Đôi lời: Vậy là chỉ còn khoảng một năm nữa Lê Anh Hùng sẽ được trả tự do.
Một nhân vật vô cùng đặc biệt mà báo đài quốc tế, mạng xã hội trong những năm gần đây dường như quên lãng điểm “đặc biệt” đó ở ông: lá đơn tố cáo “khủng” về các đương kim lãnh đạo khi đó – TBT Nông Đức Mạnh, TT Nguyễn Tấn Dũng, PTT Hoàng Trung Hải, từ năm 2008.
Những điểm đặc biệt quanh lá đơn, không chỉ người đứng đơn công khai tố cáo các nhân vật hàng đầu trong ban lãnh đạo VN, mà còn tố những tội trạng kinh khủng, và ông đã kiên trì trong nhiều năm, gửi nó đi không dưới 60 lần, đến rất nhiều nơi, trong đó có các cơ quan hàng đầu VN; ngoài ra, vợ ông cũng được coi là nhân chứng đồng thời tham gia vào nội dung tố cáo. Và còn nhiều đặc biệt khác nữa, không thể tưởng tượng nổi …
ĐBQH Dương Trung Quốc từng tiếp Lê Anh Hùng, nhận lá đơn, cuộc tiếp đã được ghi âm, đưa lên mạng.
Đặc biệt và kỳ lạ nữa là lá đơn đã không được giải quyết rõ ràng, người đứng đơn cũng không bị xử lý nếu quả thực đó là vu cáo hay ngộ nhận, hoặc có kết luận pháp y là hoang tưởng (do tâm thần?). Phải chăng cách đối xử với Lê Anh Hùng từ khi bị bắt cho tới nay là câu trả lời phần nào cho lá đơn ông tố cáo?
Sau nhiều năm gửi đơn, Lê Anh Hùng đã chứng tỏ thêm ông không những không bị “tâm thần”, mà còn là một cây viết sắc sảo với rất nhiều bài bình luận về chính trị VN, đăng trên trang web Đài tiếng nói Hoa Kỳ VOA. Ông cũng là một người dịch với 2 cuốn sách đã xuất bản (như Friedrich Hayek cuộc đời và sự nghiệp – NXB Tri thức) và nhiều bài dịch được đăng báo.
Trang Ba Sàm, cả cũ lẫn mới (trang này), đã đăng nhiều bài viết, thông tin liên quan Lê Anh Hùng.
Ba Sàm
Nhà báo Lê Anh Hùng bị tuyên phạt 5 năm tù
07/09/2022

Nhà báo độc lập Lê Anh Hùng, cộng tác viên của VOA, vừa bị một tòa án ở Hà Nội kết án 5 năm tù, trong phiên xử ngày 30/8 mà gia đình không được thông báo và không được tham dự phiên tòa. Ông Hùng đã bị chính quyền giam cầm hơn 4 năm, được xem là nhà báo bị giam cầm lâu nhất ở Việt Nam trước khi có án.
Hôm 6/9, bà Trần Thị Niêm, mẹ của ông Lê Anh Hùng, gọi điện cho một điều tra viên hỏi tin tức về con trai và được điều tra viên này cho biết như vậy.
Bà nói với VOA:
“Họ xử hôm 30/8 mà họ cũng không thông báo cho tôi.
“Khi tôi lên công an hỏi thì chú điều tra nói đã xử án như vậy.
“Như vậy đến thời gian này sang năm thì nó được thả.
“Tôi có nói với họ con tôi có tội tình gì đâu mà xử nặng như thế, họ nói như vậy là “nhẹ lắm rồi”.
VOA đã liên lạc Tòa án Nhân dân Tp. Hà Nội, Viện Kiểm sát Nhân dân và Công an Thành phố để tìm hiểu thông tin về phiên xử ngày 30/8 của ông Hùng, nhưng chưa được phản hồi.
Truyền thông nhà nước không loan tin về phiên xử này.
Bà Niêm cho biết rằng gia đình không thuê luật sư bào chữa vì điều kiện kinh tế không cho phép và hơn nữa, trước đó gia đình nhận được tin từ cơ quan chức năng nói rằng con trai bà “từ chối luật sư bào chữa”.
Bà Niêm cho VOA biết thêm rằng bà có đến trạm giam số 1 Hỏa Lò vào sáng ngày 7/9 nhưng không được thăm gặp con trai.
“Sáng tôi lên mà không gặp, chỉ có gửi tiền lại cho nó thôi.
“Gần 3 năm rồi không được gặp. Hồi chưa xử thì họ không cho gặp, đến khi xử rồi thì nói phải sau 15 ngày nếu không có kiện cáo gì thì họ cho gặp. Vậy tuần sau nữa tôi sẽ lên gặp xem có được không.”
Trước đó, ông Hùng được chuyển từ Viện Tâm Thần về Trại giam số 1 sau quyết định ra ngày 9/5/2022 của Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an Hà Nội.
Blogger Lê Anh Hùng bị bắt ngày 5/7/2018 với cáo buộc “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước…” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.
Ông Hùng là một blogger khá nổi tiếng vì lên tiếng chỉ trích chính quyền Việt Nam và từng là cộng tác viên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA).
Cơ quan Truyền thông Toàn cầu (USAGM), cơ quan chủ quản của VOA, vào năm 2020 kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho các cộng tác viên của các đơn vị truyền thông trực thuộc, trong đó có ông Hùng, gọi đây là hành động nhằm bịt miệng những tiếng nói chỉ trích chính phủ.
“Việc bắt bớ nhằm bịt miệng những tiếng nói chỉ trích là điều đáng phê phán, và điều đó cần phải thay đổi ngược lại. Cuộc trấn áp tự do ngôn luận trên diện rộng ở Việt Nam là một cuộc tấn công trắng trợn vào quyền con người của công dân Việt Nam và tự do báo chí”, thông cáo của USAGM viết.
Các cộng tác viên của USAGM đang bị chính quyền giam cầm bao gồm blogger Nguyễn Văn Hoá, blogger Nguyễn Tường Thuỵ, blogger Trương Duy Nhất, là những người cộng tác với đài Á châu Tự do (RFA); bên cạnh đó là blogger Lê Anh Hùng và blogger Phạm Chí Dũng, cộng tác với Đài VOA.