Ủy ban LHQ nêu quan ngại về tình hình vi phạm quyền trẻ em ở Việt Nam
05/10/2022

Uỷ ban Quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc vừa ra một kết luận trong đó nêu những quan ngại về việc thực thi quyền trẻ em của Việt Nam, đồng thời khẩn thiết yêu cầu nhà chức trách áp dụng ngay các biện pháp khẩn cấp, thành lập một cơ quan giám sát độc lập để ngăn chặn hành vi vi phạm quyền trẻ em.
Ngày 29/9/2022 Uỷ ban Quyền Trẻ em của LHQ (UNCRC) công bố kết luận dài 17 trang đề ngày 19/9/2022 nói rằng họ quan ngại về tình trạng phân biệt đối xử, sử dụng lao động trẻ em, sự chênh lệch trong việc thụ hưởng các quyền trẻ em trong các hoàn cảnh dễ bị tổn thương, bao gồm cả việc tiếp cận với dịch vụ y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội.
Kết luận của ủy ban nhấn mạnh họ “quan ngại sâu sắc đến các bộ luật, bao gồm Bộ luật Hình sự và Luật an ninh mạng và nghị định xử lý vi phạm hành chính hạn chế quyền tự do ngôn luận của trẻ em, kể cả trên mạng xã hội”.
Ủy ban cũng rất lo ngại về chất lượng giáo dục kém và chênh lệch về kết quả giáo dục giữa các vùng và các nhóm dân tộc thiểu số; việc hạn chế tiếp cận với giáo dục hòa nhập có chất lượng cho trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo, trẻ em thuộc các nhóm dân tộc thiểu số hoặc tôn giáo hoặc các nhóm bản địa và trẻ em di cư.
Ngoài ra, Uỷ ban còn bày tỏ “mối quan tâm sâu sắc” về môi trường mà các tổ chức xã hội dân sự và các người bảo vệ nhân quyền, bao gồm người bảo vệ quyền trẻ em, phải đối mặt ở Việt Nam.
CRC đề xuất hàng loạt các biện pháp, trong đó có việc xem xét lại các điều luật của Việt Nam, bao gồm Luật Hình sự và Luật Tố tụng Hình sự, để phù hợp với Công ước LHQ về Quyền Trẻ em năm 1989, mà Việt Nam là một trong những quốc gia thành viên đầu tiên đã phê chuẩn.

Uỷ ban này “hối thúc quốc gia thành viên [Việt Nam] nhanh chóng thiết lập một cơ chế độc lập để giám sát quyền của trẻ em phù hợp cách đầy đủ với các nguyên tắc liên quan đến tình trạng của các định chế quốc gia nhằm phát huy và bảo vệ nhân quyền (các Nguyên tắc Paris) và có khả năng tiếp nhận, điều tra và giải quyết các khiếu nại bởi trẻ em một cách thân thiện với trẻ em”.
VOA cố gắng liên lạc Bộ Ngoại giao và Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneve và đề nghị cho ý kiến về kết luận này của CRC, nhưng chưa được phản hồi.
Khi diễn ra phiên rà soát của CRC về quyền trẻ em Việt Nam hôm 12 và 13/9, trong đó có một phái đoàn Việt Nam tham dự, bao gồm Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương và Xã hội Nguyễn Thị Hà và Đại sứ Việt Nam tại Geneva Lê Thị Tuyết Mai, truyền thông Việt Nam loan tin rằng Ủy ban CRC “hoan nghênh thành tựu của Việt Nam, thể hiện qua quá trình xây dựng luật pháp, xây dựng chính sách cũng như các biện pháp bảo vệ quyền trẻ em”.
Bà Hà nói rằng Việt Nam “sẵn sàng hợp tác với các nước, các cơ quan Liên Hợp Quốc trong quá trình triển khai các khuyến nghị, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong tiến trình này”.
Theo dõi Nhân quyền: Việt Nam sẽ là “nhân tố phá hoại” nếu được bầu vào Hội đồng Nhân quyền!
RFA
2022.10.05

gày 3/10, ba tổ chức nhân quyền công bố một báo cáo chung kêu gọi các quốc gia thành viên của Liên Hiệp quốc (LHQ) không bầu Việt Nam và bốn quốc gia độc tài khác vào Hội đồng Nhân quyền.
Ba tổ chức Quan sát Liên Hiệp quốc (UN Watch), Quỹ Nhân quyền (Human Rights Foundation) và Trung tâm Raoul Wallenberg về Quyền con người (Raoul Wallenberg Center for Human Rights) khẳng định, Việt Nam không xứng đáng được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ vì hồ sơ nhân quyền tồi tệ của mình cũng như những lá phiếu của họ trong các nghị quyết liên quan đến nhân quyền.
Báo cáo được công bố trong cuộc họp báo gần trụ sở của LHQ ở New York (Hoa Kỳ) hôm thứ hai vừa qua, tám ngày trước khi Đại Hội đồng LHQ bỏ phiếu.
Là một người theo dõi tình hình nhân quyền Việt Nam rất chặt chẽ, ông Phil Robertson- Phó Giám đốc Phân ban Châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nhận xét qua email:
“Không ai nghi ngờ rằng Việt Nam sẽ là một nan đề, có ảnh hưởng tiêu cực lớn đến Hội đồng Nhân quyền nếu được bầu vào nhiệm kỳ 2023-2025.
Thực tế, ở mọi cơ hội, Việt Nam không ngần ngại tỏ ra khinh thường luật nhân quyền quốc tế nên nếu họ được bầu, rất có thể họ sẽ tìm cách phá hoại các hành động có ý nghĩa của Hội đồng Nhân quyền.
Với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam có thể sẽ tham gia nhóm các quốc gia như Trung Quốc, Syria, Eritrea, Triều Tiên, Venezuela… để liên tục phản đối các nghị quyết của tổ chức này về một số quốc gia và tìm cách phá hoại công việc của Hội đồng.”
Một nhà hoạt động nhân quyền ở Hà Nội nói trong điều kiện ẩn danh rằng, “nếu Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ kỳ tới thì cũng sẽ không có tác động gì đến tình hình nhân quyền trong nước, khác với kỳ trước đã có một số động thái mở cửa cho xã hội dân sự.”
Trả lời câu hỏi liệu Việt Nam có xứng đáng trở thành thành viên của tổ chức có sứ mệnh thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới, người này khẳng định “so với tiêu chí ‘ủng hộ các chuẩn mực nhân quyền ở mức cao nhất’ như trong Nghị quyết thành lập Hội đồng Nhân quyền LHQ thì không nhưng nếu so tương quan các thành viên khác thì có.”
Theo báo cáo của ba tổ chức nhân quyền, Bộ luật Hình sự của Việt Nam nghiêm cấm phát ngôn chỉ trích chính phủ và nhà nước kiểm soát tất cả các phương tiện truyền thông. Chính phủ có hoạt động bắt bớ và đàn áp các nhà báo và blogger độc lập.
Báo cáo dẫn thống kê của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) cho biết, có khoảng 40 nhà báo hiện đang bị bỏ tù ở Việt Nam, quốc gia được mô tả là “nhà tù lớn thứ ba thế giới dành cho các nhà báo,” sau Trung Quốc và Myanmar.
Ngoài ra, Luật An ninh mạng có hiệu lực vào năm 2019 hạn chế quyền tự do Internet và vi phạm quyền riêng tư bằng cách yêu cầu các công ty như Google và Facebook lưu giữ thông tin về người dùng Việt Nam và chặn quyền truy cập vào một số nội dung nhất định.
Báo cáo được công bố trực tuyến khẳng định Chính phủ Việt Nam tiến hành giám sát trực tuyến công dân của mình. Quân đội có một đơn vị đặc biệt gồm 10.000 lính không gian mạng (Lực lượng 47) nhằm thúc đẩy đường lối của đảng và tấn công những người bất đồng chính kiến trên mạng.
Ông Phil Robertson từ Bangkok nhận xét thẳng thắn cho hay, trong mọi khía cạnh của hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, nó thể hiện rõ ràng rằng đây là “một chính phủ sẽ có vấn đề lớn nếu nó được bầu vào Hội đồng.” Ông khẳng định:
“Trong vài năm gần đây, các nhà lãnh đạo Hà Nội đã thúc đẩy các nỗ lực nhằm giam cầm hầu hết người bảo vệ nhân quyền và bất đồng chính kiến trong cả nước.
Việt Nam cũng đang thúc đẩy hành động pháp lý để hạn chế biểu đạt trực tuyến theo những cách có thể hình sự hóa hiệu quả và buộc gỡ bỏ tất cả nội dung trực tuyến chỉ trích chính phủ.
Việc sử dụng hình phạt tử hình tràn lan, điều kiện nhà tù tàn bạo và những cái chết trong nhà giam giữ xảy ra thường xuyên mà không bị trừng phạt.”
Ba tổ chức nhân quyền nhắc lại, việc quốc gia độc đảng này từng tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 nhưng không đóng góp được gì cho nhân quyền trên thế giới, trái lại Hà Nội phản đối các nghị quyết lên tiếng cho các nạn nhân nhân quyền ở Belarus và Iran và không ủng hộ các nghị quyết ủng hộ các nạn nhân của đàn áp nhân quyền ở Burundi và Syria.
Tại Đại Hội đồng LHQ, Việt Nam bỏ phiếu phản đối các nghị quyết lên tiếng cho các nạn nhân của đàn áp nhân quyền ở Iran và Gruzia và không ủng hộ các nghị quyết nhân danh nạn nhân ở Crimea và Syria, báo cáo nhấn mạnh.
Việt Nam cũng ủng hộ các nghị quyết phản tác dụng làm suy yếu quyền con người của cá nhân bằng cách nâng cao các quyền mơ hồ và không xác định như “quyền phát triển” và “quyền hòa bình” lên trên các quyền con người phổ quát, che chắn cho những kẻ vi phạm nhân quyền thông qua một nghị quyết từ chối quyền xử phạt các chế độ như vậy và không ủng hộ một nghị quyết về trách nhiệm ngăn chặn nạn diệt chủng.
Quan sát Liên Hiệp quốc (UN Watch) là tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Geneva (Thuỵ Sĩ), Quỹ Nhân quyền (Human Rights Foundation) có trụ ở ở New York, còn Trung tâm Raoul Wallenberg về Quyền con người (Raoul Wallenberg Center for Human Rights) có trụ sở ở Montreal (Canada).
Lời kêu gọi của ba tổ chức phi chính phủ trên nối tiếp nhiều lời phản đối việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Trong tháng tư vừa qua, một liên minh gồm 8 tổ chức từ trong và ngoài Việt Nam – trong đó có Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, Người Bảo vệ Nhân quyền, Đại Việt Quốc dân Đảng và Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam – đã gửi một bức thư ngỏ tới LHQ để kêu gọi tổ chức này không chấp nhận Việt Nam là thành viên trong nhiệm kỳ tới vì cho rằng nhà nước Việt Nam hiện nay “không xứng đáng” do có hồ sơ nhân quyền tồi tệ và nhất là sau khi quyết định ủng hộ Nga, nước đang bị thế giới lên án vì cuộc xâm lược ở Ukraine.
Vào ngày 14/9, 52 khôi nguyên của Giải Môi trường Goldman đã gửi thư đến Hội đồng Nhân quyền LHQ, thúc giục tổ chức này từ chối Việt Nam làm thành viên của Hội đồng trong nhiệm kỳ 2023-2025.