3501. Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là mồi lửa cho Thế chiến III

Các nhà máy điện hạt nhân dân dụng trong vùng chiến sự đang trở thành những quả bom phóng xạ hẹn giờ.

The National Interest by Henry Sokolski – August 31, 2022

(Henry Sokolski, Giám đốc điều hành của Trung tâm Giáo dục Chính sách Không phổ biến Vũ khí hạt nhân, từng là Thứ trưởng phụ trách Không phổ biến vũ khí hạt nhân của Lầu Năm Góc và là tác giả cuốn sách Underestimated: Our Not So Peaceful Nuclear Future).

Ba Sàm lược dịch

Khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) sẵn sàng đến thăm nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine, các quan chức phương Tây đang thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, có một điều đáng lo ngại mà họ vẫn chưa xem xét đến: làm thế nào mà các nhà máy điện hạt nhân dân sự trong vùng chiến sự lại trở thành những quả bom phóng xạ có thể khơi mào Thế chiến III.

Nghe có vẻ chói tai? Cuối tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Lựa chọn Quốc phòng tại Hạ viện Anh cảnh báo rằng “bất kỳ thiệt hại cố ý nào gây ra rò rỉ phóng xạ tiềm ẩn cho một lò phản ứng hạt nhân của Ukraine sẽ là vi phạm Điều 5 của NATO”. Điều 5 của hiệp ước NATO yêu cầu tất cả các bên ký kết phải đứng ra bảo vệ bất kỳ thành viên nào của liên minh bị tấn công vũ trang.

Làm thế nào lại có thể sắp xảy ra một vụ phóng xạ? Cuối ngày thứ Năm vừa qua, tất cả nguồn điện từ bên ngoài giành cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã bị cắt. Nguồn điện duy nhất là máy phát điện diesel khẩn cấp của nhà máy, có lượng nhiên liệu không quá 5 ngày để cung cấp năng lượng cho các máy bơm nước chạy điện làm mát và giữ an toàn thiết yếu cho nhà máy. Nếu những máy phát điện đó thiếu nhiên liệu (có thể trầm trọng hơn do nạn ăn cắp vặt của người Nga) và một đường dây điện còn lại không được kết nối lại, thì một sự cố mất chất làm mát (nhớ đến Fukushima) có thể xảy ra sau 80 phút.

Các nhà chức trách Ukraine hiểu rõ điều này. Đó là lý do tại sao tuần trước họ đã phân phát các viên i-ốt cho người Ukraine để giảm ung thư tuyến giáp nếu nhà máy Zaporizhzhia phát nổ. Romania, một quốc gia thuộc NATO, cũng nắm được điều này: đầu tháng, Bộ trưởng Y tế đã khuyến khích người dân Romania mua thuốc i-ốt miễn phí tại các hiệu thuốc địa phương của họ. Tuần trước, nước láng giềng của Romania, Moldova, đã nhập khẩu một triệu viên thuốc này cho dân của mình.

Điều mà các quốc gia nói trên hiểu rõ không chỉ là tai nạn có thể xảy ra trong chiến tranh, mà là Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể cố ý tấn công các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine nhằm biến chúng thành những vũ khí hạt nhân đã được chuẩn bị sẵn“, mà việc phát tán chất phóng xạ có thể buộc phải tổ chức sơ tán và khiến những người ủng hộ Ukraine ở NATO phải chùn bước. Họ cũng hiểu rằng chiến tranh vẫn chưa kết thúc: có 9 nhà máy điện khác của Ukraine mà Putin có thể tấn công ở miền tây và miền nam Ukraine.

Và phản ứng của Washington là gì? Nó có hai ý tưởng lớn, cả hai đều đã lỗi thời gần bảy mươi năm.

Ý tưởng đầu tiên là mời các thanh tra của IAEA đến thăm. Tôi từng ủng hộ việc này nếu nó giúp khẳng định rằng nhà máy Zaporizhzhia vẫn là của Ukraine, không phải của Nga. Nhưng không ai nên bị ảo tưởng. IAEA được thành lập cách đây 70 năm để thúc đẩy năng lượng hạt nhân và tiến hành các cuộc kiểm toán hạt nhân không thường xuyên, không phải để bảo vệ vật lý các nhà máy trước các cuộc tấn công quân sự hoặc phi quân sự hóa các khu vực xung quanh chúng. IAEA không thể cung cấp cho nhà máy Zaporizhzhia bất kỳ biện pháp phòng thủ nào, cũng như sẽ không mạo hiểm giữ các nhân viên của IAEA tại chỗ để làm nhiệm vụ phòng thủ ba bên.

Ý tưởng thứ hai cũng xuất phát từ Chương trình Nguyên tử vì Hòa bình vào đầu những năm 1950 – xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở khắp mọi nơi, kể cả ở Ba Lan, Romania và, không thể tin được là cả Ukraine. Tổng thống Joe Biden đã công bố một dự án 6 lò phản ứng do Hoa Kỳ trợ cấp cho Ba Lan, ba tuần sau khi lực lượng quân đội Nga khai hỏa và chiếm đóng Zaporizhzhia. Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó đã theo dõi, vào tháng 5 với các chi tiết, về việc xây dựng một lò phản ứng mô-đun nhỏ của Mỹ và một mô phỏng hạt nhân có liên quan ở Romania, với khoản tài trợ từ tiền của người đóng thuế Hoa Kỳ. Cuối cùng, vào tháng 7, [tập đoàn điện năng] Westinghouse có trụ sở tại Hoa Kỳ đã công bố một thỏa thuận chung với cơ sở hạt nhân thuộc sở hữu nhà nước của Ukraine để xây dựng ít nhất 2 lò phản ứng ở Ukraine.

Giả định bất thành văn ở đây là Putin sẽ không bao giờ tấn công một lò phản ứng khác ở Ukraine, Romania hoặc Ba Lan. Có lẽ. Nhưng sau khi lên án phương Tây ủng hộ quan điểm của Ukraine liên quan đến Zaporizhzhia, cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev gần đây đã cảnh báo rằng có những lò phản ứng trên khắp châu Âu và “những sự cố tương tự cũng có thể xảy ra ở đó”. Và đó không chỉ là châu Âu. Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan cũng có các lò phản ứng gặp rủi ro. Kể từ khi Nga chiếm đóng Zaporizhzhia, mỗi bên đã tăng cường lập kế hoạch và tập trận chống lại các mối đe dọa quân sự của Trung Quốc và Triều Tiên đối với các nhà máy điện hạt nhân của họ.

Washington nên tập trung chú ý. Cần phải thực hiện một số bước, nhưng hai trong số những bước quan trọng nhất: đưa các lò phản ứng “hòa bình”, vốn bị coi như là những vũ khí hạt nhân được định vị từ trước, vào chiến lược răn đe mang tính chiến lược và cân nhắc lại sự nhiệt tình của mình trong việc xuất khẩu các lò phản ứng ngay cả vào vùng chiến sự.

Nhiệm vụ đầu tiên đòi hỏi phải làm rõ là khi nào, và nếu có thì ý nghĩa sẽ ra sao về việc lực lượng Hoa Kỳ khai hỏa vào các lò phản ứng hạt nhân ở nước ngoài. Nó cũng đòi hỏi phải xác định cách lực lượng của chúng ta có thể ngăn chặn và bảo vệ tốt nhất chống lại các cuộc tấn công vào các lò phản ứng hạt nhân của bạn bè nhằm gây hại hoặc ép buộc họ.

Nhiệm vụ thứ hai yêu cầu kiểm tra những gì có thể được thực hiện về mặt vật lý để bảo vệ các lò phản ứng hiện có ở nước ngoài, nơi quân đội Hoa Kỳ đang hoặc có thể được triển khai. Nó cũng yêu cầu đánh giá một cách thận trọng việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới có thể ở trong hoặc gần các khu vực có khả năng xảy ra chiến tranh và những khu vực đó có thể nằm ở đâu.

Chúng ta không thể yêu cầu IAEA làm điều này. Sẽ không thể. Nhưng nếu chúng ta nghiêm túc về việc ngăn chặn điều tồi tệ nhất, bao gồm cả một Sarajevo (nơi tiềm ẩn xung đột tôn giáo rất lớn, ngòi nổ Thế chiến I – ND) có điện hạt nhân, thì chúng ta cũng phải làm.