3503. Nỗi ám ảnh Mikhail Gorbachev ở Bắc Kinh

Nhà lãnh đạo Liên Xô thời bấy giờ Mikhail Gorbachev gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, trong cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 5 năm 1989. | REUTERS

Những kẻ cai trị Trung Quốc vẫn còn sợ hãi trước di sản của ông ta trong việc đánh đổ Liên Xô

The Japan Times by Minxin Pei – Sep 4, 2022

(Minxin Pei – Bùi Mẫn Hân, giáo sư về quản lý nhà nước tại Claremont McKenna College, là một thành viên cao cấp không thường trực tại Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ).

Ba Sàm lược dịch

Có một khoảng thời gian, với thiện ý, nếu không muốn nói là suy nghĩ viển vông, người phương Tây đã nghĩ rằng với biệt danh “Gorbachev của Trung Quốc” là lời khen ngợi cao nhất mà họ có thể dành cho một nhà lãnh đạo Trung Quốc trông giống như một nhà cải cách.

Nhưng khi Chu Dung Cơ, vị thị trưởng ăn nói thẳng thắn của Thượng Hải, đến thăm Hoa Kỳ vào tháng 7 năm 1990, và một số người Mỹ gọi ông như vậy, thì vị thủ tướng tương lai lại không hề thích thú. “Tôi không phải Gorbachev của Trung Quốc,” theo tường trình thì Chu đã bật lại như vậy. “Tôi là Chu Dung Cơ của Trung Quốc.”

Chu, vốn được nhiều người ngưỡng mộ vì đã thực hiện những cải cách quan trọng trong những năm 1990 và dẫn đầu những nỗ lực thành công của Trung Quốc để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, song chúng ta sẽ không bao giờ biết ông ta thực sự nghĩ gì về Mikhail Gorbachev, nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, qua đời vào ngày 30 tháng 8. Những gì chúng ta biết chắc chắn rằng, trong mắt hầu hết các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Gorbachev đã phạm một tội ác không thể tha thứ là gây ra sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết.

Ở cấp độ thực tế nhất, lời phỉ báng của ĐCSTQ đối với Gorbachev chẳng có ý nghĩa gì. Quan hệ Trung-Xô được cải thiện đáng kể trong 6 năm trị vì của ông. Sự sụp đổ của Liên Xô cũng là một lợi ích địa chính trị đối với Trung Quốc. Mối đe dọa chết người từ phía Bắc gần như biến mất chỉ sau một đêm, trong khi Trung Á, trước đây là một phần của không gian Liên Xô, bất ngờ mở ra, tạo điều kiện cho Trung Quốc thể hiện sức mạnh của mình ở đó. Quan trọng nhất, sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, mà Gorbachev xứng đáng được ghi nhận nhiều, đã mở ra ba thập kỷ toàn cầu hóa khiến kinh tế Trung Quốc có thể trỗi dậy.

Lời giải thích hợp lý duy nhất cho sự ác cảm của ĐCSTQ đối với nhà lãnh đạo Liên Xô cũ là họ lo sợ rằng, những gì glasnost (công khai hóa) và perestroika (cải tổ) của Gorbachev đã đạt được ở Liên Xô cũ – việc giải thể chế độ độc đảng hùng mạnh một thời – cũng có thể xảy ra ở Trung Quốc. Những kẻ cai trị Trung Quốc không chia sẻ quan điểm của Tổng thống Vladimir Putin rằng sự sụp đổ của Liên Xô là một “thảm họa địa chính trị lớn” của thế kỷ 20. Đối với họ, sự sụp đổ của Liên Xô là một thảm họa ý thức hệ lớn, phủ bóng đen lên tương lai của chính họ.

Bằng chứng về những tổn thương liên tục kéo dài của ĐCSTQ vẫn có thể nhìn thấy ngay cả ngày nay – hơn ba thập kỷ sau khi Gorbachev định đoạt số phận của đế chế Liên Xô. Vào cuối tháng 2, các nhà tuyên truyền của đảng bắt đầu chiếu “Chủ nghĩa hư vô lịch sử và sự tan rã của Liên bang Xô Viết”, một bộ phim tài liệu dài 101 phút, trong đó đổ lỗi cho Đảng Cộng sản Liên Xô vì đã không thực hiện kiểm duyệt nghiêm ngặt, đặc biệt là liên quan đến lịch sử và các tư tưởng tự do của phương Tây.

Tuy nhiên, nỗi ám ảnh của ĐCSTQ về sự sụp đổ của Liên Xô có vẻ kỳ quặc, với ba thập kỷ thành công không thể phủ nhận của đảng trong việc tránh được số phận tương tự. Thành tựu rõ ràng nhất của ĐCSTQ là đạt được tính hợp pháp bằng cách cung cấp mức sống ngày càng cao. Không phải ngẫu nhiên mà chưa đầy hai tháng sau khi Liên Xô sụp đổ, Đặng Tiểu Bình, 87 tuổi, đã tập hợp một đảng đang mất tinh thần để khởi động lại những cải cách bị đình trệ và ưu tiên phát triển kinh tế hơn mọi thứ khác.

Một thành công khác ít nổi tiếng hơn nhưng không kém phần quan trọng, là nỗ lực của ĐCSTQ nhằm ngăn chặn một nhà cải cách giống như Gorbachev vươn lên dẫn đầu và phá bỏ sự cai trị của họ từ bên trong. Sau khi Liên Xô giải thể, đảng này đã hết sức quan tâm đến việc kiểm tra các nhà lãnh đạo tương lai của mình. Chỉ những quan chức có lòng trung thành chính trị không thể khuất phục được mới được giao phó quyền lực.

Đảng cũng đã thành công trong một cuộc đảo chính tuyên truyền bất ngờ khi phần lớn Liên Xô cũ rơi vào hỗn loạn và khủng hoảng kinh tế trong những năm 1990. Bằng cách thể hiện nỗi đau khổ của những người dân Nga bình thường, đảng này đã tạo ra một thông điệp thuyết phục cho người dân Trung Quốc: Đặt nền kinh tế lên trước dân chủ là con đường đúng đắn.

Tuy nhiên, bất chấp những thành tựu ấn tượng của ĐCSTQ trong nhiều thập kỷ kể từ khi Liên Xô sụp đổ, nó vẫn bị ám ảnh bởi di sản của Gorbachev. Một số người có thể lập luận rằng, cũng như trong tất cả các chế độ độc tài, sự bất an và hoang tưởng của đảng không có cách nào chữa khỏi. Nhưng các nhà cầm quyền của Trung Quốc đã quyết tâm chứng minh điều ngược lại.

Trong những năm 1990, ban lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ đã cho phép thực hiện một loạt các nghiên cứu học thuật nhằm khám phá nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô. Những người tham gia vào nỗ lực trí tuệ này bao gồm cả các học giả được kính trọng và những người trong đảng. Trong khi có thể đồng ý về nhiều yếu tố ít gây tranh cãi, chẳng hạn như quản lý kinh tế kém, một cuộc chạy đua vũ trang bất khả kháng với Hoa Kỳ, sự tấn công quá mức của đế quốc và chủ nghĩa dân tộc dân tộc ở các nước cộng hòa không thuộc Nga, thì về vai trò của Gorbachev, họ vẫn tranh cãi gay gắt.

Các búa rìu lý luận trong đảng khẳng định rằng Gorbachev phải chịu trách nhiệm chính về sự sụp đổ của Liên Xô, bởi vì những cải cách thiếu sáng suốt của ông đã làm suy yếu khả năng nắm quyền của Đảng Cộng sản. Nhưng các học giả có kiến ​​thức chuyên môn thực sự về Liên Xô thì phản bác rằng, lỗi nằm ở những người tiền nhiệm của Gorbachev, đặc biệt là Leonid Brezhnev, người đã cai trị đế chế từ năm 1964 đến năm 1982. Sự trì trệ chính trị và kinh tế bất ổn của thời Brezhnev đã để lại hậu quả là một chế độ quá mục nát để cải cách.

Ngày nay, theo bản tường thuật chính thức của Trung Quốc về sự sụp đổ của Liên Xô và việc kiên trì thái độ thù địch đối với Gorbachev, rõ ràng các búa rìu lý luận trong đảng đã thắng trong cuộc tranh luận. Nhưng có thể nghi ngờ rằng các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã học được bài học đúng đắn từ lịch sử.