3523. Cân bằng địa chính trị và an ninh năng lượng với vấn đề khử carbon

EAST ASIA FORUMAuthor: Jun Arima, University of Tokyo – 16 September 2022

(Jun Arima là Giáo sư tại Trường Cao học Chính sách Công, Đại học Tokyo. Ông là cựu quan chức Nhật Bản và trưởng đoàn đàm phán về Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu).

Ba Sàm lược dịch

Chiến tranh Nga-Ukraine là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc cung cấp năng lượng ổn định, chi phí thấp và tác động của địa chính trị đối với việc đảm bảo năng lượng.

Châu Âu, đặc biệt là Đức, đang quan tâm đến điều này. Đức, quốc gia cam kết một tiến trình loại bỏ điện hạt nhân và than đá, đã thúc đẩy việc đưa vào sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như phong điện, trong khi sử dụng khí đốt tự nhiên của Nga để điều chỉnh sự biến động sản lượng của các nguồn năng lượng tái tạo. Xung đột ở Ukraine đã làm chệch những kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn khí đốt mới Đức – Nga, Nord Stream 2 (*), và Đức hiện đang đối mặt với nguy cơ gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng.

Chính sách năng lượng ở các nước phát triển đã bị chi phối bởi mục tiêu chính sách là khử cacbon kể từ Thỏa thuận Paris năm 2015. Bất chấp tầm quan trọng tiếp tục của nhiên liệu hóa thạch, các lập luận đã nhấn mạnh rằng nhiên liệu hóa thạch phải được loại bỏ và các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch sẽ trở thành những tài sản bị mắc kẹt. Đây là lý do tại sao đầu tư vẫn bị chậm lại mặc dù giá năng lượng tăng. Những lập luận này gây nguy hiểm cho nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch ổn định. Quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ không diễn ra trong một sớm một chiều. Cần phải điều chỉnh lại các chính sách có lưu ý đến vấn đề an ninh năng lượng. Đó phải kể đến nhiên liệu hóa thạch.

Giá năng lượng, nguyên liệu thô và lương thực tăng do chiến tranh Nga – Ukraine và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu có thể làm suy yếu động lực hành động về biến đổi khí hậu. Tất nhiên, ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu là một khẩu hiệu chính trị mạnh mẽ, như đã được chứng kiến ​​trong Tuyên bố của các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm 2022, tái khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với Hiệp ước khí hậu COP26 Glasgow. Song câu hỏi đặt ra là liệu hành động thực sự sẽ đi kèm với cam kết đó hay không.

Bất chấp ngôn ngữ đầy tham vọng của hiệp ước Glasgow, các quốc gia đã bị buộc phải giảm giá năng lượng đang tăng vọt. Chính quyền Biden – vốn đã kêu gọi khử cacbon và sử dụng năng lượng tái tạo – nay đang xả kho dự trữ dầu chiến lược, yêu cầu ngành dầu khí tăng sản lượng, nối lại nhập khẩu dầu từ Venezuela vốn đã bị trừng phạt trước đó, và đóng băng thuế xăng liên bang để kiềm chế giá xăng tăng cao. Châu Âu, nơi dẫn đầu về khử cacbon, đang mở rộng nhập khẩu than do giá khí đốt lên cao. Tại Trung Quốc và Ấn Độ, sản lượng than và nhiệt điện than đã tăng lên đáng kể. Tại Nhật Bản, trợ cấp xăng dầu đã được áp dụng.

Những hành động này đi ngược với việc ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu, nhưng chúng là thực tế chính trị. Nếu chi phí năng lượng tăng cao có tác động tiêu cực đến sinh kế và công nghiệp, thì ưu tiên phải đảm bảo cung cấp năng lượng chi phí thấp.

Theo khảo sát nâng cao nhận thức về Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc, ưu tiên hành động khí hậu được xếp hạng nhất ở Thụy Điển và thứ ba ở Nhật Bản, nhưng chỉ đứng thứ mười lăm ở Trung Quốc và thứ chín ở Nga và Indonesia. Không có gì ngạc nhiên khi nghèo đói, giáo dục, y tế và việc làm được ưu tiên ở các nước đang phát triển hơn là việc bảo vệ khí hậu. Hiện nay, tình hình kinh tế thế giới đang xấu đi và giá năng lượng tăng chóng mặt, hành động về khí hậu ở các nước đang phát triển thậm chí còn ít được ưu tiên hơn.

Chìa khóa cho nhu cầu năng lượng toàn cầu trong tương lai và xu hướng phát thải khí nhà kính sẽ nằm trong tay các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Á. Trên toàn châu Á, sự phụ thuộc vào than là 48%, trái ngược với 12% ở châu Âu và 9% ở Bắc Mỹ. Nếu khu vực châu Á chậm chuyển đổi khí đốt do giá khí đốt tự nhiên tăng cao, sẽ khó giảm phát thải khí nhà kính.

Ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu là trọng tâm chú ý kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, khi hợp tác quốc tế đang trên đà phát triển. Nhưng giờ đây, một cuộc đối đầu giống như Chiến tranh Lạnh mới đang xuất hiện. Điều này sẽ có tác động tiêu cực đến hành động biến đổi khí hậu, mà trên hết cần có sự hợp tác quốc tế. Khi chi tiêu quân sự của các nước phát triển mở rộng, các quỹ có sẵn để hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc giảm thiểu và thích ứng với sự nóng lên toàn cầu có thể giảm xuống. Các nước đang phát triển sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm chậm phản ứng với biến đổi khí hậu của họ.

Cuộc khủng hoảng Ukraine đặt ra nhiều thách thức đối với an ninh năng lượng của Nhật Bản. Giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng và tỷ giá hối đoái suy yếu đang làm tăng chi phí năng lượng của Nhật Bản, vốn đã cao nhất so với bất kỳ quốc gia phát triển nào. Đây là gánh nặng lớn đối với nền kinh tế Nhật Bản.

Nhật Bản đang bị thách thức bởi sự thiếu hụt nguồn nhiên liệu hóa thạch trong nước và các tuyến kết nối với các nước láng giềng. Địa hình của nó hạn chế không gian cho các tấm pin mặt trời và độ sâu của đại dương khiến năng lượng gió ngoài khơi trở nên đắt đỏ. So với các quốc gia giàu tài nguyên như Hoa Kỳ và Châu Âu, nơi các khu vực được kết nối bằng lưới điện và đường ống, an ninh năng lượng của Nhật Bản gặp bất lợi lớn.

Lập luận rằng “bây giờ là thời điểm để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và năng lượng hạt nhân” là bỏ qua tình trạng tuyệt vọng mà Nhật Bản đang phải chịu đựng. Tất cả các phương án có sẵn nên được sử dụng. Một phương pháp tiếp cận khập khiễng đối với năng lượng tái tạo có thể dẫn đến lặp lại tình trạng như ở Đức.

Đẩy nhanh việc nối lại hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân là một vấn đề cấp bách. Một đơn vị điện hạt nhân tiết kiệm 1 triệu tấn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Điều này sẽ có lợi cho an ninh năng lượng của Nhật Bản và góp phần giảm bớt căng thẳng cung – cầu LNG toàn cầu. Áp lực cung – cầu điện trong mùa hè và mùa đông có thể được giảm bớt phần lớn bằng cách đẩy nhanh việc khởi động lại điện hạt nhân. Cả việc khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân và xây dựng các nhà máy mới đều cần thiết để khử cacbon.

+ Điện hạt nhân ở Việt Nam – tiến hay lùi?; + Vì sao Việt Nam nên phát triển điện hạt nhân

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã nhắc nhở Nhật Bản về những rủi ro an ninh năng lượng do gần Trung Quốc, Nga và Triều Tiên. Kiểm tra lại hệ thống an ninh quốc gia và kinh tế là một nhiệm vụ cấp bách. Chính sách năng lượng tập trung nhiều vào khử cacbon cũng cần được tái cân bằng với hướng tới an ninh năng lượng, nhu cầu cơ bản nhất của tất cả.