
THE DAILY TIMES by Tim Lomperis – October 1, 2022
(Tim Lomperis là một cựu sĩ quan tình báo quân đội, tác gia và giáo sư khoa học chính trị danh dự tại Đại học Saint Louis. Ông làm việc trong Chương trình Tái định cư cho người Việt Nam từ năm 1975-76).
Ba Sàm lược dịch
Với những gì tôi còn có có thể nhớ được, Hoa Kỳ đã chiến đấu với cái gọi là “chiến tranh hạn chế” và các cuộc chiến chống chiến tranh du kích để ủng hộ một mục tiêu chính sách đối ngoại này hay mục tiêu khác. Hai cuộc chiến dài nhất, và do đó tốn nhiều máu xương và tiền của nhất, là Chiến tranh Việt Nam (1960-1975) và Chiến tranh Afghanistan gần đây (2001-2021). Cuộc chiến trước là để ngăn chặn một cuộc cách mạng cộng sản và cuộc sau là không chấp nhận một thiên đường cho những kẻ khủng bố Hồi giáo. Chúng đáng được xem xét kỹ lưỡng bởi vì hai cuộc chiến này, và hầu hết các cuộc chiến khác – Triều Tiên, Iraq, Bosnia, Libya và Syria – đều không đem lại kết quả tốt.
Tôi đã thực hiện hai chuyến công tác tại Việt Nam vào năm 1972 và 1973, và sau đó dành toàn bộ sự nghiệp học tập của mình để tìm kiếm một bài học chính yếu từ cuộc xung đột gây chia rẽ đó. Ban đầu, có hai bài học được dự tính đã lọt vào mắt tôi.
Thứ nhất, các cuộc nổi dậy đã diễn ra trong một thời gian dài. Vì vậy, khi một quốc gia như Hoa Kỳ, với các lợi ích về chính sách đối ngoại toàn cầu, can thiệp vào cuộc nổi dậy ở một địa phương, thì nó cần có một kế hoạch chuyển giao, khi mà, theo thời gian, có các ưu tiên khác của mình. Mỹ đã có một kế hoạch chuyển giao như vậy cho Việt Nam, gọi là Việt Nam hóa chiến tranh. Điều này có nghĩa là Mỹ dần dần chuyển giao phần lớn cuộc chiến cho người Việt Nam. Nó hoạt động trong một thời gian, nhưng cuối cùng đã sụp đổ. Ở Afghanistan, do vẫn có các ưu tiên khác từ các cuộc xung đột khác vẫn tiếp tục can thiệp vào – như cuộc chiến ở Iraq và sau đó là ISIS tiếp quản những vùng đất rộng lớn ở Syria – cho nên nó khiến cho một kế hoạch chuyển giao không bao giờ được phát triển ở đây.
Thứ hai, một khi đã có kế hoạch sẵn sàng, việc công bố công khai lịch trình rút quân của Mỹ là một ý tưởng tồi. Những tuyên bố như vậy có tác dụng làm mất tinh thần của cả lực lượng Mỹ và lực lượng còn lại của nước sở tại, ngoài ra còn cung cấp cho kẻ thù thông tin để xây dựng kế hoạch phản công của riêng mình, sau khi lực lượng nước ngoài còn lại đã rút hết. Tại Việt Nam, cuộc rút quân bị kéo dài quá mức đến nỗi khiến cho hiệu quả chiến đấu của số lính Mỹ còn lại bị giảm sút, và điều này có tác động lây lan đến quân đội Việt Nam [Cộng hòa]. Ngược lại, ở Afghanistan khi Tổng thống Obama thông báo một đợt tăng quân Mỹ vào năm 2010, rồi ông lại tuyên bố sẽ bắt đầu rút số quân này chỉ sáu tháng sau đó. Nó được coi như là một kế hoạch nhằm chấm dứt can thiệp, điều này là vô ích bởi vì rất khó có thể hoàn thành trong một thời gian quá ngắn.
Bài học chính mà tôi rút ra từ nghiên cứu của mình là bất kỳ kế hoạch chuyển giao nào cũng cần phải có một lực lượng quân sự nhỏ của Mỹ được để lại ở nước sở tại để ngăn chặn quân nổi dậy cố gắng giành lấy lợi thế quân sự. Năm 1973, Ngoại trưởng Henry Kissinger khi đó đã đàm phán một hiệp định hòa bình với Bắc Việt Nam, bao gồm nhiều điều khoản, nhưng không có một điều khoản nào cho một lực lượng quân sự còn giữ lại của Mỹ. Ông ấy đã phải thừa nhận rằng đây là sai lầm nghiêm trọng của mình. Không có được điều khoản đó, miền Nam Việt Nam đã thất thủ trong hai năm ngắn ngủi.
Để tìm cách bù đắp cho điều đó, khuyến nghị gần như được nhất trí gửi tới Tổng thống Biden, từ toàn bộ Lầu Năm Góc về Afghanistan, là cung cấp một lực lượng quân sự Mỹ để ở lại nước sở tại, sau khi đã đạt được bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào. Nhưng Biden đã phớt lờ lời khuyên này, và sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ ở Afghanistan trước phe nổi dậy Taliban vào năm ngoái vẫn còn gây sửng sốt.
Sau khi suy ngẫm kỹ hơn, tôi không chắc rằng lực lượng còn lưu lại thực sự là bài học quan trọng cho những cuộc xung đột như vậy. Trong cuốn hồi ký của tôi, The Vietnam War from the Rear Echelon – “Chiến tranh Việt Nam từ hậu phương” (2011), tôi miễn cưỡng kết luận rằng ngay cả khi quân Mỹ còn lưu lại ở Việt Nam, Sài Gòn vẫn sẽ thất thủ.
Đúng hơn, thì bài học quan trọng đến từ cuộc chiến hiện nay ở Ukraine: đó là ý chí chiến đấu của những người bảo vệ quê hương của họ. Dù Mỹ hỗ trợ ở mức độ nào, ý chí chiến đấu này vẫn thiếu ở cả Nam Việt Nam và Afghanistan. Ở cả hai quốc gia, lợi thế về quân số của chính phủ áp đảo so với quân nổi dậy (ở Afghanistan là 10 chọi 1), không thể thay thế cho sự thiếu ý chí này của quân chính quyền địa phương. Đòn cuối cùng vào ý chí chiến đấu của cả hai quốc gia là do các nhà lãnh đạo quốc gia của họ, những người đã bỏ rơi đồng bào của họ trong cuộc tấn công cuối cùng của quân nổi dậy. Cả hai tổng thống – Nguyễn Văn Thiệu ở Việt Nam và Ashraf Ghani ở Afghanistan – đã bỏ trốn trong hai tuần cuối cùng của chế độ họ; và, trong cả hai trường hợp, quân đội của họ chỉ đơn giản là tan rã.
Ngược lại, Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine, luôn thể hiện hình ảnh mạnh mẽ trong chiếc áo phông quân đội, là một sự hiện diện hàng ngày đầy cảm hứng, liên tục khích lệ tinh thần của đồng bào ông. Ông đã trở thành Winston Churchill của thế kỷ XXI. Được truyền cảm hứng từ ông và tình yêu quê hương sâu sắc của họ, các lực lượng Ukraine đông đảo hơn cả về quân số và trang thiết bị, đang gây ra những tổn thất nặng nề cho quân đội Nga ngày càng mất tinh thần. Việc trang thiết bị vũ khí chủ yếu được Mỹ cung cấp tràn vào Ukraine chắc chắn có ích, nhưng không gì có thể thay thế được lòng nhiệt thành từ ý chí chiến đấu của người Ukraine. Vì vậy, trong sự ủng hộ tiếp tục của chúng ta đối với việc bảo tồn một Ukraine tự do và độc lập, không có là thừa cả.