
Có phải ông ấy đã phải hy sinh một Cơ đốc nhân trong mình? Chỉ có Chúa mới biết.
THE AMERICAN SPECTATOR by PAUL KENGOR – August 30, 2022
(Paul Kengor là giáo sư khoa học chính trị tại trường Grove City College, bang Pannsylvania, và là thành viên nghiên cứu cao cấp tại Center for Vision & Values. Tiến sĩ Kengor là tác giả của hơn một chục cuốn sách, trong đó có – A Pope and a President: John Paul II, Ronald Reagan, and the Extraordinary Untold Story of the 20th Century; – The Politically Incorrect Guide to Communism; và – Dupes: How America’s Adversaries Have Manipulated Progressives for a Century).
Ba Sàm lược dịch
Khi nghe tin Mikhail Gorbachev qua đời, tôi thở dài. Ông là một trong những nhân vật quan trọng cuối cùng còn sót lại sau Chiến tranh Lạnh: Gorbachev, Ronald Reagan, Giáo hoàng John Paul II, Margaret Thatcher, Václav Havel, Boris Yeltsin và Lech Wałęsa. Chỉ còn lại Wałęsa. Gorbachev thọ 91 tuổi; ông đã sống lâu hơn nhiều người từng nghĩ. Sự ra đi đó là một mất mát lịch sử.
Tôi thở dài vì một lý do khác nữa. Tôi đã viết rất nhiều về Gorbachev, trong rất nhiều bài báo và sách, đến nỗi không thể cố gắng tóm tắt cuộc đời và di sản của con người này. Phải bắt đầu từ đâu?
Đó là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng tôi nghĩ tôi có thể thêm hai điều đáng giá mà những người khác sẽ bỏ qua hoặc mắc sai lầm khi tưởng nhớ Gorbachev.
Trước tiên, hầu hết thế giới sẽ tập trung vào vai trò của Gorbachev trong sự sụp đổ của Liên Xô và gọi ông là anh hùng trong sự tan rã của Liên Xô. Sự thật không tròn trịa như vậy.
Trên thực tế, mục tiêu của Gorbachev từ trước đến nay là bảo tồn Liên Xô. Không giống như Ronald Reagan với mục tiêu là làm cho Liên Xô sụp đổ, Gorbachev đã cố gắng duy trì nó trong một khối thống nhất, đến mức ông đã liên tục sử dụng vũ lực ở một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô (bao gồm cả các nước Baltic) trong những năm cuối cùng cầm quyền.
Để ghi nhận công lao của mình, Gorbachev muốn có một Liên Xô tử tế hơn, hiền hòa hơn, không chuyên chế, thậm chí là một Liên Xô đa nguyên về mặt chính trị.
Vào tháng 2 năm 1990, ông chính thức tước bỏ quyền độc quyền chính trị của Đảng Cộng sản Liên Xô khi ông bãi bỏ Điều 6 của Hiến pháp Liên Xô. Đó là một sự thay đổi tích cực rất lớn, và chỉ có ông ấy mới có đủ quyền lực để thực hiện nó. Nhưng ông vẫn cố gắng để giữ cho liên bang trong một khối. Ông đã nói công khai như vậy cho đến phút cuối cùng.
Sự kết thúc đó đã đến, một cách ngẫu nhiên, vào ngày 25 tháng 12 năm 1991, ngày lễ Giáng sinh – một lễ kỷ niệm mà những người Bolshevik cấm ở Liên Xô.
Hôm đó, Gorbachev đã gọi điện cho Tổng thống George H.W. Bush để nói: “Ngài có thể có một buổi tối Giáng sinh rất yên tĩnh. Tôi đang chào từ biệt và bắt tay ngài”. Ông thông báo cho Bush về điều không thể tránh khỏi, cụ thể là ông sẽ từ chức người đứng đầu Liên Xô, một quốc gia mà sau đó thực sự không còn tồn tại nữa vì mọi nước cộng hòa đã tuyên bố độc lập vào năm 1990 và 1991.
Tối hôm đó, Gorbachev đã lên truyền hình Liên Xô để thông báo rằng ông sẽ từ chức. Ông bắt đầu bài phát biểu từ chức vào ngày 25 tháng 12 bằng cách lưu ý rằng ông đã “kiên định… vì sự bảo tồn của nhà nước liên bang, sự thống nhất của đất nước. Các sự kiện diễn ra theo một cách khác. Tôi không thể đồng ý với chính sách chia cắt đất nước này và chia cắt quốc gia, là cách mà tôi không thể đồng ý.” Ông than thở về sự “tan rã” của “chế độ nhà nước” của Liên Xô và “sự mất mát”, một cách kỳ lạ, “một đất nước vĩ đại”.
Gorbachev sẽ lặp đi lặp lại quan điểm đó trong những năm tới. Vào tháng 4 năm 2006, ông nói với báo USA Today rằng “Liên bang Sô Viết đáng lẽ đã được bảo tồn và lẽ ra phải được bảo tồn.”
Không, nó không nên được như vậy. Như Ronald Reagan đã nói, đó là một Đế chế Ác ma, và “đã đến lúc phải kết liễu nó.” Gorbachev đã giúp kết liễu nó, thế nhưng cách nó tan rã lại không như ông ấy dự định. Tuy nhiên, ông xứng đáng được ghi nhận vì đã giúp kết thúc một cách hòa bình Chiến tranh Lạnh mà ít người trong chúng ta có thể mong đợi sẽ được như vậy.
Nếu vào năm 1981, bạn đã nói với bất kỳ ai trong chúng tôi rằng năm 1991, Liên Xô sẽ không còn tồn tại, thì chúng tôi có thể cho rằng nó bị tiêu diệt trong Ngày tận thế (Armageddon) hạt nhân. Nhưng cơn ác mộng hạt nhân đó không bao giờ xảy ra, và đó là công lao của Gorbachev, Reagan, John Paul II, Thatcher, và các nhà lãnh đạo vĩ đại khác khi đó.
Tôi phải nói rõ thêm một cách dứt khoát, là những nhà lãnh đạo vĩ đại, họ không tồn tại trên sân khấu chính trị thế giới lúc này. Joe Biden và Vladimir Putin và Giáo hoàng Francis rõ ràng không phải như Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev và Giáo hoàng John Paul II. Chúng ta ngày nay bị suy kiệt. Chúng ta đau khổ vì thiếu chính khách.
Điều thứ hai mà tôi có thể và phải thêm vào khi nói về cuộc đời của Gorbachev, là điều quan trọng nhất vào thời điểm cái chết của ông: đó là đức tin tôn giáo ở ông. Và nó cũng rất rắc rối.
Sinh vào tháng 3 năm 1931, Gorbachev được mẹ, bà Maria, bí mật làm lễ tội khi còn là một đứa trẻ sơ sinh. Sau này, ông nói với Ngoại trưởng của Tòa thánh Vatican, Agostino Casaroli, rằng mẹ ông đã lén lút gỡ bỏ một bức tượng khỏi tường nhà thờ và ban phước cho ông cùng với nó. Ba trong số các ông bà của ông là người theo đạo Thiên chúa.
Khi Reagan gặp Gorbachev lần đầu tiên tại Geneva vào tháng 11 năm 1985, ông ngay lập tức bị cuốn hút bởi những chỉ dấu tôn giáo của Gorbachev, điều rõ ràng là đáng chú ý khi nó đến từ lãnh đạo của Đế chế Ác ma. Reagan trở nên vô cùng tò mò về khả năng Gorbachev có thể (theo cách nói của Reagan) là một “tín đồ Đấng Ki-tô”.
Khi từ Geneva về đến nhà, Reagan gọi ngay cho Michael Deaver. Ông nói về nhà lãnh đạo mới hiện tại của nhà nước vô thần của Lenin và Stalin: “Ông ta có niềm tin [vào Đấng Ki-tô].” Một Deaver nghi ngờ đã trả lời tổng thống và cũng là người bạn lâu năm của mình: “Có phải ông đang nói tổng bí thư Liên Xô tin vào Chúa không?” Reagan trở lại tuyên bố của mình, nhưng chỉ một chút: “Tôi không biết, Mike, nhưng tôi thực sự nghĩ rằng ông ta tin vào một quyền năng cao hơn.”
Gorbachev tiếp tục gợi mở về những màn dạo đầu đáng kinh ngạc của mình nhân danh tự do tôn giáo, đẩy lùi “cuộc chiến tàn bạo về tôn giáo” của những người tiền nhiệm, theo như cách Gorbachev đã mô tả nó. “Chủ nghĩa vô thần đã diễn ra những hình thức khá man rợ ở đất nước chúng tôi,” ông than thở.
Quả thực là như vậy, và Gorbachev đã ngừng cuộc chiến về tôn giáo.
Giáo hoàng John Paul II chắc chắn đã chú ý và đánh giá cao nhất chính sách glasnost (công khai hóa) của Gorbachev. Hai người tôn trọng nhau và tìm đến nhau. Vào tháng 12 năm 1989, Gorbachev trở thành nhà lãnh đạo Liên Xô đầu tiên và duy nhất đến thăm Vatican.
Giống như Reagan, John Paul II tỏ ra thận trọng, không biết chắc chắn liệu Gorbachev có phải là một Cơ đốc nhân trong bí mật hay không. Tuy nhiên, Đức giáo hoàng coi tổng bí thư là một “người được Thượng đế phù hộ.” Ông tin rằng Chúa chắc chắn đang làm việc thông qua nhà lãnh đạo Sô Viết rất khác biệt này. “Tôi chắc chắn rằng Thượng đế đã mở đường cho cuộc họp này,” ông nói với Gorbachev.
Nhưng Mikhail Gorbachev có tin vào Chúa không?
Đó là chủ đề khiến không chỉ Reagan và John Paul II, mà còn cả con trai của Reagan, Michael và trợ lý thân cận nhất của Reagan, Bill Clark, bối rối. Tôi là người viết tiểu sử của Clark (và Clark là một độc giả cuồng nhiệt của tạp chí The American Spectator này), ông cùng với Michael Reagan và tôi đã nhiều lần thảo luận về chủ đề đức tin của Gorbachev.
Tất cả chúng tôi đều cố gắng tìm câu trả lời. Michael từng hỏi trực tiếp Gorbachev rằng liệu ông có tin vào Chúa không, và thất vọng vì không thể nhận được câu trả lời. Tôi đã cố gắng phỏng vấn Gorbachev cho cuốn sách năm 2004 của tôi, God and Ronald Reagan, nơi tôi viết lần đầu tiên về đức tin của Gorbachev. Người theo chủ nghĩa Lenin già muốn tối thiểu 10.000 đô la cho cuộc phỏng vấn (vâng, một cách nghiêm túc). Mike Reagan khuyên tôi không nên trả tiền, vì Gorbachev sẽ không nói cho tôi biết những gì tôi muốn biết, và trả lời rằng tôi không có loại tiền mặt đó.
Bill Clark đã khởi xướng một hoạt động tiếp cận hiệu quả hơn. Clark biết được niềm đam mê kỳ lạ của Gorbachev với Thánh Phanxicô Assisi, mà tờ London Telegraph đã đưa tin vào tháng 3 năm 2008, khi một phóng viên người Anh bất ngờ bắt gặp hình ảnh rõ ràng Mikhail Gorbachev đang quỳ gối cầu nguyện tại mộ Thánh Phanxicô.
Tôi đọc đoạn văn đó trên Telegraph và nhanh chóng gửi nó qua email và gọi điện cho Clark và Mike Reagan. Tôi ngay lập tức chắp bút một bài viết để Mike xem và đứng đồng tác giả. Ngay khi chúng tôi vừa hoàn thành bản thảo để gửi cho tờ Christianity Today, thì Gorbachev đã công khai đi trước bằng khẳng định rằng ông chưa trở thành tín đồ Cơ đốc giáo, rồi tuyên bố là các bài báo trên Telegraph là sai, hoặc ít nhất là quá sớm.
Nhân vật trong bài viết của chúng tôi đã chết, nhưng câu chuyện về tín ngưỡng ngày càng phát triển của Mikhail Gorbachev thì không. Bill Clark từng là trợ lý quan trọng nhất của Ronald Reagan trong việc tìm cách giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh và phá hoại Đế chế Ác ma. Ông là một người Công giáo sùng đạo. Giờ đây, sau Chiến tranh Lạnh, Clark chuyển sự chú ý sang linh hồn của Mikhail Gorbachev.
Clark ngay lập tức bắt đầu làm việc với những cuộc điện thoại và các mối quan hệ ngoại giao của mình, vì ông đã có 25 năm trước đó với tư cách là trợ lý hàng đầu của Ronald Reagan về chính sách đối ngoại. Ông nói với tôi rằng mình đã nghe từ “những người bạn tôn giáo” biết Gorbachev, cho là “ông ấy đã cải đạo nhưng không hoàn toàn biết cách nói về nó hoặc đối phó với nó một cách công khai.”
Lý do cho sự miễn cưỡng của Gorbachev sẽ luôn là một bí ẩn. Tuy nhiên, Clark không bỏ cuộc.
Clark đã làm việc với những người bạn ở Nga, đặc biệt là một giáo sĩ muốn giấu tên, người có mối liên hệ để chuyển cho Gorbachev một bản dịch tiếng Nga hiếm hoi về các tác phẩm của Thánh Phanxicô. Clark đã sắp xếp để giao bộ sưu tập đó cho cựu tổng bí thư.
Phương pháp tiếp cận của Clark nhanh chóng có kết quả. Hai tuần sau, vào ngày 24 tháng 4, Clark gọi cho tôi và nói với tôi rằng Gorbachev muốn gặp ông ấy để nói về Thánh Phanxicô và đức tin Cơ đốc nói chung.
Clark và tôi đã làm việc cùng nhau để sắp đặt cuộc gặp đó, nhưng than ôi, nó đã không bao giờ xảy ra. Những hạn chế về địa lý và sức khỏe đã khiến nó trở nên quá khó.
Vậy, Mikhail Gorbachev có bao giờ trở thành một Cơ đốc nhân không? Chúng tôi không bao giờ phát hiện ra. Gorbachev đã đem câu trả lời cho tồn nghi đó xuống mồ.
Cuối cùng, đó là câu hỏi quan trọng nhất. Những gì Mikhail Gorbachev đã làm trong thế giới này để lại những hệ quả rất lớn. Nhưng những hệ quả quan trọng nhất chính là những hệ quả bất diệt.
Ồ, Gorbachev đã biết đấy. Và Chúa biết.
Liên quan:
- 3496. Mikhail Gorbachev vừa qua đời ở tuổi 91: Nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, người đã giúp kết thúc Chiến tranh Lạnh và dỡ bỏ Bức màn sắt, nhưng sau đó chứng kiến siêu cường của chính mình sụp đổ
- 3497. Mikhail Gorbachev đã phản ứng như thế nào trước khi chấp nhận độc lập cho Ukraine
- 3498. Đổi mới chưa trọn: Nhớ về Trần Xuân Bách ‘hạt mầm Gorbachev’ ở Việt Nam
- 3499. Loạng quạng Gorbachev
- 3500. Gorbachev: tác nhân đầy nghịch lý cho sự kết thúc của chiến tranh lạnh