
FOREIGN AFFAIRS by Gideon Rose – October 14, 2022
(GIDEON ROSE là thành viên xuất sắc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ và là tác giả cuốn How Wars End).
Ba Sàm lược dịch
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phản ứng trước những thất bại quân sự gần đây bằng sự thách thức. Sau những thành công của quân đội Ukraine vào mùa thu, Putin đã ra lệnh huy động gấp mấy trăm nghìn quân, tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý giả mạo ở các khu vực bị chiếm đóng để chính thức sáp nhập chúng vào Nga, đưa ra các mối đe dọa hạt nhân ngày càng rõ ràng và phát động một làn sóng tấn công tên lửa trên khắp Ukraine. Nhiều người cho rằng hành vi này là đặc điểm đáng sợ độc nhất của Putin và chế độ của ông ta, đồng thời cho rằng phương Tây nên buộc Ukraine nhượng bộ, kẻo cuộc chiến leo thang đến những cấp độ tàn sát và tàn phá mới đáng sợ hơn.
Đó sẽ là một sai lầm. Đầu cuộc chiến, nỗ lực của Moscow bị cản trở bởi sự thiếu hiểu biết, quá tự tin và lập kế hoạch tồi. Những vấn đề đó hầu như không phải là duy nhất đối với Nga, cũng đã đánh dấu nhiều sự can thiệp của Hoa Kỳ. Giờ đây, khi Moscow gặp khó khăn, sự tức giận của Điện Kremlin khi đối mặt với thất bại cũng trở nên quen thuộc, giống như cách chính quyền Nixon tiếp cận Chiến tranh Việt Nam cách đây nửa thế kỷ. Khi đó, diễu võ giương oai, ném bom và đe dọa bằng hạt nhân không có hiệu quả, và cuối cùng, Washington chấp nhận thực tế và rút khỏi cuộc xung đột. Ngày nay Moscow cũng có thể làm được như vậy.
Bất chấp những vấn đề mà bản thân phải đối mặt, Putin dường như nghĩ rằng nếu ông ta có thể tiếp tục cầm cự đến mùa đông, tất cả sẽ ổn. Những tân binh của ông sẽ trụ vững trên chiến trường, tốc độ hoạt động quân sự sẽ chậm lại, những lời đe dọa leo thang của ông sẽ khiến mọi người sợ hãi, và sự phản đối ở phương Tây đối với cuộc chiến sẽ gia tăng khi giá năng lượng lên cao và lạm phát gây đau đớn. Tất cả những điều này, ông ta hy vọng, sẽ tạo tiền đề cho một cuộc xung đột được đóng băng bền vững hoặc một thỏa thuận được thương thảo đủ thông thoáng để cho phép ông tuyên bố chiến thắng.
Tuy nhiên, kế hoạch này có thể bị thất bại, miễn là Washington và châu Âu có thể kiềm chế chống lại hành động bắt nạt của Nga và duy trì áp lực quân sự của Ukraine trên mặt trận. Các hoạt động thông thường liên tục có thể tiếp tục đẩy lùi các chiến tuyến của Nga và buộc Moscow phải chấp nhận phương án ít tồi tệ nhất – một thỏa thuận thương lượng nhằm khôi phục nguyên trạng lãnh thổ trước ngày 24 tháng Hai. Và một khi tình hình thực tế khiến cho Nga hiểu ra và việc dàn xếp như vậy có thể xảy ra, Washington nên làm việc với Kyiv và châu Âu để ngăn chặn giao tranh và kết thúc nó.
TRỞ LẠI MÙA HÈ 69’
Giống như trong cờ vua, chiến tranh có ba giai đoạn: khai cuộc, giữa cuộc và kết thúc. Đầu tiên, các bên giao chiến với nhau và triển khai lực lượng của mình. Giai đoạn hai, họ tìm cách giành chiến thắng. Và giai đoạn ba, họ giải quyết các chi tiết của kết cục. Sự chuyển đổi sang giai đoạn cuối của chiến tranh không phải là một sự kiện quân sự hay chính trị, mà là một sự kiện mang tính tâm lý. Nó liên quan đến sự công nhận của những người tin rằng cuộc xung đột bị mắc kẹt trong một thế bế tắc, hoặc có xu thế không thể thay đổi theo một hướng. Sự công nhận như vậy luôn khó đối với những người thua cuộc. Họ phải từ bỏ hy vọng chiến thắng, phải trải qua năm giai đoạn đau buồn nổi tiếng được bác sĩ tâm lý Elisabeth Kübler-Ross nêu ra: phủ nhận, giận dữ, thương lượng, trầm cảm và chấp nhận.
Người ta có thể thấy Điện Kremlin đang làm điều này trong thời gian thực ngay bây giờ, vì sự thành công của các chiến dịch của Ukraine đưa kết cục của cuộc chiến này đến gần hơn. Ví dụ, các mối đe dọa hạt nhân của Moscow vừa là một hình thức giận dữ cao độ vừa là một hình thức mặc cả ngầm (thương lượng). Tuy nhiên, cho dù những hành động thô bạo gây sốc và quá độ như vậy có thể xuất hiện lúc này, song không cần thiết phải gán nó vào một dạng tâm lý cá nhân bị xáo trộn chưa từng có, hoặc cho một bối cảnh quốc gia cụ thể. Hoa Kỳ đã hành xử tương tự khi đối đầu với thất bại ở Việt Nam trước khi rốt cục đã tự thoát khỏi vũng lầy của mình – vì Nga cũng có khả năng sẽ sẽ làm vậy trong tương lai, nếu tất cả các lựa chọn khác của họ thậm chí còn tồi tệ hơn.
Năm 1965, chính quyền của Tổng thống Lyndon Johnson đã tăng cường sự can dự của Hoa Kỳ vào Việt Nam để cứu đồng minh Nam Việt Nam của mình khỏi thất bại. Sự kết hợp giữa ném bom trên không và chiến đấu trên bộ tăng dần, theo họ nghĩ, sẽ thuyết phục Bắc Việt từ bỏ nỗ lực thống nhất đất nước và cho phép chế độ ở Sài Gòn tồn tại. Nhưng những người Cộng sản không chịu nhượng bộ, tỏ ra kiên cường và có khả năng hơn nhiều so với dự kiến, và Washington không có kế hoạch B. Năm 1968, không muốn rút lui nhưng nhận ra rằng người Mỹ không muốn leo thang nữa, Johnson bực bội tuyên bố rằng ông sẽ không tái tranh cử, giới hạn việc triển khai quân đội của Hoa Kỳ, hạn chế ném bom ở miền Bắc và chuyển vấn đề cho người kế nhiệm.
Những người thua cuộc trong chiến tranh trải qua năm giai đoạn đau buồn.
Richard Nixon vào Phòng Bầu dục vào tháng 1 năm 1969, cam kết thực hiện cùng một mục tiêu như người tiền nhiệm của ông – một thỏa thuận thương lượng đảm bảo một miền Nam Việt Nam nguyên vẹn và an toàn – nhưng biết rằng sự kiên nhẫn của Hoa Kỳ đối với cuộc chiến đang ngày càng giảm sút. Vì vậy, ông và cố vấn an ninh quốc gia của mình, Henry Kissinger, quyết định thử đưa Hà Nội vào bàn đàm phán với cây gậy và củ cà rốt. Như Chánh văn phòng Nhà Trắng H. R. Haldeman đã nói, Nixon muốn kết hợp các mối đe dọa vũ lực cực đoan với những lời hứa viện trợ xa hoa:
Với sự kết hợp của một lời cảnh báo mạnh mẽ cộng với sự hào phóng chưa từng có, ông ta chắc chắn rằng ông ta có thể buộc Bắc Việt Nam — cuối cùng —bước vào các cuộc đàm phán hòa bình đích thực.
Đe dọa là mấu chốt, và Nixon đã đặt ra một cụm từ cho lý thuyết của mình…. Ông ấy nói, ‘Tôi gọi nó là Thuyết Kẻ Điên, Bob ạ. Tôi muốn người Bắc Việt tin rằng tôi đã đạt đến mức có thể làm bất cứ điều gì để chấm dứt chiến tranh. Chúng ta sẽ chỉ nói với họ rằng, vì Chúa, quý vị biết là Nixon bị ám ảnh về chủ nghĩa cộng sản. Chúng tôi không thể kiềm chế ông ta khi ông ta tức giận – và ông ta đã chạm tay vào nút bấm hạt nhân – và bản thân Hồ Chí Minh sẽ có mặt ở Paris trong hai ngày nữa để cầu xin hòa bình’ ”.
Những nỗ lực áp chế trước đây của Hoa Kỳ đã không có kết quả vì chúng không được coi trọng đủ nghiêm túc. Nhưng thê đội mới có thể khiến đối thủ phải khuất phục bằng cách thể hiện sự dẻo dai của mình. Kissinger lệnh cho các nhân viên của mình lên kế hoạch cho một “đòn trừng phạt man rợ” chống lại kẻ thù, khi nói rằng, “Tôi không thể tin rằng một cường quốc hạng tư như Bắc Việt Nam lại không có điểm đột phá”. Vào mùa xuân năm 1969, Nhà Trắng cho phép các chiến dịch ném bom chưa từng có nhằm vào những khu vực Cộng sản ở Lào và Campuchia. Vào mùa hè, họ đe dọa các cuộc tấn công lớn trong tương lai. Và vào mùa thu, họ đã gửi các tốp tuần tra gồm những oanh tạc cơ B-52 trang bị vũ khí nhiệt hạch (*) trực chỉ Liên Xô nhằm làm Moscow hoảng sợ phải ghìm cương Hà Nội.
(*) Vụ hạt nhân tháng Mười: Kế hoạch bí mật của Richard Nixon nhằm đem tới hòa bình cho Việt Nam. “Vào buổi sáng ngày 27-10-1969, một phi đội 18 chiếc B-52 – những phi cơ ném bom chiến lược loại 8 động cơ tua-bin và sải cách dài 185 feet [khoảng 60m] – bắt đầu phóng đi từ miền tây Hoa Kỳ trực chỉ biên giới phía đông Liên Xô. Các phi công phải bay liên tục 18 giờ đồng hồ không nghỉ, lao như điên về hướng các mục tiêu với tốc độ 500 dặm giờ. Mỗi phi cơ mang một lượng vũ khí hạt nhân lớn gấp hàng trăm lần những gì đã xóa sạch hai thành phố Hiroshima và Nagasaki.”
Tuy nhiên, chiến lược đầu tiên này của Nixon đã thất bại, bởi vì những người Cộng sản chỉ đơn giản là chịu đựng được các đòn đánh và gọi là đó là hành động vô tội vạ của Washington. Nhận ra rằng quả thực việc thực hiện những lời đe dọa của mình sẽ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ đi hơn là tốt hơn, tổng thống đã chuyển hướng. Đến tháng 11, ông đã áp dụng một chiến lược giải thoát thứ hai, giảm dần sự can dự của quân đội Hoa Kỳ trong khi duy trì cam kết với chế độ hiện có ở Sài Gòn. Sau ba năm chiến tranh, một thỏa thuận đã xuất hiện cho phép Hoa Kỳ ra đi, nhận lại các tù nhân của mình và không chính thức phản bội một đồng minh. Tuy nhiên, chính hiệp định đó đã mở đường cho sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam hai năm sau đó.
TỪ VIỆT NAM ĐẾN UKRAINE
Ba bài học có thể được rút ra từ trang sử này cho những ai quan tâm đến việc đẩy đuổi một cường quốc hạt nhân ra khỏi đất nước của mình.
Bài học đầu tiên liên quan đến tầm quan trọng của chiến đấu thành công trên mặt đất. Người Mỹ thường cố gắng giành chiến thắng trong chiến tranh thông qua các biện pháp gián tiếp như trừng phạt, ném bom, hoặc đe dọa bằng các hành động tàn phá trong tương lai. Nhưng thực tế suy cho cùng thì chiến tranh được quyết định trên chiến trường. Kỹ năng quân sự và tình cảm mãnh liệt của những người Cộng sản Việt Nam đã giúp họ duy trì cuộc chiến chống lại kẻ thù mạnh hơn và cuối cùng đã dẫn họ tới chiến thắng. Điều tương tự đang xảy ra ở Ukraine hiện nay, khi các lực lượng Ukraine có kỹ năng chiến đấu cao và nhiệt huyết, đẩy người Nga rút lui trên từng cánh đồng, từng ngôi làng một. Nếu tiến trình đó trên mặt đất có thể tiếp tục, không có điều gì khác sẽ xảy ra, thì cuộc chiến sẽ kết thúc đúng lúc. Vì vậy, việc cho phép nó tiếp tục phải là ưu tiên cao nhất của Washington.
Bài học thứ hai là chống lại hành động bắt nạt. Việc đánh mất quyền lực không phải như bước đi êm ái vào giấc ngủ ngàn thu , đặc biệt là những quyền lực mạnh mà lại bị thất bại như một bất ngờ khó chịu. Do đó, người ta nên mong đợi Moscow sẽ chống lại số phận của mình vào lúc này, giống như Washington đã làm nửa thế kỷ trước. Những lời đe dọa leo thang ồn ào là một dấu hiệu của sự yếu kém, không phải là sức mạnh; nếu Nga có những lựa chọn tốt để thay đổi tình hình có lợi cho mình, thì nước này đã sử dụng chúng rồi. Do đó, Hoa Kỳ và châu Âu nên hầu như phớt lờ những lời đe dọa và khiêu khích của Nga, đồng thời tránh bị phân tâm khỏi nhiệm vụ chính của họ: giúp Ukraine giành chiến thắng trên thực địa.
Bài học thứ ba là tích hợp vũ lực và ngoại giao. Hoa Kỳ đã từng phải vật lộn để thực hiện điều này ở Hàn Quốc, như Kissinger đã lưu ý vào năm 1957: “Quyết định của chúng ta ngừng các hoạt động quân sự, ngoại trừ những hoạt động mang tính chất phòng thủ thuần túy, ngay từ khi bắt đầu các cuộc đàm phán đình chiến, đã phản ánh niềm tin của chúng ta rằng quá trình đàm phán đã hoạt động theo logic vốn có của riêng nó, độc lập với những áp lực quân sự phải gánh chịu,” ông viết. “Nhưng bằng cách ngừng các hoạt động quân sự, chúng ta đã bỏ đi mất áp lực để kéo Trung Quốc vào một cuộc dàn xếp; chúng ta đã tạo ra nỗi thất vọng sau hai năm đàm phán bất phân thắng bại.“
Những lời đe dọa leo thang ầm ĩ là một dấu hiệu của sự yếu kém, không phải là sức mạnh.
Trong giai đoạn sau của cuộc chiến tranh Việt Nam, cả hai bên đều tránh được sai lầm đó và không ngừng giao chiến trong khi đang đàm phán. Điều tương tự có thể sẽ xảy ra ở Ukraine, và vì vậy mọi người nên mong đợi cường độ của cuộc chiến sẽ tăng lên chứ không giảm khi các cuộc dàn xếp đến gần. Nga sẽ muốn che đậy sự rút lui của mình bằng một đợt bùng nổ bạo lực, để giải phóng cơn thịnh nộ khi thua cuộc và công khai chứng minh khả năng còn lại của mình. Hình mẫu này có thể được nhìn thấy trong phản ứng của Putin đối với việc Ukraine phá hủy Cầu qua eo biển Kerch, và các hành động tương tự sẽ tiếp nối những thành công trong tương lai của Ukraine. Nhưng một lần nữa, điều này không có gì mới. Hoa Kỳ thậm chí còn tồi tệ hơn với cái gọi là các cuộc ném bom trong dịp Giáng sinh vào Hà Nội và Hải Phòng tháng 12 năm 1972, những cuộc đánh phá có sức hủy hoại khủng khiếp nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh ở Việt Nam. (Như trợ lý của Kissinger, John Negroponte sẽ châm biếm, “Chúng ta đã ném bom khiến cho Bắc Việt Nam phải chấp nhận nhượng bộ của chúng ta”). Khi đó, những người Cộng sản không để hành vi như vậy của Mỹ làm chệch hướng các nỗ lực quân sự hoặc ngoại giao của họ, và giờ đây phương Tây cũng không nên để những hành động đó của Nga gây tác động tương tự.
Putin đang hướng theo các sa hoàng, không phải là Hitler. Đối với tất cả những mục đích chống thực dân của mình, tổng thống Nga đang chiến đấu để giành lại các tỉnh trong đế chế đã mất của đất nước ông. Khi các cuộc chiến tranh thuộc địa trở nên tồi tệ, các cường quốc cuối cùng đã cắt giảm tổn thất và rút về nước. Và giới tinh hoa đô thị biết sự khác biệt giữa vùng lõi và vùng ngoại vi. Các cuộc bỏ phiếu được sắp xếp trên lãnh thổ do Nga chiếm đóng vào tháng 9 là một nỗ lực tuyệt vọng nhằm tô vẽ một bề mặt đẹp đẽ cho thực tế xấu xí bên dưới. Nhưng ngay cả việc chính thức sáp nhập một thuộc địa vào lãnh thổ quốc gia của một cường quốc cũng không đảm bảo cho việc trú đóng thường xuyên; chỉ cần hỏi một Pied-Noir (thực dân da trắng trên lục địa đen) ở Algeria là rõ. Nếu Ukraine có thể duy trì đủ áp lực quân sự, vào một thời điểm nào đó, Nga sẽ bắt đầu tìm kiếm lối thoát và sự kết thúc cuộc chiến này sẽ bắt đầu một cách nghiêm túc. Sau đó, và không phải trước đó, những thỏa hiệp cần thiết không thể tránh khỏi đối với tất cả các bên sẽ xuất hiện trước mắt, và sự đánh đổi khó khăn sẽ phải được thực hiện.
Nga sẽ bị bầm dập nhưng không bị đánh đập, phải hạ mình nhưng không bị làm nhục. Giống như Nhà Trắng vào đầu những năm 1970, Điện Kremlin sẽ bị ám ảnh bởi việc duy trì ảnh hưởng và uy tín của mình ở trong và ngoài nước. Bất kỳ sự dàn xếp nào xuất hiện sẽ không phải là một hành động đầu hàng bắt nguồn từ sự sụp đổ, mà là một quyết định có chủ ý để rút lui nhằm ngăn chặn dòng chảy của máu, tài lực và vốn chính trị. Với việc Nga sẽ giữ lại được bao nhiêu quyền lực còn lại, thì một số mục tiêu của Ukraine, thậm chí là những mục tiêu lớn, sẽ phải đình hoãn. Điều tối thiểu cần được yêu cầu là quay trở lại các vị trí vào ngày 24 tháng 2, cho thấy rõ ràng rằng Moscow đã không giành được lợi ích về mặt lãnh thổ từ hành động gây hấn của mình. Những tiến triển lợi thế cho Nga ở đó có thể được hình thành sau này, trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như số phận của các khu vực bị chiếm đóng khác ở Donbas, tình trạng cuối cùng của Crimea, tội ác chiến tranh của Nga và các dàn xếp an ninh khu vực rộng lớn hơn.
PUTIN ĐANG LỪA GẠT?
Có mọi lý do để tin rằng Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Đe dọa làm như vậy rất có ý nghĩa. Nó khiến mọi người sợ hãi, gây lo lắng và thận trọng ở những người ủng hộ Ukraine, đồng thời thúc đẩy các cuộc đàm phán sớm để đối phó với nguy cơ sẽ mất tất cả. Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng hành động đe dọa đó sẽ đảo lộn các tính toán, mang lại ít lợi ích và nhiều phí tổn bổ sung, bao gồm bị trả đũa, nhận sự sỉ nhục và mất hỗ trợ quốc tế. Đây là lý do tại sao tất cả các mối đe dọa hạt nhân trước đó, kể từ năm 1945, đều không được thực hiện. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng được sử dụng, nó sẽ không cải thiện vị thế của Nga hoặc thay đổi kết quả.
Việc sử dụng vũ khí hạt nhân quy mô lớn — ví dụ, hạ gục một thành phố lớn bằng một quả bom khổng lồ — vẫn được đảm bảo an toàn trước nhiều loại hậu quả thảm khốc sẽ nhanh chóng xảy ra sau đó đối với Moscow. Do đó, các cách sử dụng ít có khả năng xảy ra nhất sẽ là loại vũ khí quy mô nhỏ hơn, liên quan đến các đầu đạn thuộc sản phẩm cấp thấp trong phổ hạt nhân chiến thuật, hoặc cho nổ trên các khu vực hoang vắng như một cú biểu dương sức mạnh hoặc chống lại các lực lượng Ukraine trong khi chiến đấu.
Mục đích của một cuộc thị uy hạt nhân là để thể hiện quyết tâm và ý định. Về bản chất là: “Mọi người hãy dừng lại, nếu không, lần tới chúng tôi sẽ mang đến ngày tận thế”. Những động thái như vậy đã được các nhà hoạch định chính sách ở nhiều nước xem xét nhiều lần và luôn bị bác bỏ, vì lý do chính đáng. Chính những hạn chế đã được đặt ra đối với cuộc thị uy, chẳng hạn như đánh vào vị trí xa xôi và ít thương vong, sẽ khiến nó không hiệu quả, cho thấy sự do dự nhiều hơn là quyết tâm. Nếu lần này kẻ ra tay sợ gặp rủi ro khi phải nỗ lực hết sức, thì tại sao lần sau anh ta sẽ bớt sợ hãi hơn?
Đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ trong chiến đấu, điều đó có thể hữu ích trong một số bối cảnh quân sự, chẳng hạn như tiêu diệt tàu sân bay trên biển, tiêu diệt một đội hình xe tăng lớn trên sa mạc hoặc chặn một lối đi quan trọng qua núi. Nhưng cuộc chiến ở Ukraine không có yếu tố nào trong số đó. Nó bao gồm các đơn vị tương đối nhỏ chiến đấu trong các khu vực gần trên lãnh thổ mà Nga hiện tuyên bố là của riêng mình. Việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trong những trường hợp như vậy sẽ không ảnh hưởng đến bức tranh chiến lược lớn hơn trong khi lại đầu độc chính những nơi mà Moscow được cho là đang cố gắng giải cứu.
Nằm trong một trong hai kịch bản này, sau vụ nổ, Ukraine sẽ vẫn trên đường đánh bại Nga trên thực địa, những người ủng hộ ở phương Tây sẽ càng quyết tâm tiếp tục ủng hộ và phủ nhận Moscow trước bất cứ điều gì giống như một chiến thắng, và sự ủng hộ của nước ngoài dành cho Nga sẽ biến mất. Việc sử dụng hạt nhân sẽ tự chuốc lấy thất bại — nó không phải là khúc dạo đầu cho cuộc chiến tranh nói chung hay là một hình mẫu để tuân theo, mà là một câu chuyện cảnh giác về sự thiếu thận trọng trong chiến lược.