3587. Putin có thể làm cho Ukraine tê liệt mà không cần sử dụng đến vũ khí hạt nhân

So sánh cuộc chiến hiện tại ở Ukraine với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 là một dạng lười suy nghĩ.

THE NATIONAL INTEREST by Leon Hadar – October 12, 2022

(Leon Hadar, một nhà báo và nhà phân tích các vấn đề toàn cầu tại Washington, là tác giả cuốn sách Sandstorm: Policy Failure in the Middle East).

Ba Sàm lược dịch

Phần lớn các cuộc thảo luận ở Washington và các thủ đô phương Tây trong những ngày gần đây tập trung vào việc Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, để đối phó với những thách thức đối với thứ mà ông ta cho là những lợi ích quốc gia cốt lõi của Moscow.

Tuy nhiên, khi suy ngẫm về bóng ma của việc Nga triển khai kho vũ khí hạt nhân, mà chúng ta được cảnh báo, có thể dẫn đến Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba lần thứ 2, chúng ta cần được nhắc nhở rằng một siêu cường toàn cầu có thể làm tê liệt một cường quốc cỡ nhỏ hoặc cỡ trung bình mà không cần sử dụng vũ khí hạt nhân. Chỉ cần sử dụng toàn bộ lực lượng vũ trang thông thường của mình ở Ukraine, Nga sẽ buộc Washington rơi vào tình thế bất lợi, tương tự như sau cuộc xâm lược Hungary của Liên Xô năm 1956, khi họ kết luận rằng việc cứu nạn nhân cuộc xâm lược của Moscow sẽ đòi hỏi sự can thiệp quân sự trực tiếp của Mỹ.

Trái ngược với ký ức lịch sử chung của chúng ta, cuộc tập kích bằng bom có ​​sức hủy diệt lớn nhất trong lịch sử nhân loại không phải là việc Hoa Kỳ cho nổ quả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản, mà là Cuộc oanh tạc Tokyo của Không quân Hoa Kỳ trong hai đêm tháng 3 năm 1945. Cuộc đột kích đó khiến khoảng 100.000 thường dân Nhật Bản thiệt mạng và hơn một triệu người vô gia cư. Để so sánh, vụ ném bom nguyên tử xuống Nagasaki đã dẫn đến cái chết của 40.000 đến 80.000 người.

Nhiều cuộc tấn công vào lực lượng quân sự cũng như dân thường trong Thế chiến II, bao gồm cả máy bay ném bom và tên lửa của Đức nhắm vào các thành phố của Anh, và cuộc ném bom tàn khốc vào Berlin, Dresden, và các trung tâm đô thị khác của Đức bởi không quân Mỹ và Anh, có sức công phá lớn hơn tác động có thể có của một quả bom hạt nhân chiến thuật.

Hoa Kỳ và các nước đồng minh đã thả hơn 7,5 triệu tấn bom xuống miền Bắc Việt Nam trong Chiến tranh Việt Nam. Trong khi đưa Hà Nội đến đàm phán hòa bình vào năm 1972, các cuộc ném bom của Mỹ lại đã thất bại trong mục tiêu khiến Bắc Việt phải phục tùng và gây ra đau khổ khủng khiếp cho dân thường.

Mặt khác, chiến dịch không kích do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thực hiện vào Nam Tư trong Chiến tranh Kosovo năm 1999, cũng như việc sử dụng tên lửa để tấn công Belgrade và Pristina, đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến đó và đã buộc nhà lãnh đạo của Nam Tư khi đó, Slobodan Milosevic, phải đồng ý với một thỏa thuận hòa bình, dẫn đến sự sụp đổ cuối cùng của ông ta.

Từ góc nhìn đó, tại sao Putin lại phải sử dụng vũ khí hạt nhân trước khi sử dụng toàn bộ lực lượng không quân của đất nước ông và các vũ khí thông thường khác, bao gồm cả tên lửa, để buộc nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelenskyy đồng ý với một thỏa thuận đảm bảo lợi ích của Nga?

Putin sẽ phải nhận ra rằng có thể việc ném bom Kyiv, Lviv và các trung tâm đô thị khác của Ukraine sẽ không thể khiến người Ukraine quỳ gối, giống như cách mà cuộc ném bom rải thảm của Mỹ vào Hà Nội đã không dẫn đến một sự đầu hàng hoàn toàn của người Bắc Việt.

Sự can đảm của người Ukraine trên chiến trường có thể khiến Putin cân nhắc khả năng họ sẵn sàng chiến đấu đến chết.

Hoặc có lẽ, giống như cách mà Milosevic của Serbia buộc phải phục tùng các yêu cầu của phương Tây, sau các cuộc tấn công gây mất tinh thần vào Belgrade và Pristina, Zelenskyy của Ukraine sẽ phải chịu áp lực từ người dân của mình để đạt được một thỏa thuận với ác quỷ Nga.

Rốt cuộc, việc người dân Ukraine tự sát quốc gia có thực sự hợp lý để ngăn chặn Nga chiếm đóng 4 tỉnh ở miền đông đất nước hay không?

Ukraine không sở hữu vũ khí hạt nhân, thứ có thể đe dọa một siêu cường toàn cầu như Nga. Ngay cả trong trường hợp xấu nhất theo quan điểm của Nga, các lực lượng Ukraine cũng sẽ không thể tiến vào Moscow và áp đặt một giải pháp chính trị với Điện Kremlin cho cuộc chiến đối. Câu hỏi duy nhất là liệu Ukraine có đủ khả năng quân sự và ý chí chính trị để buộc Putin rút khỏi các vùng lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng hay không.

Hơn nữa, việc sử dụng vũ khí hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 1945 là một đề xuất rủi ro có thể gây ra phản ứng quân sự của phương Tây, từ đó có thể gây ra một cuộc chiến tranh thế giới toàn diện và khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược, chưa kể đến việc biến toàn bộ cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ, quay sang chống lại Nga.

Các chuyên gia quân sự phương Tây đã tự đặt câu hỏi tại sao Nga, với hơn 1.500 chiến đấu cơ và kinh nghiệm dày dạn oanh tạc các mục tiêu ở Syria và Gruzia, lại không tận dụng được lợi thế lớn trước Ukraine về sức mạnh không quân trong cuộc giao tranh tại đây.

Một số nhà phân tích cho rằng việc Nga không giành được ưu thế trên không có thể phản ánh rằng họ thiếu kinh nghiệm trong việc sử dụng sức mạnh không quân như một công cụ chiến lược, hoặc nhiều khả năng không quân Nga đã kìm chế không sử dụng hết khả năng của mình.

Điểm mấu chốt là mặc dù các lực lượng Nga chắc chắn sẽ chịu nhiều thương vong nếu họ tiến hành các cuộc không kích quy mô lớn vào Ukraine, nhưng tổn thất cho Ukraine và dân thường của nước này sẽ rất lớn.

Putin đã ra lệnh thực hiện một loạt vụ tấn công tên lửa nhằm vào các thành phố trên khắp Ukraine để trả đũa vụ nổ tấn công một cây cầu quan trọng của Nga, mà ông gọi là “một cuộc tấn công khủng bố”. Loại cuộc tấn công trên không rộng rãi nhằm vào dân thường và cơ sở hạ tầng quan trọng này sẽ rất phù hợp với cách ứng xử của Nga ở Chechnya, Syria và Gruzia, vốn dựa trên việc sử dụng sức mạnh quân sự khổng lồ trong khi không tính đến tác động của nó đối với cuộc sống con người.

Nó chắc chắn sẽ là một sự nhạo báng đối với cam kết của Putin trong việc hội nhập những người anh em ở Ukraine vào đất mẹ Nga. Nhưng nó cũng sẽ khẳng định lại ưu thế quân sự của Nga so với Ukraine và khiến Zelenskyy không còn đường lui.

Tổng thống Joe Biden và các phụ tá của ông đã nói rõ với Moscow rằng, một cuộc tấn công của Nga nhằm vào các nước láng giềng là thành viên NATO sẽ kích hoạt một phản ứng quân sự trực tiếp, và đã gửi tín hiệu tới Điện Kremlin rằng việc sử dụng bom hạt nhân chiến thuật có thể sẽ khiến người Nga phải trả giá đắt.

Đồng thời, người Mỹ kêu gọi người Ukraine không tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Nhưng Điện Kremlin rõ ràng tin rằng cây cầu quan trọng nối Crimea và Nga bị tấn công tuần trước nằm trên lãnh thổ của họ.

Phản ứng của Mỹ sẽ ra sao nếu và khi Nga tiến hành một chiến dịch oanh kích lớn lớn trên không nhằm vào các trung tâm đô thị lớn, có thể dẫn đến số lượng thương vong dân sự ngày càng tăng, với những hình ảnh về cái chết và sự tàn phá gia tăng được phát hàng ngày trên màn hình tivi và internet?

Hãy nhớ lại rằng những hình ảnh tương tự về thương vong dân sự ở Bosnia và Kosovo đã buộc Tổng thống Bill Clinton khi đó phải mở rộng sự can thiệp quân sự của phương Tây vào các cuộc chiến ở Nam Tư cũ, một động thái mà ban đầu ông phản đối.

Áp lực tương tự có thể thúc đẩy Biden tiến tới can thiệp quân sự trực tiếp vào cuộc xung đột, để cứu mạng sống của thường dân Ukraine bằng cách thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine.

Nói cách khác, việc cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế hiện tại cho Ukraine, mà không cần triển khai quân đội Mỹ, có thể không khả thi về lâu dài nếu như không có dấu hiệu của một thỏa thuận ngoại giao nào trong tương lai.

Nhưng khi cuộc chiến ở Ukraine có nguy cơ mở rộng, với việc Ukraine tấn công các mục tiêu bên trong các khu vực do Nga sáp nhập, điều này có thể gây ra phản ứng quân sự tàn khốc hơn của Nga, Biden và các đồng minh NATO của ông có thể thấy mình ở một vị trí mà sự lựa chọn duy nhất dành cho họ, nếu họ muốn bảo vệ người dân Ukraine, là sự can thiệp quân sự trực tiếp vào cuộc chiến.

Nếu điều đó xảy ra, và Hoa Kỳ bắt đầu hứng chịu thương vong ở Ukraine và binh lính trở về Mỹ trong túi đựng xác, điều đó có thể có tác động lớn đến dư luận và Quốc hội, đặc biệt là vì sự leo thang này sau đó sẽ làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh thế giới liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Năm 1962, Liên Xô đặt ở Cuba vũ khí hạt nhân đe dọa lãnh thổ Hoa Kỳ và buộc Hoa Kỳ phải đáp trả bằng lời đe dọa trả đũa hạt nhân. Cuộc khủng hoảng kết thúc khi Liên Xô loại bỏ những vũ khí hạt nhân đó khỏi hòn đảo láng giềng và Hoa Kỳ cam kết rút vũ khí hạt nhân khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

 So sánh cuộc chiến hiện tại ở Ukraine với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 là một dạng lười suy nghĩ. Mỹ và các đồng minh không đe dọa Nga sử dụng vũ khí hạt nhân và khẳng định sẽ không can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến bằng cách sử dụng vũ khí thông thường.

Thật vậy, chính sách đó gợi lại phản ứng của phương Tây đối với cuộc xâm lược Hungary năm 1956 của Liên Xô, hoặc ở một mức độ nào đó, đối với chính sách của Mỹ sau cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô năm 1979, theo đó Hoa Kỳ hỗ trợ quân sự cho các chiến binh du kích ở đây. Trong cả hai trường hợp, rõ ràng là Hoa Kỳ sẽ không gây chiến với Nga, sử dụng vũ khí thông thường hoặc hạt nhân, để cứu người Hungary hoặc người Afghanistan.

Có thể chiến lược của Putin bây giờ là buộc chính quyền Biden, và trong quá trình này, Quốc hội và công chúng Mỹ, cũng như các đồng minh châu Âu của Hoa Kỳ, quyết định xem họ có sẵn sàng mạo hiểm đối đầu trực tiếp với Nga ở Ukraine hay không, hoặc lùi lại và bắt đầu gây áp lực để Ukraine thực hiện một thỏa thuận với Moscow.