3496. Mikhail Gorbachev vừa qua đời ở tuổi 91: Nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, người đã giúp kết thúc Chiến tranh Lạnh và dỡ bỏ Bức màn sắt, nhưng sau đó chứng kiến ​​siêu cường của chính mình sụp đổ

Chủ tịch Liên Xô Mikhail Gorbachev phát biểu trước một nhóm 150 giám đốc điều hành doanh nghiệp tại San Francisco, ngày 5 tháng 6 năm 1990

+ Mikhail Gorbachev – nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô – đã qua đời tại một bệnh viện tại Moscow ở tuổi 91

+ Gorbachev đã giúp đưa Chiến tranh Lạnh kết thúc và không thể ngăn chặn được sự sụp đổ của Liên Xô

+ Dưới sự cai trị của ông, Bức màn sắt vốn chia cắt châu Âu kể từ sau Thế chiến II đã tan rã

+ Ông trở thành tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1985, cam kết cải tổ hệ thống

+ Nhưng nhiều người Nga không bao giờ tha thứ cho Gorbachev vì những xáo trộn mà các cải cách tự do hóa của ông đã mở ra

DAILY MAIL by JACK WRIGHT – 31 August 2022

Ba Sàm lược dịch

Mikhail Gorbachev – nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, người đã không ngăn chặn được sự sụp đổ của Liên Xô sau Chiến tranh Lạnh và bị những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga coi thường, bao gồm cả Vladimir Putin – đã qua đời ở tuổi 91, các hãng tin Nga dẫn lời các quan chức của bệnh viện cho biết.

Theo các hãng thông tấn Interfax, TASS và RIA Novosti, Bệnh viện Lâm sàng Trung ương ở Matxcơva cho biết cựu lãnh đạo Liên Xô qua đời ‘sau một đợt ốm nặng và kéo dài’, nhưng không đưa ra thông tin chi tiết nào khác.

Gorbachev đã bị các vấn đề về thận trong một thời gian dài, phải chạy thận nhân tạo – và bị giới hạn trong một phòng khám suốt đại dịch Covid.

Mặc dù nắm quyền chưa đầy bảy năm, Gorbachev đã thực hiện một loạt cải cách dẫn đến những thay đổi ngoạn mục, bao gồm việc thống nhất nước Đức, sự sụp đổ của đế chế Stalin, giải phóng các quốc gia Đông Âu bao gồm Ba Lan, Ukraine và các nước cộng hòa Baltic nằm dưới sự thống trị từ nhiều thập kỷ của Nga, và chấm dứt cuộc đối đầu hạt nhân với phương Tây.

Trong một tuyên bố, các bác sĩ của Putin cho biết Tổng thống Nga – người đã gọi sự sụp đổ của Liên Xô là ‘thảm họa địa chính trị lớn nhất’ của thế kỷ 20 – bày tỏ ‘sự cảm thông sâu sắc’ về cái chết của Gorbachev. Phản ứng trước thông tin này, các nhà lãnh đạo phương Tây bao gồm cả Thủ tướng Anh Boris Johnson ca ngợi nhà cầm quyền của Liên Xô cũ là ‘đáng tin cậy và được tôn trọng’, trong khi Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres gọi Gorbachev là ‘một chính khách có một không hai, người đã thay đổi tiến trình lịch sử.’‘đã làm nhiều hơn bất kỳ cá nhân nào khác để mang lại kết thúc hòa bình cho Chiến tranh Lạnh‘.

Khi trở thành tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1985 ở tuổi 54, Gorbachev đã kế thừa một đế chế rộng lớn đang suy tàn – và bắt đầu hồi sinh hệ thống bằng cách đưa ra các quyền tự do kinh tế và chính trị ở mức hạn chế. Chính sách của ông trước đây, gọi là ‘glasnost’ – tự do ngôn luận – đã cho phép những lời chỉ trích không thể tưởng tượng được đối với đảng và nhà nước, nhưng nó cũng khuyến khích những người theo chủ nghĩa dân tộc bắt đầu đòi độc lập ở các nước cộng hòa Baltic gồm Latvia, Lithuania, Estonia và những nơi khác.

Gorbachev phần lớn hạn chế sử dụng vũ lực để xử lý các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ quét qua các quốc gia thuộc khối Liên Xô ở Đông Âu vào năm 1989 – không giống như các nhà lãnh đạo Điện Kremlin trước đây, những người đã gửi đi xe tăng để dập tắt các cuộc nổi dậy ở Hungary vào năm 1956Tiệp Khắc vào năm 1968, và trái ngược hoàn toàn với vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn của Trung Quốc cùng năm đó.

Tuy nhiên, ông không thể che đậy khát vọng tự trị ở 15 nước cộng hòa của Liên Xô, và quyền lực của ông đã bị suy giảm nghiêm trọng, sau khi sống sót qua một cuộc đảo chính kinh hoàng, bị tan rã sau ba ngày, của những người theo chủ nghĩa cứng rắn, vào tháng 8 năm 1991. Bốn tháng sau, đối thủ lớn của ông, Boris Yeltsin, đã tạo nên sự tan rã của Liên Xô và Gorbachev từ chức đúng vào Giáng sinh – Liên Xô thực sự ghi tên mình vào quên lãng.

Ronald Reagan và Gorbachev tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử năm 1986 ở Reykjavik, Iceland

Mặc dù phương Tây kỷ niệm sự sụp đổ của Liên bang Xô viết của Stalin, song người Nga không bao giờ tha thứ cho Gorbachev về những xáo trộn mà các cải cách của ông đã gây ra, coi sự sụt giảm sau đó về mức sống của họ là một cái giá quá cao để có được nền dân chủ.

Một phần tư thế kỷ sau khi đất nước sụp đổ, Gorbachev nói rằng ông đã không tính tới việc sử dụng vũ lực rộng rãi, là để cố gắng giữ cho cả Liên ba Xô viết lại với nhau vì ông lo sợ sự hỗn loạn ở một quốc gia hạt nhân.

‘Đất nước đã được trang bị đầy đủ vũ khí. Và sự hỗn loạn sẽ ngay lập tức đẩy đất nước vào một cuộc nội chiến,’ ông nói với hãng tin AP (Associated Press).

Gorbachev gặp Margaret Thatcher tại điền trang quốc gia Chequers

Nhiều thay đổi, bao gồm cả sự tan rã của Liên Xô, không giống với sự biến đổi mà Gorbachev đã hình dung khi ông trở thành nhà lãnh đạo Liên Xô vào tháng 3 năm 1985. Đến cuối thời kỳ cầm quyền, ông đã bất lực trong việc ngăn chặn cơn lốc mà ông đã gieo rắc. Tuy nhiên, Gorbachev có thể đã có tác động đến nửa sau của thế kỷ 20 hơn bất kỳ nhân vật chính trị nào khác trên thế giới.

Tôi thấy mình là người bắt đầu những cải cách cần thiết cho đất nước, cho châu Âu và thế giới’, Gorbachev nói với AP trong một cuộc phỏng vấn năm 1992, ngay sau khi ông rời nhiệm sở.

‘Tôi thường được hỏi, liệu tôi có bắt đầu lại tất cả cách làm đó nếu như phải lặp lại nó không? Quả thực, tôi vẫn sẽ làm như vậy. Và với sự kiên trì và quyết tâm hơn nữa,‘ ông nói.

Gorbachev đã giành giải Nobel Hòa bình năm 1990, nhờ vai trò kết thúc Chiến tranh Lạnh, và trong những năm cuối đời ông đã có được các danh hiệu và giải thưởng từ khắp nơi trên thế giới.

Reagan và Gorbachev ký hiệp định kiểm soát vũ khí cấm sử dụng tên lửa hạt nhân tầm trung, Hiệp ước cắt giảm lực lượng hạt nhân tầm trung, tại Washington DC, ngày 8 tháng 12 năm 1987

Tuy nhiên, ông bị coi thường ở nước nhà, và ông đã chứng kiến ​​di sản của mình bị phá hủy phần lớn trong những tháng cuối cùng của cuộc đời, khi cuộc xâm lược Ukraine của Putin kéo theo các lệnh trừng phạt của phương Tây giáng xuống Moscow, và các chính trị gia ở cả Nga và phương Tây bắt đầu công khai nói về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới – và nguy cơ xảy ra Thế chiến III hạt nhân.

Vladimir Rogov, một quan chức do Nga bổ nhiệm ở một phần lãnh thổ Ukraine, hiện bị lực lượng thân Moscow chiếm đóng, cho rằng Gorbachev đã ‘cố tình dẫn dắt Liên bang (Liên Xô) đến sự sụp đổ’ và gọi ông là kẻ phản bội.

Và sau khi đến thăm Gorbachev trong bệnh viện vào ngày 30 tháng 6, nhà kinh tế tự do Ruslan Grinberg nói với hãng tin Zvezda của lực lượng vũ trang: ‘Ông ấy đã cho chúng tôi tất cả tự do – nhưng chúng tôi không biết phải làm gì với nó.’

Gorbachev chụp ảnh với vợ Raisa năm 1992. Bà qua đời 7 năm sau đó, năm 1999

Khi nhà lãnh đạo này đầu tiên sống qua tuổi 90, ông đã được các lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel, chúc mừng nhân dịp sinh nhật lần thứ 90.

Tuy nhiên, ở quê nhà, Gorbachev vẫn là một nhân vật gây tranh cãi và có mối quan hệ khó khăn với Putin.

Đối với Putin và nhiều người Nga, sự tan rã của Liên Xô là một bi kịch, kéo theo một thập kỷ nghèo đói hàng loạt và làm suy yếu tầm vóc của nước Nga trên trường quốc tế. Nhiều người Nga vẫn nhìn lại thời kỳ Xô Viết với tình cảm trìu mến, và Putin dựa vào những thành tựu đã đạt được để củng cố tuyên bố về sự vĩ đại của nước Nga và uy tín của chính mình.

Khi Liên Xô sụp đổ, Gorbachev được thay thế bởi Yeltsin trẻ hơn, người trở thành tổng thống đầu tiên của nước Nga thời hậu Xô Viết. Kể từ đó, Gorbachev bị gạt qua bên lề, ông cống hiến hết mình cho các dự án giáo dục và nhân đạo. Ông đã thực hiện một nỗ lực tai hại để trở lại chính trường và tranh cử tổng thống vào năm 1996, nhưng chỉ nhận được 0,5% phiếu bầu.

Trong những năm qua, ông đã chứng kiến ​​nhiều thành tựu lớn của mình được Putin ghi nhận.

Là người ủng hộ ban đầu của tờ báo độc lập hàng đầu ở Nga, Novaya Gazeta, được thành lập vào năm 1993, ông đã góp một phần trong số tiền đoạt giải Nobel của mình để giúp cho báo này mua những chiếc máy tính đầu tiên cho tòa báo. Nhưng, giống như các phương tiện truyền thông độc lập của Nga, tờ báo đã phải chịu áp lực ngày càng lớn trong suốt hai thập kỷ cầm quyền của Putin.

Fidel Castro chuyên quyền của Cuba nói chuyện với Gorbachev và phu nhân Raisa, sau khi đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm ở Công viên Lenin, Havana vào ngày 3 tháng 4 năm 1989

Để tỏ lòng thành kính, Boris Johnson đã ca ngợi ‘lòng quả cảm và sự chính trực’ của Gorbachev, khi ông viết trên Twitter: ‘Tôi rất đau buồn khi biết tin Gorbachev qua đời. Tôi luôn ngưỡng mộ lòng quả cảm và sự chính trực mà ông ấy đã thể hiện trong việc đưa Chiến tranh Lạnh đến một kết thúc hòa bình ‘.

‘Trong thời kỳ Putin gây hấn ở Ukraine, thì cam kết không mệt mỏi của ông ấy (Gorbachev) trong việc mở cửa xã hội Xô Viết vẫn là một tấm gương cho tất cả chúng ta’, ông viết thêm khi đề cập đến cuộc xâm lược Ukraine của Moscow.

Sinh ngày 2 tháng 3 năm 1931 trong một gia đình nông dân ở vùng Stavropol miền nam nước Nga, Gorbachev lớn lên trong những khó khăn của Thế chiến II và sự cai trị trong đàn áp của nhà độc tài Joseph Stalin, với chế độ đã kết án ông nội của ông 9 năm trong trại cải tạo lao động.

Khi còn là một cậu bé, Gorbachev rất thông minh và chăm chỉ. Năm 16 tuổi, ông đã được trao tặng Huân chương Cờ đỏ Lao động vì đã giúp đạt được một vụ thu hoạch kỷ lục, và vào năm 1950, ông đã giành được một suất học đáng mơ ước tại Đại học Tổng hợp Moscow để theo học luật.

Năm năm sau, chàng trai tốt nghiệp đầy tham vọng và người vợ trẻ Raisa của anh ta chuyển về Stavropol, nơi anh ta bắt đầu thăng tiến nhanh chóng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản, trở thành thành viên trẻ nhất của Bộ Chính trị, ở tuổi 49, vào năm 1979.

Người từng là công nhân nông nghiệp, với giọng miền nam nước Nga và vết bớt đặc biệt trên trán, đã thông báo về tham vọng táo bạo của mình ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc tranh giành quyền lực ở Điện Kremlin năm 1985, ở tuổi 54.

Gorbachev nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp báo ở Đức, tháng 12 năm 2004

Các chương trình truyền hình cho thấy ông được vây bọc bởi công nhân trong các nhà máy và trang trại, cho phép họ trút bỏ nỗi thất vọng với cuộc sống thời Xô Viết và khiến tình hình phải thay đổi triệt để. Nó đánh dấu một sự phá vỡ đáng kể đội ngũ lãnh đạo già nua – những người tỏ ra xa cách, không chấp nhận bất đồng quan điểm, ngực nặng trĩu những tấm huy chương, máy móc tuân theo giáo điều đến chết. Ba nhà lãnh đạo Liên Xô ốm yếu đã qua đời trong 2 năm rưỡi trước đó.

Gorbachev được thừa hưởng một đất nước với những trang trại kém hiệu quả và những nhà máy mục nát, một nền kinh tế do nhà nước quản lý mà ông tin rằng chỉ có thể được cứu vãn bằng những lời chỉ trích thẳng thắn, công khai mà trước đây thường dẫn đến nhà tù hoặc trại lao động. Đó là một canh bạc.  

Với người vợ thông minh, thanh lịch Raisa luôn sát cánh, Gorbachev lúc đầu đã nhận được sự ủng hộ đông đảo của quần chúng.

Chính sách của tôi cởi mở và chân thành, một chính sách nhằm sử dụng dân chủ và không đổ máu ‘, ông nói với hãng tin Reuters vào năm 2009. ‘Điều này khiến tôi rất được yêu quý, tôi có thể nói với bạn điều đó.’

Các chính sách ‘glasnost’ (công khai hóa) và ‘perestroika’ (cải tổ) của ông đã mở ra một làn sóng tranh luận công khai, được cho là chưa từng có trong lịch sử Nga.

Các quảng trường ở Moscow sôi sục với những cuộc thảo luận ngẫu hứng, tất cả sự kiểm duyệt đều biến mất, và thậm chí Đảng Cộng sản thiêng liêng buộc phải đối đầu với tội ác của chủ nghĩa Stalin.

Ngày 15 tháng 3 năm 1990, Gorbachev tuyên thệ tại Đại hội đảng.

Glasnost đã phải đối mặt với một thử nghiệm kịch tính vào tháng 4 năm 1986, khi một nhà máy điện hạt nhân phát nổ ở Chornobyl, Ukraine, và các nhà chức trách ban đầu đã cố gắng che giấu thảm họa. Gorbachev vẫn tiếp tục, bằng việc mô tả thảm kịch như một triệu chứng của một hệ thống bưng bít và mục ruỗng.

Vào tháng 12 năm đó, ông ta ra lệnh lắp điện thoại trong căn hộ của nhà bất đồng chính kiến ​​Andrei Sakharov, bị đi đày ở thành phố Gorky, và ngày hôm sau ông gọi điện cho ông ta để đích thân mời ông ta trở lại Moscow. Tốc độ thay đổi đó, đối với nhiều người, là chóng mặt.

Phương Tây nhanh chóng cảm thấy thích thú với Gorbachev, người đã có được sự thăng tiến vượt bậc từ các cấp đảng địa phương lên đến chức vụ Tổng bí thư. Theo lời của cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher, ông ấy là ‘một người đàn ông mà chúng ta có thể hợp tác làm việc’. Thuật ngữ ‘Gorbymania’ được đưa vào từ điển học, một thước đo về sự tôn sùng mà ông đã truyền cảm hứng qua các chuyến thăm nước ngoài.

Gorbachev đã thiết lập mối quan hệ cá nhân nồng nhiệt với Ronald Reagan, tổng thống diều hâu của Hoa Kỳ, người từng gọi Liên Xô là ‘đế chế ma quỷ’, và cùng với ông ta đàm phán một thỏa thuận mang tính bước ngoặt vào năm 1987 để loại bỏ tên lửa hạt nhân tầm trung.

Gorbachev chúc mừng Nhà lãnh đạo Đông Đức Erich Honecker với cái ôm và nụ hôn thắm thiết, sau khi Honecker tái đắc cử chức Tổng Bí thư Đại hội Đảng Cộng sản ở Đông Berlin, ngày 21 tháng 4 năm 1986

Năm 1989, ông rút quân đội Liên Xô ra khỏi Afghanistan, kết thúc cuộc chiến đã giết hại hàng chục nghìn người và làm rạn nứt mối quan hệ với Washington.

Cuối năm đó, khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tràn qua các quốc gia Cộng sản như Ba Lan, Hungary, Đông Đức, Tiệp Khắc, Bulgaria và Romania, thế giới đã phải nín thở.

Với hàng trăm nghìn quân Liên Xô đóng trên khắp Đông Âu, liệu Moscow có điều xe tăng của mình tới đàn áp những cuộc biểu tình, như đã từng xảy ra ở Hungary năm 1956 và Tiệp Khắc năm 1968?

Gorbachev đã phải chịu áp lực của nhiều người cho rằng ông đã sai lầm. Theo họ đó không phải là đóng góp lớn nhất trong lịch sử của ông – một đóng góp đã được công nhận vào năm 1990 với giải thưởng Hòa bình Nobel.

Suy ngẫm về những năm sau đó, Gorbachev cho rằng cái giá phải trả để cố gắng ngăn chặn sự sụp đổ của Bức tường Berlin sẽ là quá cao.

‘Nếu Liên Xô muốn, sẽ không có gì tương tự và không có sự thống nhất của Đức. Nhưng điều gì sẽ xảy ra? Một thảm họa hay Thế chiến III.’

Tuy nhiên, ở trong nước, các vấn đề đã được đặt ra.

Gorbachev và Margaret Thatcher tại RAF Brize Norton, Oxfordshire vào năm 1987

Những năm glasnost chứng kiến ​​sự gia tăng của căng thẳng khu vực, thường bắt nguồn từ hành động đàn áp và trục xuất mang tính sắc tộc của thời Stalin. Các quốc gia Baltic thúc đẩy đòi độc lập và cũng có rắc rối ở Gruzia, và giữa Armenia và Azerbaijan.

Ngoại trưởng Eduard Shevardnadze, một đồng minh hàng đầu của chủ nghĩa cải cách, đã từ chức đột ngột vào tháng 12 năm 1990, cảnh báo rằng những người theo chủ nghĩa cứng rắn đang lên ngôi và ‘một chế độ độc tài đang đến gần‘.

Tháng sau, quân đội Liên Xô giết 14 người tại tháp truyền hình chính của Lithuania, trong một cuộc tấn công mặc dù Gorbachev từ chối ra mệnh lệnh. Tại Latvia, 5 người biểu tình đã bị giết bởi các lực lượng đặc biệt của Liên Xô.

Vào tháng 3 năm 1991, một cuộc trưng cầu dân ý đã có được một đa số ủng hộ việc bảo tồn Liên Xô như là ‘một liên bang đổi mới của các nước cộng hòa có chủ quyền bình đẳng’, nhưng 6 trong số 15 nước cộng hòa đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu.

Gorbachev nói chuyện với Reagan và Bush vào ngày 7 tháng 12 năm 1988 ngay trước bữa trưa tại Admiral’s House

Vào mùa hè, những phần tử cứng rắn tấn công, khi đánh hơi được sự yếu đuối trong một người đàn ông giờ đây đã bị nhiều đồng minh theo chủ nghĩa tự do bỏ rơi. Sáu năm sau khi vào Điện Kremlin, Gorbachev và Raisa bị quản thúc tại nhà nghỉ ở Crimea trên Biển Đen, đường dây điện thoại của họ bị cắt, một tàu chiến thả neo ngoài khơi.

‘Cuộc đảo chính tháng 8’ được thực hiện bởi cái gọi là Ủy ban Khẩn cấp bao gồm giám đốc KGB, thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng và phó chủ tịch nước. Họ lo sợ sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống Cộng sản và tìm cách ngăn chặn quyền lực bị loại bớt khỏi trung tâm để trao cho các nước cộng hòa, trong đó lớn nhất và quyền lực nhất là nước Nga của Yeltsin.

Những kẻ bạo ngược cuối cùng đã thất bại, khi sai lầm cho rằng họ có thể dựa vào đảng, quân đội và bộ máy hành chính để ra các mệnh lệnh buộc phải tuân theo như trong quá khứ. Nhưng đó không phải là chiến thắng hoàn toàn cho Gorbachev.

Gorbachev được Nữ hoàng Elizabeth II chào đón tại lối vào Lâu đài Windsor năm 1989

Thay vào đó, Yeltsin là người nắm bắt khoảnh khắc hiện tại, đứng trên một chiếc xe tăng ở trung tâm Moscow để tập hợp hàng nghìn người chống lại cuộc đảo chính. Khi Gorbachev trở về từ Crimea, Yeltsin đã làm bẽ mặt ông ta tại quốc hội Nga, bằng việc ký sắc lệnh cấm Đảng Cộng sản Nga, bất chấp sự phản đối của Gorbachev.

Trong những năm sau đó, Gorbachev băn khoăn về việc liệu ông có thể ngăn chặn những sự kiện cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, được Putin mô tả là thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20, hay không.

Phải chăng ông đã bất cẩn rời Moscow vào tháng 8 nóng nực đó, khi những tin đồn về cuộc đảo chính bùng lên?

‘Tôi nghĩ họ sẽ là những kẻ ngốc khi mạo hiểm chính xác vào thời điểm đó, bởi vì nó cũng sẽ cuốn họ đi’, ông nói với tạp chí Đức Der Spiegel vào dịp kỷ niệm 20 năm cuộc đảo chính. ‘Tôi sẽ kiệt sức sau ngần ấy năm … Nhưng lẽ ra tôi không nên đi xa. Đó là một sai lầm.’

Sự trả thù cá nhân có thể đã xen lẫn với các mục tiêu chính trị khi vào cuối năm 1991, tại một dinh thự nông thôn hẻo lánh, Yeltsin và các nhà lãnh đạo của các nước cộng hòa Ukraine và Belarus đã ký hiệp định xóa bỏ Liên bang Xô viết và thay thế nó bằng Cộng đồng các quốc gia độc lập.

Ngày 25 tháng 12 năm 1991, lá cờ đỏ được hạ xuống lần cuối trên Điện Kremlin và Gorbachev xuất hiện trên truyền hình quốc gia để tuyên bố từ chức.

Gorbachev bắt tay Boris Yeltsin chúc mừng trúng cử Chủ tịch Xô Viết tối cao, Moscow, tháng 7 năm 1991

Các cuộc bầu cử tự do, báo chí tự do, các cơ quan lập pháp đại diện và hệ thống đa đảng đều đã trở thành hiện thực dưới sự chứng kiến của ông, Gorbachev kể.

‘Chúng tôi đã mở cửa với thế giới, từ bỏ sự can thiệp vào công việc của các nước khác và việc sử dụng quân đội bên ngoài biên giới của chúng tôi, và được đáp ứng bằng sự tin tưởng, đoàn kết và tôn trọng.’

Nhưng Liên Xô, nhà nước Cộng sản đầu tiên và là siêu cường hạt nhân, đã đưa người đầu tiên vào vũ trụ và gây ảnh hưởng trên toàn cầu, nay không còn nữa.

Những người theo chủ nghĩa cứng rắn buộc tội ông đã phá hủy nền kinh tế kế hoạch hóa và vứt bỏ bảy thập kỷ thành tựu của Đảng Cộng sản. Đối với những nhà phê bình theo chủ nghĩa tự do, ông đã nói quá nhiều, thỏa hiệp quá nhiều và chùn bước trước những cải cách mang tính quyết định.

Khi sự kiểm soát của Moscow bị suy giảm, căng thẳng sắc tộc bùng phát và nổ bung thành các cuộc chiến tranh quy mô lớn ở những nơi như Chechnya, Georgia và Moldova sau khi Liên Xô sụp đổ.

Ba thập kỷ sau, một số xung đột vẫn chưa được giải quyết. Hàng nghìn người đã thiệt mạng vào cuối năm 2020 khi chiến tranh bùng nổ một lần nữa giữa lực lượng người Armenia và Azerbaijan tại vùng núi Nagorno-Karabakh.

Với giải thưởng Nobel trong tay và danh tiếng lẫy lừng ở nước ngoài, Gorbachev dần dần ổn định sự nghiệp thứ hai. Ông đã thực hiện một số nỗ lực để thành lập một đảng dân chủ xã hội, mở một tổ chức tư vấn, Quỹ Gorbachev, và đồng sáng lập tờ báo Novaya Gazeta, chỉ trích Điện Kremlin cho đến ngày nay.

Vào năm 1996, ông đã thử thách sự nổi tiếng của mình bằng cách ra tranh cử tổng thống. Nhưng Yeltsin đã thắng một cách dứt khoát, và Gorbachev chỉ giành được 0,5% số phiếu bầu.

Ngày càng suy yếu trong những năm sau đó, Gorbachev đã lên tiếng bày tỏ quan ngại của mình trước căng thẳng gia tăng giữa Nga và Hoa Kỳ, đồng thời cảnh báo việc quay trở lại Chiến tranh Lạnh mà ông đã giúp chấm dứt.

‘Chúng ta phải tiếp tục lộ trình mà chúng ta đã lập ra. Chúng ta phải cấm chỉ chiến tranh một lần và mãi mãi. Quan trọng nhất là phải loại bỏ vũ khí hạt nhân,’ ông nói năm 2018.

Bi kịch của ông là khi cố gắng thiết kế lại một cấu trúc nguyên khối, hỗn hợp, để bảo tồn Liên bang Xô viết và cứu hệ thống Cộng sản, thì cuối cùng ông đã chủ trì cho cuộc sụp đổ của cả hai thứ đó.

Tuy nhiên, lịch sử thế giới sẽ không bao giờ lặp lại.