dày công tạo dựng có thể sớm được sáng tỏ.

Tình trạng bi quan như vậy gây ngạc nhiên cho người Mỹ, những người phải chịu chi phí chiến tranh rất ít và các phương tiện truyền thông vẫn lạc quan về triển vọng chiến thắng của Ukraine. Hầu hết các bài bình luận tập trung vào sự yếu kém của Nga – khủng hoảng kinh tế, thất bại quân sự, cô lập về chính trị – và những ai tranh cãi về một kết thúc bằng thương lượng cho cuộc chiến thì thường bị chế nhạo.

Tuy nhiên, kiểu khăng khăng rằng Nga dứt khoát phải bị đánh bại ngày càng trở nên phi thực tế, khi cán cân về sức chịu đựng kinh tế và chính trị thay đổi theo hướng có lợi cho Moscow. Khi mà hiệu quả về mặt chiến thuật như tên lửa Javelin và pháo HIMARS, chúng đã không làm thay đổi cục diện chiến lược ở Ukraine – thì một cuộc chiến tranh tiêu hao tàn khốc, trong đó lợi thế về tài nguyên và khả năng phục hồi của Nga cho phép Nga tiếp tục vững chắc.

Đánh giá thấp Nga

Chẳng phải chúng ta đã nói với nhau rằng Nga không thể chống chọi với sức mạnh kinh tế của phương Tây, rằng nền kinh tế của nước này nhỏ hơn Ý hay sao? Nhưng Nga tham gia vào không phải một cuộc cạnh tranh để phù hợp với các nền kinh tế phương Tây, mà là một cuộc thi đua để cung cấp đủ vũ khí và binh lính hòng làm đối thủ của quân đội Ukraine do phương Tây hậu thuẫn.

Chẳng phải chúng ta cũng đã nói với nhau rằng các lệnh trừng phạt sẽ tàn phá nước Nga và làm sụp đổ hệ thống tiền tệ của nước này sao? Tuy nhiên, đồng rúp hiện đã mạnh hơn trước. Và trong khi nền kinh tế của Nga sẽ suy giảm 6% trở lên vào năm 2022, thì con số này bị xem ra quá nhỏ trước sự sụt giảm 45% của Ukraine. Quan trọng hơn, khả năng của nước Nga chuyên quyền để vượt qua mức tăng trưởng âm 6% còn mạnh hơn nhiều chính phủ dân chủ ở châu Âu vốn phải khắc phục được mức tăng trưởng âm 3% để mà tồn tại.

Sự suy giảm như vậy được dự báo trước, trong các dự báo ảm đạm mới nhất: suy thoái do trừng phạt, gây ra bởi tình trạng thiếu khí đốt và giá hàng hóa tăng cao, giống như những gì EU phải gánh chịu trong đại dịch năm 2020-21 hoặc cuộc khủng hoảng tài chính 2008-09. Điều quan trọng không phải là thước đo tuyệt đối nào đó về sức mạnh kinh tế hoặc quân sự, mà là so sánh tương quan giữa Nga, Ukraine và châu Âu trong khả năng tiếp tục hy sinh trong chiến tranh của họ. Và Nga đã thể hiện độ bền bỉ mà ít ai lường trước được.

Đánh giá thấp Nga – và đánh giá quá cao ảnh hưởng của chúng ta đối với nước này – không có gì là mới. Chúng ta ghi công mình vì đã kích động một cuộc chạy đua vũ trang vào những năm 1980 khiến Liên Xô phá sản và chúng ta giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh, trong khi đó lại bỏ qua việc các cải cách perestroika của Mikhail Gorbachev là thứ đã thực sự kết thúc Chiến tranh Lạnh từ hai năm trước khi Liên Xô sụp đổ.

Trong những năm 1990, chúng ta đã ca ngợi chiến thắng của chủ nghĩa tư bản dưới thời Boris Yeltsin, ngay cả khi việc áp dụng vội vàng các chính sách do phương Tây thúc đẩy đã tiếp thêm nhiên liệu cho một loạt tham nhũng của giới đầu sỏ, khiến hàng chục triệu người rơi vào cảnh nghèo đói.

Vào những năm 2000, thành công của Vladimir Putin trong việc hồi sinh nước Nga thì bị sổ toẹt, coi như thể do may mắn – vì giá dầu toàn cầu cao – mà bỏ qua những cải cách quan trọng nhằm tự do hóa nền kinh tế, trong khi đưa các lĩnh vực quan trọng trở lại dưới sự kiểm soát của nhà nước.

Đánh giá thấp sự phẫn nộ của người Nga đối với chủ nghĩa đơn phương trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, một số ít người đoán trước rằng việc sáp nhập Crimea vào năm 2014 – phản ứng của Putin đối với nỗ lực đưa Ukraine vào EU và NATO – sẽ khiến mức độ nổi tiếng của ông tăng lên trên 80%, bất chấp các lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt mà nước này từng châm ngòi. Thay vào đó, các nhà phân tích phương Tây dự đoán rằng các lệnh trừng phạt đó sẽ đè bẹp nền kinh tế Nga, đặc biệt là lĩnh vực dầu khí quan trọng đối với nguồn thu ngân sách của Moscow. Do đó, hầu hết đều ngạc nhiên trước những gì tiếp theo: Nga hoàn thành nhanh chóng các đường ống dẫn chính tới Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, xây dựng một nhà ga khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới ở Siberia và xây dựng nhanh chóng một tuyến đường sắt và đường bộ quan trọng với Crimea.

Nghịch lý của Quyền lực và Giàu có

Với thành tích đánh giá thấp khả năng phục hồi của Nga này, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người đã khuất phục trước thái độ kiêu căng với kỳ vọng sẽ nhanh chóng bóp nghẹt Nga sau khi nước này xâm lược Ukraine.

Công bằng mà nói, các biện pháp được thực hiện có mức độ nghiêm trọng chưa từng có. Hơn 1.000 cá nhân và tài sản của họ đã bị xử phạt. Từ công nghệ cao đến xa xỉ phẩm, xuất khẩu nhiều loại hàng hóa sang Nga đã bị tạm dừng và hàng trăm công ty đã đóng cửa hoạt động ở đó. Điều nghiêm trọng là các ngân hàng Nga đã bị trục xuất khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và hơn 600 tỷ USD dự trữ của Nga đã bị đóng băng.

Những điều đó nhằm mục đích bóp nghẹt thương mại của Nga, nhưng hóa ra Moscow đã chuẩn bị sẵn sàng. Một hệ thống thanh toán thay thế cho hàng xuất khẩu và dự trữ tiền mặt khổng lồ, đã cho phép nó chống lại các lệnh trừng phạt tốt hơn nhiều so với dự kiến. Sau một thời gian ngắn lao dốc, đồng rúp đã tăng trở lại mạnh mẽ nhờ việc sử dụng khéo léo các biện pháp kiểm soát lãi suất và vốn.

Đồng rúp cũng được hưởng lợi từ giá dầu tăng cao và sự kiên quyết của Moscow trong việc thanh toán bằng đồng rúp cho khí đốt của mình, thúc đẩy nhu cầu đối với đồng tiền này. Một số khách hàng ngáng trở, nhưng các nhà nhập khẩu lớn như Đức và Ý đã nhanh chóng tuân thủ. Làm thế nào mà bên yếu hơn, trong khi bị trừng phạt, lại có thể đưa ra các điều khoản thương mại cho những kẻ trừng phạt nó? Khi châu Âu tìm cách đánh bại Nga bằng cây gậy là sự phụ thuộc của Moscow vào nguồn thu từ dầu khí, thì hóa ra Putin lại nắm giữ đầu còn lại của cây gậy đó.

Bạn bị sa thải! Không, tôi bỏ việc trước rồi!

Các nhà sử học sẽ nhìn lại cuộc chiến năng lượng Euro-Nga như một ví dụ về cách không khai thác đòn bẩy kinh tế-chính trị ra sao. Khi EU áp đặt các lệnh trừng phạt ngày càng khắt khe hơn đối với Moscow, kế hoạch ngừng nhập khẩu dầu thô và khí đốt tự nhiên của Nga đã được công bố. Giới diều hâu từ lâu đã ủng hộ điều này và những nước trung tâm châu Âu hiện đã đồng ý như một cách để làm tê liệt nền kinh tế Nga và bóp nghẹt nỗ lực chiến tranh của nước này bằng cách ngăn chặn các khoản thu nhập từ xuất khẩu béo bở của nó.

“Tốt thôi,” người Nga trả lời, “Chúng tôi có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của quý vị sang các nguồn năng lượng mới bằng cách giảm lượng khí đốt mà chúng tôi giao cho quý vị ngay bây giờ.” Câu trả lời đầy hoảng sợ của Liên minh Châu Âu là “Chờ đã, chúng tôi sẽ không sẵn sàng làm cho bạn tê liệt bằng cách ngừng nhập khẩu khí đốt cho đến năm 2026! Bạn đang tống tiền chúng tôi đấy! ” Đừng bao giờ nên nhặt một quả lựu đạn và vung nó vào kẻ thù của mình cho đến khi bạn đã sẵn sàng sử dụng được nó — bởi nó có thể nổ tung trên tay bạn.

Một lần nữa, mấu chốt nằm ở khả năng dễ bị tổn thương tương đối của mỗi bên đối với tình trạng gián đoạn thương mại. Sẽ là một nhà hoạch định chính sách ngu ngốc khi không đánh giá thiệt hại tài sản đảm bảo của các lệnh trừng phạt tại quốc gia của họ, cũng như một người chơi poker kém không nghĩ rằng đối thủ có thể nhìn thấy mức đặt cược của mình và nâng mức của họ lên.

Những người châu Âu đã bị các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ thúc đẩy mức đặt cược này, những người từ lâu đã tranh cãi quanh việc thay thế khí thiên nhiên hóa lỏng của Mỹ bằng khí đốt trên đường ống của Nga – mặc dù cả hai bên đều không có bất kỳ nơi nào gần bến cảng cho xuất khẩu (Hoa Kỳ) hoặc cho nhập khẩu (EU) và năng lực tàu chở dầu cần thiết.

Và bây giờ Châu Âu giống như một ông chủ than vãn “Chờ đấy, bạn không thể nghỉ việc được, tôi muốn sa thải bạn trước đã!” Khi EU tranh giành để tìm nguồn khí đốt thay thế và chuẩn bị phân chia khẩu phần vào mùa đông này, các nhà quan sát ở Trung Quốc và Ấn Độ chế giễu rằng Moscow đang thực hiện hành vi tống tiền năng lượng.

Quan điểm của Trung Quốc và Ấn Độ quan trọng không chỉ vì họ nằm trong số phần lớn các quốc gia trên thế giới không tham gia trừng phạt Nga, mà vì họ còn là hai quốc gia lớn nhất đang mua nhiều dầu và khí đốt của Nga. Điều này giúp Moscow bù đắp cho doanh thu bị mất ở châu Âu, với một số dầu của Nga được Ấn Độ thực sự bán lại ở các thị trường EU. Tương tự, một số quốc gia tự hào tuyên bố chấm dứt nhập khẩu khí đốt của Nga vẫn đang nhập khẩu khí đốt này – chỉ gián tiếp, thông qua Đức, Ý hoặc Pháp. Người ngoài cuộc vẫn hát khúc khải hoàn coi các mục tiêu lưu trữ khí đốt bắt buộc mới của EU như là một bước đi “lịch sử” hướng tới việc loại bỏ khí đốt của Nga trong khi những mục tiêu đó chỉ có thể đạt được bằng cách nhập khẩu thêm khí đốt của Nga.

Trong những tháng kể từ khi các nhà lãnh đạo EU công bố chính sách giảm phụ thuộc vào dầu và khí đốt của Nga để cắt giảm nguồn thu tài trợ cho cuộc chiến của Nga, EU chỉ đơn thuần nhấn mạnh sự phụ thuộc của mình vào dầu và khí đốt của Nga, trong khi giá cả tăng cao đã làm tăng doanh thu cho Moscow.

Tệ hơn nữa có thể là sự tác động đến chính châu Âu. Vào tháng 3, khi những bước đi đó được công bố, các quan chức EU đã tán dương sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương và chế nhạo Putin vì đã vô tình củng cố sự thống nhất của châu Âu. Năm tháng sau, Putin đang chế nhạo sự tuyệt vọng ngày càng tăng của châu Âu.

Mùa hè của bất mãn ở Châu Âu

Trong những ngày gần đây, hàng triệu người tiêu dùng châu Âu đã nhận được thông báo về những đợt tăng giá lớn đối với hệ thống sưởi và điện trong khi EU đồng ý cắt giảm 15% việc sử dụng khí đốt tự nhiên. Nhưng những tuyên bố của các nhà lãnh đạo EU không đảm bảo được việc tuân thủ của các quốc gia thành viên, nhiều nước trong số họ đã chùn bước trước các biện pháp thắt lưng buộc bụng, mà các nhà phân tích cho là rất quan trọng để vượt qua một mùa đông thiếu thốn.

Một số nước cố gồng mình để có thể duy trì hoạt động của các nhà máy chạy bằng khí đốt nếu nguồn cung bị cắt giảm hơn nữa, hoặc rơi vào tình trạng quá mong manh về mặt chính trị để yêu cầu những người dân đang túng quẫn của họ chịu hy sinh nhiều hơn. Một số nước gắng cật lực để đa dạng hóa các nguồn năng lượng của họ và bực bội khi được yêu cầu cắt giảm tiêu thụ để giúp những nước không tuân thủ yêu cầu đó. Và một số đã đưa ra thông báo rằng họ sẽ không chia sẻ nguồn cung cấp với hàng xóm, bất kể nhu cầu ra sao. Những chia rẽ này chia cắt dọc theo các tuyến Đông-Tây và Bắc-Nam quen thuộc, làm nhen nhóm những phẫn uất âm ỉ từ các cuộc khủng hoảng nợ và người tị nạn trước đó.

Một số yếu tố sẽ kết hợp trong những tuần tới để thổi bùng lên mối bất hòa này. Một nguồn nhiệt, theo nghĩa đen, là cái nóng – nhiệt độ cao kỷ lục gây ra cháy rừng và làm héo khô cây nông nghiệp – đẩy mức tốn kém chi phí lên đến 30 tỷ đô la vào tháng 6. Nắng nóng gay gắt cũng làm tăng nhu cầu về khí đốt, cả để cung cấp năng lượng cho sự gia tăng của máy điều hòa không khí và để thay thế thủy điện bị đình trệ do hạn hán. Các con sông đang bị thu hẹp ở châu Âu cũng làm gián đoạn việc sản xuất điện hạt nhân (do thiếu nước làm mát) và khiến hàng hóa cũng như các tàu du lịch bị cạn kiệt (tiêu tốn của ngành vận tải hàng tỷ đô la).

Một tác động kinh tế khác đến từ quyết định phong tỏa do coronavirus ở Trung Quốc làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong khi đó, nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu đang tăng trở lại – tăng khoảng 80% so với năm ngoái. Nhiều người di cư từ Iraq, Syria, Ai Cập và các nước Bắc Phi khác bị thúc đẩy bởi tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng trầm trọng hơn từ tình trạng thiếu ngũ cốc do chiến tranh gây ra. Tiềm năng cho mối xích mích mới giữa các quốc gia Bắc Âu thân thiện với người di cư và Đông Âu nghi kỵ đạo Hồi — cùng với diễn biến gần đây khi bị tràn ngập những người tị nạn Ukraine — là rất lớn.

Hầu hết thông tin của Mỹ về gánh nặng chiến tranh đều bỏ qua chi phí năng lượng và xung đột liên quan đến châu Âu, mà chỉ tập trung nhiều hơn vào viện trợ quân sự cho Ukraine, mà Hoa Kỳ vượt xa, gấp đôi EU. Nhưng nếu tính tất cả các loại viện trợ kinh tế cho Ukraine – bao gồm cả các chi phí gián tiếp, chẳng hạn như hỗ trợ hơn 5 triệu người tị nạn chiến tranh – thì đóng góp của châu Âu lớn hơn nhiều. Người châu Âu gần đây cũng biết rằng hóa đơn của họ cho việc tái thiết cuối cùng của Ukraine sẽ ít nhất là 1 nghìn tỷ đô la. Tất cả đã nói lên rằng, gánh nặng Ukraine của châu Âu có thể lên tới 10% tổng GDP hàng năm của EU. Điều này sẽ gây ra sự gián đoạn lớn về kinh tế và chính trị, thậm chí còn chưa tính đến một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.

Tình đoàn kết của phương Tây có thể thoát khỏi một cuộc chiến tranh tiêu hao hay không?

Công luận châu Âu đã chuyển sang hướng một đa số “phản chiến” ngay cả trước khi Nga bắt đầu cắt giảm việc cung cấp khí đốt. Một cuộc thăm dò toàn khu vực vào tháng 5 cho thấy, trong khi phần lớn đổ lỗi cho Moscow về cuộc xung đột, đa số cũng cho rằng điều quan trọng là đàm phán để giải quyết hơn là tiếp tục nỗ lực để đánh bại Nga. Mặc dù không có cuộc thăm dò nào có thẩm quyền tương tự trên toàn Liên minh châu Âu được công bố kể từ đó, nhưng bằng chứng từ các quốc gia riêng lẻ – Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý và thậm chí cả Đức – cho thấy ngày càng có nhiều người không đồng ý với chính sách của chính phủ họ về việc trang bị vũ khí cho Ukraine thay vì thúc đẩy Kyiv tiến tới một lệnh ngừng bắn.

Cho đến nay, các quan chức EU và NATO hầu như bỏ qua những rạn nứt này và thúc giục sự kiên nhẫn trong nỗ lực đánh bại Nga. Điều hiếm khi được xem xét là các chính sách này chưa bao giờ được đưa vào một cuộc thử nghiệm qua bầu cử. Nhiều người phàn nàn rằng họ đã bị áp đặt bởi các “quan chức Brussels (EU)” được trả lương cao, là những người không thể giải đáp thắc mắc được đối với cư tri nói chung, nên nó đã tạo ra một “tình đoàn kết giả tạo” có khả năng bị phá vỡ dưới áp lực lớn hơn về kinh tế. Một bài kiểm tra sẽ xảy ra khi Ý bỏ phiếu bầu quốc hội mới vào tháng 9 này, một cuộc bầu cử bắt buộc phải có do sự sụp đổ của chính phủ trước đó vì việc phân chia tài trợ cho Ukraine. Các cuộc thăm dò dự đoán chiến thắng cho một liên minh cánh hữu với các nhà lãnh đạo có bề dày thành tích ủng hộ Putin.

Có thể dễ dàng chế giễu [cựu Thủ tướng Ý] Silvio Berlusconi hoặc [cựu PTT Ý] Matteo Salvini“những con rối của Putin”, nhưng điều này làm xao lãng những gian nan kinh tế vốn đang đẩy họ vào vị trí chính trị của mình. Điều quan trọng là phải nghiên cứu tác động của các lệnh trừng phạt đối với Nga, nhưng không đủ cơ sở để hô hào “gia tăng áp lực lên Putin” trong khi không có sự giám sát tương tự về tác động song song của các lệnh trừng phạt đối với châu Âu.

Đúng là những nỗ lực của Nga trong việc thay thế các khách hàng châu Âu bằng châu Á đối với xăng dầu của họ đã bị cản trở bởi tình trạng thiếu hụt các hạ tầng đường ống và cảng, nhưng cũng là sai lầm khi chỉ lạc quan mà không có sự thừa nhận tương tự về việc châu Âu cũng thiếu các tàu chở dầu và bến cảng cần thiết để thay thế khí đốt của Nga bằng những nguồn khác. Ai sẽ có thể xây dựng nhanh nhất các cơ sở hạ tầng còn thiếu đó – phương Tây dân chủ và các công ty tư nhân dựa trên lợi nhuận của nó, hay là các chế độ chuyên quyền Nga và Trung Quốc thông qua các dự án do nhà nước chỉ đạo?

Có lẽ khả năng phục hồi của Nga là viển vông — khi Putin nắm giữ quyền lực kém an toàn hơn và quân đội của ông ta mỏng manh hơn so với vẻ ngoài — vậy nên nếu như châu Âu có thể trụ vững qua một mùa đông khó khăn, thì chiến thắng của Ukraine sẽ được đền đáp. Nhưng có vẻ như khả năng tương đương như vậy sẽ là, ngay cả khi tình hình trên chiến trường đảo ngược, Nga vẫn giữ lại một vùng lãnh thổ rộng lớn của Ukraine, trong khi buộc châu Âu trải qua những tháng lạm phát cao, với tình trạng thiếu hụt hàng hóa và năng lượng trầm trọng. Các công nhân giận dữ đã tổ chức các cuộc đình công gây rối từ Anh và Na Uy đến Đức và Tây Ban Nha, và những khó khăn ngày càng gia tăng có thể dẫn đến một làn sóng bất ổn xã hội quá mức, thậm chí gây ra bởi việc phong tỏa vì Covid-19. Trầm trọng hơn bởi căng thẳng nhập cư, chủ nghĩa dân tộc gia tăng và cuộc chiến về chia sẻ gánh nặng có thể làm suy yếu một số chính phủ châu Âu và mối quan hệ khó khăn giữa các chính phủ khác, làm rạn nứt mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và làm xói mòn sự ủng hộ đối với Ukraine.

Đây có thể là tình huống xấu nhất, nhưng không quá khó xảy ra như trước đây vài tuần. Trong khi chúng ta tập trung vào những điểm yếu của Nga, nhưng điều quan trọng là phải đánh giá đúng những điểm yếu và mối đe dọa riêng của phương Tây đối với sức khỏe chính trị cũng như kinh tế của Liên minh Châu Âu.

Khi sự công nhận ngày càng tăng rằng chiến tranh sẽ chỉ kết thúc bằng một thỏa thuận thương lượng, thì một chính sách chủ động có thể tối đa hóa đòn bẩy của phương Tây trước khi sẽ có nhiều tháng hỗn loạn làm xói mòn nó.

Ngày càng nhiều vũ khí có thể dẫn đến chiến thắng cho Ukraine, hoặc chúng có thể tạo nên ngày càng nhiều tàn phá, gây ra gánh nặng tàn khốc không chỉ cho Ukraine mà còn cho cả một Liên minh châu Âu mong manh.