
Trong bối cảnh cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, câu hỏi về số phận của dòng sông đã được thấm nhuần trong một chiến lược hiện tại.
THE DIPLOMAT by Sebastian Strangio – October 04, 2022
Ba Sàm lược dịch
Trong những năm gần đây, số phận của con sông lớn ở Đông Nam Á – Mekong – đã thu hút mối quan tâm ngày càng tăng của quốc tế. Sông Mekong phải đối mặt với nhiều thách thức, từ tác động của biến đổi khí hậu và xâm lấn mặn tại vùng đồng bằng châu thổ của nó, cho đến việc phát triển các đập trên đầu nguồn của con sông, bên trong Trung Quốc. Tất cả những lo ngại này đã được khuếch đại bởi cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nó thấm đẫm trong câu hỏi về tương lai của Mekong với một chiến lược hiện tại.
Ming Li Yong, một thành viên tại Trung tâm Đông Tây (East-West Center), người đã nghiên cứu về quản lý nước xuyên biên giới và phát triển thủy điện ở lưu vực sông Mekong, đã nói chuyện với tạp chí The Diplomat về những so sánh giữa sông Mekong và Biển Đông, các tác động và những mối quan hệ mật thiết của sự phát triển thủy điện ở thượng nguồn tại Trung Quốc và tương lai của quản trị xuyên biên giới đối với dòng sông và các nguồn tài nguyên của nó.
Trong thời gian gần đây, việc so sánh sông Mekong với Biển Đông đã trở thành mốt, như một tâm điểm bùng cháy mang tính chiến lược tiềm tàng giữa Trung Quốc với các đối thủ và địch thủ khác nhau của nó. Ông có thấy đây là một so sánh có giá trị?
Đây không hẳn là một so sánh có giá trị, mặc dù có vẻ như vai trò của Trung Quốc trong việc thúc đẩy các cuộc tranh chấp xung quanh sông Mekong và Biển Đông thoạt nhìn có thể tương tự nhau. Khi so sánh như vậy, Trung Quốc được cho là đang khẳng định quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng để đạt được lợi thế địa chính trị và địa kinh tế trong khu vực: tài nguyên dầu khí không tái tạo và các tuyến giao thông quan trọng ở Biển Đông và đầu nguồn của Lưu vực Sông Mekong. Căng thẳng phát sinh từ lĩnh vực này cũng có thể lan sang lĩnh vực khác, do đó những lo ngại dấy lên về những vấn đề này trở thành điểm nóng chiến lược tiềm năng, trong bối cảnh rộng lớn hơn của quan hệ Trung Quốc-Đông Nam Á.
Tuy nhiên, tranh chấp Biển Đông về cơ bản được thúc đẩy bởi các yêu sách lãnh thổ mang tính cạnh tranh và đi kèm với quân sự hóa và nguy cơ xung đột quân sự, và do đó gắn liền với các mối đe dọa an ninh truyền thống đối với chủ quyền quốc gia. Ngược lại, các cuộc tranh cãi đối với sông Mekong đang diễn ra là về việc sử dụng không công bằng các nguồn nước của con sông, đặc biệt liên quan đến các đối tượng sử dụng nước ở thượng nguồn và hạ lưu, hầu như không liên quan đến xung đột quân sự và gắn liền với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, trong mối liên quan đến nước và an ninh lương thực.
Mối quan hệ giữa các quốc gia với nhau trong trường hợp sông Mekong cũng được đặc trưng bởi sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực và sự công nhận các quyền chủ quyền để theo đuổi phát triển kinh tế, thay vì xung đột. Ví dụ, hợp tác về tài nguyên nước ở hạ lưu sông Mekong đã được thực hiện thông qua Ủy hội sông Mekong (MRC) liên chính phủ, và thông qua các khuôn khổ khác nhau trong khu vực.
Ngay cả khi việc phát triển thủy điện đã làm nổi bật những lo ngại xung quanh vấn đề sử dụng không công bằng các nguồn nước của sông, điều này phải được bối cảnh hóa trong các động lực rộng lớn hơn của thương mại năng lượng xuyên biên giới, thông qua phát triển lưới điện khu vực, được các chính phủ khu vực Mekong coi là một cách nhằm cải thiện an ninh năng lượng, kết nối cơ sở hạ tầng và hợp tác kinh tế trong khu vực.
Các quan chức Mỹ và Nhật Bản (lặng lẽ hơn) đang ngày càng nhấn mạnh những thiệt hại do các dự án xây dựng đập ở thượng nguồn của Trung Quốc gây ra, đồng thời nêu bật một loạt các sáng kiến tại Mekong nhằm cạnh tranh với cơ chế Hợp tác Mekong Lan Thương do Trung Quốc hậu thuẫn. Ông có thể mô tả cho độc giả của chúng tôi về cách các quốc gia hạ lưu sông Mekong đã xử lý mối quan tâm ngày càng tăng đối với khu vực này như thế nào không?
Nhìn chung, các quốc gia hạ lưu sông Mekong và MRC đã tương đối hạn chế những lời chỉ trích đối với Trung Quốc. Trong đợt hạn hán năm 2016, Trung Quốc đã đồng ý với yêu cầu của Việt Nam là xả nước từ các con đập trên đoạn sông Mekong, và Việt Nam đã công khai bày tỏ lòng biết ơn của mình trước cử chỉ này. Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam đều có lợi ích trong các dự án phát triển nguồn nước, hoặc các đập thủy điện hiện có hoặc đã lên kế hoạch, trên dòng chính sông Mekong và các nhánh của nó, và có khả năng nhận thức được rằng những chỉ trích của họ về phát triển nguồn nước ở những nơi khác trong lưu vực có thể có tác động tiêu cực đến các kế hoạch tương lai của chính họ đối với vùng nước của con sông.
Các quốc gia hạ lưu sông Mekong và MRC đã giải quyết phần lớn vấn đề này thông qua nỗ lực thu hút sự tham gia của Trung Quốc trong việc chia sẻ dữ liệu tốt hơn để cải thiện hợp tác tài nguyên nước. Cũng cần lưu ý rằng đợt hạn hán kéo dài xảy ra ở khu vực sông Mekong từ năm 2019 đến năm 2022, cùng với những chỉ trích trong nước về các đập của Trung Quốc, đặc biệt là trong trường hợp của Thái Lan, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc gia tăng những mối lo ngại này.
Vào tháng 1 năm 2020, Văn phòng Tài nguyên nước Tự nhiên (ONWR) của Thái Lan cho biết họ sẽ coi việc đưa ra những quan ngại của cộng đồng MRC về những biến động của mực nước và việc thiếu thông báo kịp thời liên quan đến các hoạt động tích và xả nước từ các đập của Trung Quốc là “ưu tiên hàng đầu”. ONWR cũng kêu gọi việc trao đổi dữ liệu phải được cải thiện và kịp thời từ Trung Quốc và Lào, đồng thời để các trao đổi thông tin này được chính thức hóa trong dài hạn.
Trong bối cảnh sự chú ý ngày càng tăng từ nhiều phía đối với những tác động tiêu cực của các đập nước trên Lan Thương (đoạn Mekong tại Trung Quốc), vào tháng 10 năm 2020, Trung Quốc đã đồng ý chia sẻ dữ liệu quanh năm từ hai trạm thủy văn với MRC, vốn được Giám đốc điều hành MRC lúc bấy giờ là Pich Hatda ca ngợi, coi đó như là “một bước ngoặt trong lịch sử hợp tác Trung Quốc-MRC”. Trước đây, chỉ có dữ liệu về mùa mưa được chia sẻ. Tuy nhiên, những lo ngại về tính minh bạch và kịp thời của dữ liệu liên quan đến hoạt động đập của Trung Quốc thì vẫn còn.
Trung Quốc đã phản ứng như thế nào trước những tuyên bố về những tác động mà việc xây dựng đập của họ đang gây ra đối với các quốc gia ở hạ nguồn, và ông có thấy dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng tham gia đối thoại thực sự về những vấn đề này với các quốc gia ở hạ nguồn không?
Mức độ tích trữ nước trong các con đập của Trung Quốc, vốn đã làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán kéo dài từ lâu và cả gần đây ở khu vực sông Mekong, vẫn còn là một lĩnh vực gây tranh cãi và không chắc chắn, điều này một lần nữa phản ánh áp lực cho tính minh bạch hơn nữa xung quanh các hoạt động xây dựng đập của Trung Quốc. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn khẳng định rằng các con đập của họ có lợi cho các nước hạ lưu sông Mê Công, do tác động “điều tiết” của chúng sẽ làm giảm lũ lụt trong mùa mưa và tăng lượng nước sẵn có trong thời gian hạn hán và mùa khô, cải thiện giao thông thủy và thương mại dọc con sông.
Không có khả năng Trung Quốc sẽ thay đổi cách diễn giải của mình về vấn đề này, với các bài báo gần đây trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã chống lại “một đợt đánh đập (bashing) các trạm thủy điện của Trung Quốc” từ “các phương tiện truyền thông phương Tây”. Thay vào đó, họ đã nhắc lại bản chất có lợi của các đập thủy điện, lưu ý rằng nghiên cứu từ Đại học Thanh Hoa đã phát hiện ra rằng đập thủy điện trên sông Lan Thương đã giúp gia tăng dòng chảy trong mùa khô, và nhấn mạnh rằng Trung Quốc là một nước láng giềng tốt với các quốc gia ở hạ nguồn.
Như đã đề cập ở trên, hợp tác giữa Trung Quốc và các quốc gia hạ lưu sông Mekong có khả năng diễn ra trong lĩnh vực chia sẻ dữ liệu và hợp tác kỹ thuật để quản lý những vấn đề này, mặc dù vẫn còn nhiều bất ổn về mức độ mà Trung Quốc sẽ sẵn sàng tham gia một cách có ý nghĩa, vào việc chia sẻ dữ liệu kịp thời về các hoạt động của đập nước. Vấn đề khả thi là một số tiến bộ có thể đạt được vì hợp tác kỹ thuật đôi khi có thể cung cấp một không gian phi chính trị hữu ích, để tham gia vào các cuộc thảo luận, nhưng điều này không có khả năng thay đổi các luận điểm chủ đạo mà chính phủ Trung Quốc tán thành.
Tuy nhiên, khi phân tích những vấn đề này trong tương lai, cần phải thừa nhận rằng “Trung Quốc” không phải là một thực thể nguyên khối và những vấn đề này không thể chỉ được nhìn nhận qua lăng kính cạnh tranh địa chính trị chiến lược. Thay vào đó, những phát triển này cũng cần được bối cảnh hóa trong các mối quan hệ và ưu tiên hiện có giữa chính phủ quốc gia Trung Quốc, chính quyền cấp tỉnh và địa phương, các doanh nghiệp nhà nước và ngành năng lượng ở Trung Quốc.
Một điều có thể xảy ra, song song với các tranh chấp Biển Đông, là trên thực tế các quốc gia Đông Nam Á không đoàn kết trong cách tiếp cận sông Mekong. Điều này không chỉ đúng với các quốc gia hàng hải, những nước không quan tâm trực tiếp đến số phận của dòng sông và các nguồn tài nguyên của nó, mà còn đúng với chính các quốc gia Đông Nam Á lục địa. Ông có thấy dấu hiệu nào về việc bốn quốc gia hạ nguồn (năm quốc gia nếu tính cả Myanmar) đang tìm cách nói chung một tiếng nói về các vấn đề liên quan đến việc bảo tồn sông Mekong không?
Đây là một điểm có giá trị và thú vị. Thật không may, trong trường hợp của lưu vực sông Mekong, các chính phủ thường ưu tiên phát triển kinh tế song song với phát triển tài nguyên nước hơn là bảo tồn sinh thái của dòng sông. Điều này không có nghĩa là các chính phủ Mekong đã không quan tâm đến các tác động sinh thái của việc phát triển thủy điện trên sông. Dựa trên nghiên cứu của tôi ở Thái Lan và Campuchia, các cơ quan chính phủ phụ trách về thủy sản và tài nguyên nước đã thực sự quan tâm đến những tác động này, nhưng những mối quan tâm này thường bị các cơ quan có quyền lực hơn, có thu nhập cao hơn, như các bộ năng lượng và các cơ quan khác của nhà nước, không thèm đếm xỉa đến.
Mỗi chính phủ đều có những khuyến khích về kinh tế trong việc phát triển các đập thủy điện trên sông Mê Kông, và mạng lưới lợi ích phức tạp này vượt ra ngoài tầm nhìn chung. Phát triển thủy điện là một trụ cột kinh tế cốt lõi trong các kế hoạch phát triển của Chính phủ Lào; Thái Lan, Campuchia và Việt Nam là khách hàng mua thủy điện của Lào và đã xây dựng các đập trên các nhánh sông Mekong; các công ty Thái Lan và Việt Nam là nhà đầu tư vào các đập thủy điện của Lào; và Campuchia dường như đã hồi sinh các kế hoạch xây dựng một con đập lớn trên dòng chính sông Mekong. Phát triển cơ sở hạ tầng tác động đến sông Mekong cũng diễn ra trên các lĩnh vực khác nhau ngoài năng lượng, chẳng hạn như nông nghiệp và phát triển đô thị.
Thay vào đó, chính các cộng đồng ven sông và xã hội dân sự ở Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đã có tiếng nói mạnh mẽ nhất kêu gọi bảo tồn các hệ sinh thái có giá trị của sông Mekong, đặc biệt vì lợi ích của hàng triệu người sống dựa vào dòng sông cho lối sống, sinh kế và an ninh lương thực. Tuy nhiên, với mức độ rộng lớn của các hiện tượng được tường thuật và các quan điểm hình thành nên liên minh xã hội dân sự phản đối việc phát triển thủy điện dọc sông Mekong, họ vẫn có thể tạo ra một câu chuyện phản bác mạnh mẽ, thách thức tính khả thi và tính bền vững của phát triển thủy điện.
Cho đến gần đây, tổ chức xuyên quốc gia chính yếu quản lý các vấn đề xuyên biên giới liên quan đến sông Mekong là Ủy hội sông Mekong (MRC). Ông đánh giá thế nào về thành công của MRC trong việc quản lý những vấn đề đó cho đến thời điểm này? Nền tảng Hợp tác Mekong Lan Thương (LMC) do Trung Quốc hậu thuẫn khác với MRC ở điểm nào?
Tôi có thể nói rằng MRC đã có thành tích không đồng đều trong việc quản lý những vấn đề này. Tốc độ phát triển thủy điện có hại ngày càng gia tăng, thường được cho là do MRC thiếu hiệu quả trong việc quản lý các vấn đề xuyên biên giới. Điều này một phần là do một số hạn chế xung quanh Hiệp định Mekong 1995. Thứ nhất, Trung Quốc không phải là thành viên của MRC. Thứ hai, các nước thành viên không thể phủ quyết các dự án phát triển được đề xuất. Thứ ba, các thủ tục tham vấn chỉ áp dụng cho các dự án trên dòng chính của sông chứ không phải trên cả các phụ lưu của nó. Cuối cùng, con sông được đơn giản hóa thành một nguồn nước, không tính đến các hệ sinh thái phức tạp của nó.
Tuy nhiên, MRC, với sự hình thành dựa trên các quy tắc tạo ra một số nghĩa vụ giữa nhà nước với nhà nước đối với việc sử dụng hợp lý và công bằng các nguồn nước của sông Mekong, vẫn cung cấp một khuôn khổ mạnh mẽ hơn so với LMC để quản lý phát triển tài nguyên nước. Điều này là do trong phạm vi LMC, việc quản lý tài nguyên nước chỉ tạo thành một trong nhiều khía cạnh hợp tác bao gồm các lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa.
MRC đã đóng một vai trò quan trọng như một nơi cung cấp kiến thức, và đôi khi đã tận dụng kiến thức chuyên môn khoa học này để tác động đến các kết quả quản lý nước. Ví dụ: Đánh giá môi trường chiến lược do MRC ủy quyền về thủy điện trên dòng chính Mekong, Báo cáo Nghiên cứu của Hội đồng MRC và các đánh giá kỹ thuật của MRC về những dự án đập thủy điện trên dòng chính được đề xuất đã đưa ra những thẩm định mang tính phê phán về phát triển thủy điện. Thông tin quan trọng cũng đã được phổ biến thông qua quá trình Tham vấn trước của MRC, được áp dụng cho các dự án đập được đề xuất trên dòng chính của sông.
Tuy nhiên, vẫn có những quan ngại dai dẳng, cho rằng phần lớn cộng đồng dân cư địa phương vẫn bị loại khỏi các quá trình tham vấn, rằng các quá trình này vẫn bị cản trở bởi các đánh giá tác động môi trường kém chất lượng, không tính toán được chính xác các tác động xuyên biên giới. Việc tập trung ngày càng nhiều vào việc làm nhẹ đi và vai trò theo dõi giám sát cũng có thể có nghĩa là MRC ngày càng không muốn thách thức tính khả thi cơ bản của các dự án cơ sở hạ tầng vốn gây thiệt hại về mặt sinh thái. Bên cạnh vấn đề phát triển thủy điện, MRC cũng có thể phải đối mặt với những thách thức trong việc giải quyết các vấn đề liên ngành khác (ví dụ như nông nghiệp, khai thác cát, hàng hải) có tác động đến quản lý tài nguyên nước, đặc biệt nếu chúng nằm ngoài mục tiêu của Hiệp định Mekong 1995.