
Việc bốn nhà lãnh đạo về khí hậu đang thụ án tù nhiều năm ở Việt Nam, trong đó có bà Ngụy Thị Khanh, người đoạt giải Goldman, đặt ra những nghi vấn về các tiêu chuẩn nhân quyền của đất nước này
Businesswire – September 14, 2022
Ba Sàm lược dịch
SAN FRANCISCO – (BUSINESS WIRE) – Khi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) bắt đầu phiên họp thứ 51 vào tuần này, 52 người đoạt Giải thưởng Môi trường Goldman, từ 42 quốc gia, hôm nay đã gửi thư tới UNHRC thúc giục tổ chức này bỏ phiếu chống lại việc kết nạp Việt Nam làm thành viên mới, căn cứ vào việc quốc gia này đối xử với những người nổi bật nhất trong hoạt động bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Trong hai năm gần đây, bốn nhà vận động bảo vệ môi trường đã bị bỏ tù tại Việt Nam vì các cáo buộc liên quan đến thuế, bao gồm cả người đoạt giải Goldman 2018, Ngụy Thị Khanh, một trong những chuyên gia khí hậu hàng đầu của đất nước. Những vụ bắt giữ này đã làm dấy lên những báo động, rằng các luật thuế không rõ ràng của Việt Nam đang được sử dụng để bịt miệng các nhà lãnh đạo của các tổ chức phi lợi nhuận, vốn đang nỗ lực chuyển đổi Việt Nam từ sử dụng than đá sang năng lượng sạch. Ngoài bà Khanh, luật sư môi trường Đặng Đình Bách đang phải thụ án 5 năm tù sau nhiều năm làm việc để bảo vệ các cộng đồng bị thiệt thòi khỏi thuốc trừ sâu độc hại và ô nhiễm từ các nhà máy điện than.
Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục nhận được sự khen ngợi trên toàn cầu về cam kết không phát thải ròng vào năm 2050, được đưa ra vào tháng 11 năm ngoái tại Hội nghị Khí hậu Liên hợp quốc (COP 26). Các câu hỏi đang được đặt ra là tại sao chính phủ Việt Nam lại nhắm đến các chuyên gia môi trường và khí hậu hàng đầu của đất nước, đồng thời lại tìm cách hòa cùng với các nỗ lực quốc tế hướng tới chuyển đổi năng lượng sạch. Mối quan tâm đang lan rộng trong các tổ chức phi chính phủ hoạt động trên khắp Việt Nam rằng công việc của họ về các vấn đề xã hội và môi trường có thể dẫn đến bị truy tố hình sự và bỏ tù.
Những người ký tên trong lá thư hôm nay khẳng định rằng Việt Nam không đáp ứng các tiêu chí của UNHRC về việc duy trì các tiêu chuẩn cao về nhân quyền.
Bức thư hôm nay kêu gọi Việt Nam chấm dứt việc đàn áp các nhà lãnh đạo xã hội dân sự bằng cách sửa đổi luật thuế của mình – vốn được sử dụng như một công cụ đàn áp – và bằng cách “trả tự do cho bà Khanh, ông Bách, và những người bảo vệ môi trường khác bị giam cầm theo những luật bất công này.” Bức thư cũng trích dẫn các văn bản của Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Quyền tự do Lập hội và Hiệp hội một cách Ôn hòa và về việc Thúc đẩy và Bảo vệ quyền Tự do Biểu đạt và Bày tỏ quan điểm, cả hai văn bản đó đều nhận thấy rằng luật thuế của Việt Nam không phù hợp với các chuẩn mực nhân quyền và cảnh báo rằng việc đe dọa về một bản án tù dài hạn và sự mơ hồ về những gì cấu thành vi phạm thuế là khuyến khích việc tự kiểm duyệt và ngăn chặn các cuộc thảo luận quan trọng về các vấn đề được công chúng quan tâm.
Trong 10 năm qua, bà Khanh đã làm việc không mệt mỏi để nhắm đến các kế hoạch mở rộng ngành than của Việt Nam, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác động của khí thải nhà máy than đối với chất lượng không khí và sức khỏe cộng đồng, và thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Bản án đối với bà đã vấp phải sự lên án của quốc tế, bao gồm cả chính phủ Hoa Kỳ, Canada, Đức, Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu, cũng như các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự trên khắp thế giới – tất cả đều kêu gọi phóng thích bà.

Đầu tuần này, Quyền Cao ủy Nhân quyền LHQ, Nada Al-Nashif, đã đưa ra một tuyên bố với UNHRC đề cập đến “những hạn chế ngày càng gia tăng đối với không gian dân sự và các quyền tự do cơ bản” của Việt Nam, thúc giục chính phủ “trả tự do cho những người đã bị giam giữ tùy tiện hoặc bị giam cầm” vì họ đã làm việc để thúc đẩy một môi trường trong sạch và lành mạnh.
Bức thư hôm nay đã lặp lại quan điểm trên. “Bà Khanh, ông Bách, và những người bảo vệ môi trường khác hiện đang bị giam cầm ở Việt Nam đã cống hiến cả cuộc đời của mình để tạo ra một môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững, được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm ngoái tuyên bố là một quyền con người,” bức thư viết. “Với những chuyên gia bị đứng sau song sắt và những lo ngại về khả năng xảy ra nhiều vụ bắt giữ hơn nữa, Việt Nam sẽ ủng hộ cho quyền phổ quát này như thế nào?”
“Hơn nữa, những tù nhân này đang bị giam giữ mà ít hoặc không được tiếp cận với luật sư hoặc gia đình, điều này không chỉ quá mức đối với những cá nhân bị buộc tội trốn thuế mà còn là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế,” theo nội dung bức thư.
“Thật không may, nhiều người đoạt giải Goldman đã bị các chính phủ trên thế giới bắt giữ và bỏ tù trong quá khứ. Tất cả chúng ta đã phải đối mặt với những trận chiến khó khăn trong nỗ lực bảo vệ hành tinh của chúng ta và thúc đẩy sự thay đổi,” bức thư viết tiếp. “Những gì đang xảy ra ở Việt Nam chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Chúng tôi kêu gọi các quý vị sử dụng đây như một cơ hội để chứng minh không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các quốc gia rằng các tiêu chí để trở thành thành viên đáng kính của Hội đồng Nhân quyền phải được thực hiện nghiêm túc và cộng đồng quốc tế đang theo dõi”.
[…] Đó là thực trạng không thể chấp nhận được, nhất là khi mới hôm qua đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN vừa lên tiếng “bác bỏ những định kiến xấu về nhân quyền tại Việt Nam”; giữa lúc VN lại đang lần nữa ứng cử vào Hội đồng nhân quyền LHQ nhưng bị không ít ý kiến phản đối, điển hình, gần nhất là việc hơn 50 người đoạt giải Goldman về môi trường kêu gọi Hội đồng Nhân quyền L…. […]
ThíchThích
[…] Đó là thực trạng không thể chấp nhận được, nhất là khi mới hôm qua đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN vừa lên tiếng “bác bỏ những định kiến xấu về nhân quyền tại Việt Nam”; giữa lúc VN lại đang lần nữa ứng cử vào Hội đồng nhân quyền LHQ nhưng bị không ít ý kiến phản đối, điển hình, gần nhất là việc hơn 50 người đoạt giải Goldman về môi trường kêu gọi Hội đồng Nhân quyền L…. […]
ThíchThích
[…] Đó là thực trạng không thể chấp nhận được, nhất là khi mới hôm qua đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN vừa lên tiếng “bác bỏ những định kiến xấu về nhân quyền tại Việt Nam”; giữa lúc VN lại đang lần nữa ứng cử vào Hội đồng nhân quyền LHQ nhưng bị không ít ý kiến phản đối, điển hình, gần nhất là việc hơn 50 người đoạt giải Goldman về môi trường kêu gọi Hội đồng Nhân quyền L…. […]
ThíchThích