3544. Những mối đe dọa hạt nhân của Putin đang vươn ra ngoài Ukraine

“Cách thứ ba và nguy hiểm nhất mà người Nga sở hữu vốn không được phân loại chính thức … Do đó, nếu một vũ khí hạt nhân phát nổ ở một nơi nào đó ở châu Âu, sẽ không thể chắc chắn ngay lập tức điều gì đã xảy ra hoặc ai phải chịu trách nhiệm. Điện Kremlin sẽ cố gắng làm tăng thêm sự nhầm lẫn bằng cách từ chối trách nhiệm hoặc thừa nhận “sai lầm” sau vài ngày…” 

THE NATIONAL INTEREST by Lasha Tchantouridze – September 27, 2022 

(Tiến sĩ Lasha Tchantouridze là giáo sư và Giám đốc chương trình sau đại học về Ngoại giao và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Norwich).

Ba Sàm lược dịch

Khi quân đội Nga gặp thất bại trên chiến trường Ukraine, nhiều khả năng Điện Kremlin sẽ sử dụng các biện pháp đặc biệt để ngăn chặn tình trạng suy sụp của quân đội Nga. Các biện pháp như vậy có thể bao gồm từ tận dụng mùa đông lạnh giá làm vũ khí cho đến sử dụng vũ khí hạt nhân. Việc huy động một phần lực lượng vũ trang hiện nay là bước đầu tiên trong giai đoạn mới của cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Khoản đặt cược cho Moscow trong cuộc chiến này cao hơn nhiều so với các trở ngại do những trận giao tranh thất bại mang lại. Xét về mặt lịch sử, các cuộc chiến tranh bị thiệt hai của Nga kéo theo các cuộc khủng hoảng quốc gia nghiêm trọng thường đi kèm với những thay đổi chế độ chính trị trong nước. Để tránh trường hợp này xảy ra, Điện Kremlin phải tránh tổn thất thêm, củng cố lợi ích của mình ở đông nam và nam Ukraine, đồng thời buộc Kyiv và những bên ủng hộ ở phương Tây công nhận thành quả chiến tranh của Moscow, bằng cách ngừng các hành động thù địch và ký kết một thỏa thuận hòa bình.

Bằng cách tuyên bố huy động một phần quân dự bị, Moscow có nguy cơ gây ra tình trạng bất ổn trong dân chúng ở Nga. Theo cách đưa tin chính thức của Điện Kremlin, “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraine đang diễn ra suôn sẻ và không có sự chệch hướng so với kế hoạch. Đồng thời, Điện Kremlin đã từ chối thừa nhận những thiệt hại lớn về nhân lực trong cuộc chiến. Trong bài phát biểu trên truyền hình của mình vào ngày 21 tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi “hoạt động quân sự đặc biệt” là một cuộc chiến. Theo Putin, Nga đang tham chiến với phương Tây, và để giành chiến thắng, Nga cần 300.000 quân dự bị. Trong nhiều tháng, Putin đã chống lại việc huy động quân sự vì lý do chính trị. Giờ đây, ông buộc phải thừa nhận với người dân Nga rằng các nhà lãnh đạo quân sự Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc huy động quân dự bị.

Những nhân vật theo đường lối cứng rắn trong quân đội Nga từng yêu cầu một số hình thức huy động quân đội ngay từ đầu cuộc chiến này. Vào cuối tuần đầu tiên của cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, hầu hết các nhà quan sát quân sự đã thấy rõ rằng các lực lượng vũ trang Nga cần một lực lượng dự trữ chiến lược để vượt qua sự kháng cự của Ukraine. Nay việc bắt đầu tổ chức các đơn vị mới, sau 7 tháng tham chiến, là quá muộn để đạt được thành công thông qua các phương tiện quân sự thông thường. Sẽ mất vài tháng để trang bị và đào tạo các lực lượng dự bị đúng cách và thậm chí sau đó, họ có thể chỉ đủ để thay thế những tổn thất của Nga trên chiến trường.

Moscow sẽ tiếp tục nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine để phá vỡ tinh thần chiến đấu của người dân nước này, đồng thời sử dụng hệ thống phân phối khí đốt và dầu của mình để trừng phạt những nước châu Âu ủng hộ Ukraine. Các mục tiêu chính của những cuộc tấn công tầm xa của Nga ở Ukraine sẽ là các cơ sở sản xuất điện, lưới điện, lĩnh vực năng lượng, các đập thủy điện và các đường dây thông tin liên lạc. Theo một số ước tính, cho đến nay, Nga đã phá hủy khoảng 20 cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraine. Giới lãnh đạo quân đội Nga đoan quyết tấn công các cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraine ngay cả khi đang rút lui vội vàng khỏi đông bắc Ukraine. Tuy nhiên, có một yếu tố hạn chế đáng kể khiến Điện Kremlin muốn tàn phá Ukraine càng nhiều càng tốt; lực lượng Nga thiếu tên lửa, trong khi Không quân Nga đã tránh bay vào không phận Ukraine vì mất quá nhiều phi cơ trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.  

Mùa đông năm nay sẽ lạnh bất thường đối với nhiều nước châu Âu, nhưng châu Âu hiện đang bị đe dọa bởi một thứ mùa đông khác – một mùa đông hạt nhân. Với sự thành công của các lực lượng vũ trang Ukraine, mối đe dọa từ việc Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân đang gia tăng trong nỗ lực buộc Ukraine và những người ủng hộ ở phương Tây phải công nhận lợi ích lãnh thổ của Nga. Tuần trước, Putin đã xác nhận điều này trong bài phát biểu trên truyền hình thông báo về việc “huy động một phần” các lực lượng dự bị quân sự của Nga. Trên thực tế, giới lãnh đạo Nga bắt đầu cuộc chiến này với niềm tin rằng họ có lợi thế về hệ thống vũ khí hạt nhân so với các đối thủ phương Tây. Người ta đã nói nhiều về vũ khí hạt nhân của Nga kể từ khi cuộc tấn công chớp nhoáng “ba ngày” của Putin thất bại ở miền bắc Ukraine, một số phỏng đoán có thể hiểu được, nhưng hầu hết đều là sai lầm. Bất chấp điều đó, Nga khó có thể tấn công Ukraine bằng vũ khí hạt nhân. Thay vào đó, một thành viên châu Âu thuộc NATO, cách xa Nga hơn về mặt địa lý, có nhiều khả năng trở thành mục tiêu.

Nga có ba phương thức chung để tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân.

Cách thứ nhất đã là chủ đề của nhiều cuộc thảo luận và hiệp ước song phương giữa Hoa Kỳ và Liên Xô khi đó. Cách này được thực hiện thông qua bộ ba thiết bị chiến lược — được cung cấp bằng tên lửa phóng từ đất liền, trên biển hoặc từ máy bay tầm xa. Những cuộc phóng này có thể bị phát hiện và theo dõi. Trừ khi Nga tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa hàng loạt, điều khó xảy ra vì chúng sẽ dẫn đến một đòn trả đũa lớn tương tự trước khi tên lửa của Nga có thể tiếp cận mục tiêu, các hệ thống phòng thủ tên lửa có thể đánh chặn một số ít tên lửa như vậy. Tuy nhiên, Moscow có thể triển khai một trong những đầu đạn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa để kích nổ ở độ cao lớn. Nếu người Nga sử dụng phương án này, họ sẽ cho nổ một đầu đạn hạt nhân ở trên cao của châu Âu và / hoặc Ukraine để tạo ra xung điện từ (EMP) có thể đánh sập hầu hết cơ sở hạ tầng kinh tế của châu Âu. Một cuộc tấn công EMP tầm cao sẽ gây thiệt hại hoặc phá hủy hệ thống điện, thông tin liên lạc và vận tải của châu Âu cũng như vô hiệu hóa các ngân hàng, bệnh viện và các lĩnh vực khác của nền kinh tế châu lục.

Cách thứ hai thường được gọi là vũ khí hạt nhân “chiến thuật”, điều này không có nghĩa là những vũ khí này có sức hủy diệt thấp hơn. Các phương tiện ưa thích của Điện Kremlin để phóng đầu đạn hạt nhân chiến thuật là tên lửa hành trình Kalibr và Klub. Việc phóng những tên lửa này có thể bị phát hiện, nhưng không thể theo dõi chúng, vì chúng được dẫn đường và bay rất thấp so với mặt đất. Nga đã bắn hàng trăm tên lửa Kalibr được trang bị đầu đạn thông thường trong chiến tranh. Nếu Nga quyết định bắn cảnh báo hạt nhân về phía châu Âu bằng những tên lửa này, họ có thể phóng một hoặc hai đầu đạn nhắm vào một khu rừng hoặc một khu vực nông thôn. Đáp lại, Hoa Kỳ có thể trả đũa, miễn là họ có khả năng trả đũa đối xứng tại một nơi nào đó ở châu Âu.

Cách thứ ba và nguy hiểm nhất mà người Nga sở hữu vốn không được phân loại chính thức, nhưng về cơ bản nó thể hiện một phương thức tấn công bí mật. Nó được bắt đầu với tất cả các hệ thống tên lửa có tầm bắn xa hơn 50 km, được sản xuất vào cuối thời kỳ Liên Xô và nước Nga đương đại, đều có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Pháo binh tầm xa cũng có thể bắn đạn pháo mang đầu đạn hạt nhân. Hơn nữa, các chiến cơ không người lái tầm xa do Liên Xô và Nga sản xuất, vốn không được chỉ định rõ ràng cho mục đích này, cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân. Có bằng chứng từ cuộc chiến ở Ukraine cho thấy, ít nhất một phi cơ không người lái như vậy đã bay từ Ukraine tới Croatia và bị rơi ngay bên ngoài Zagreb sau khi hết nhiên liệu. Vào ngày 10 tháng 3, một máy bay không người lái TU-141 Strizh của Nga hoặc Ukraine đã bay hơn 550 km mà không bị hệ thống phòng không của ba nước NATO, Romania, Hungary và Croatia, phát hiện. Nó được cho là mang một quả bom, may mắn thay đã không phát nổ khi rơi.

Nếu Moscow quyết định sử dụng một hệ thống vận chuyển bí mật như vậy cho các đầu đạn hạt nhân của mình, chúng sẽ không thể bị phát hiện hoặc theo dõi. Do đó, nếu một vũ khí hạt nhân phát nổ ở một nơi nào đó ở châu Âu, sẽ không thể chắc chắn ngay lập tức điều gì đã xảy ra hoặc ai phải chịu trách nhiệm. Điện Kremlin sẽ cố gắng làm tăng thêm sự nhầm lẫn bằng cách từ chối trách nhiệm hoặc thừa nhận “sai lầm” sau vài ngày. Trong mọi trường hợp, Tổng thống Mỹ sẽ rất khó trả đũa bằng biện pháp tương ứng khi một quốc gia NATO bị Nga tấn công và gây thiệt hại theo cách này. Giới lãnh đạo chính trị Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc giải thích cho người dân Mỹ lý do tại sao họ nên mạo hiểm với các thành phố của Mỹ vì sự phá hủy một thị trấn châu Âu không xác định, thuộc một quốc gia nhỏ ở châu Âu được cho là bị tấn công nhầm lẫn. Mặt khác, Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương sẽ mất hết uy tín nếu Hoa Kỳ không bảo vệ một đồng minh NATO trước một cuộc tấn công tàn khốc như vậy. Điện Kremlin sẽ thắng trong trường hợp này: mục tiêu chính của họ trong cuộc chiến chống Ukraine này là tiêu diệt hoặc làm suy yếu NATO bằng cách tạo ra một cái nêm giữa Hoa Kỳ và châu Âu.