3594. Hầu hết các nước ASEAN ủng hộ cuộc bỏ phiếu của LHQ lên án Nga sáp nhập lãnh thổ Ukraine, phản ánh phí tổn trong việc chống lại Moscow đang giảm dần

+ 7 trong số 10 quốc gia ASEAN đã bỏ phiếu lên án Nga tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong cuộc bỏ phiếu về ‘cái gọi là trưng cầu dân ý bất hợp pháp’ ở bốn khu vực Ukraine

+ Các nhà phân tích nhận định, sự ủng hộ của đa số ASEAN trong cuộc bỏ phiếu phản ánh ảnh hưởng đang suy yếu của Moscow trong khu vực, nhưng khối này có khả năng vẫn giữ cách tiếp cận ‘thực dụng’ với Nga

South China Morning Post byKimberly Lim – 17 Oct, 2022

Ba Sàm lược dịch

Các nhà phân tích nói rằng quyết định của đa số các quốc gia ASEAN ủng hộ cuộc bỏ phiếu của Liên hợp quốc, lên án vụ sáp nhập mới nhất lãnh thổ Ukraine của Nga, làm nổi bật ảnh hưởng đang suy yếu nhanh chóng của Moscow trong khu vực.

Sự suy giảm sức mạnh kinh tế của Moscow, cùng với mối bận tâm về các vấn đề an ninh gần quốc gia mình hơn, có nghĩa là 7 trong số 10 quốc gia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã không phải băn khoăn trước việc bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này.

Brunei, Campuchia, Malaysia, Philippines, Singapore và Indonesia nằm trong số 143 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ đề nghị vào tuần trước lên án “cái gọi là trưng cầu dân ý bất hợp pháp” của Nga đối với bốn khu vực bị chiếm đóng một phần ở Ukraine.

Cũng bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này là Myanmar, quốc gia được đại diện tại Liên Hợp Quốc bởi Kyaw Moe Tun, một phái viên không có sự hậu thuẫn của chính quyền cầm quyền của đất nước.

Dylan Loh, một giáo sư trợ lý về chính sách đối ngoại tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cho biết kết quả cho thấy thiệt hại đang giảm dần trong hành động công khai quở trách Nga.

“Tôi nghĩ rằng khi chiến tranh kéo dài và Nga bị mắc kẹt trong các vấn đề an ninh và kinh tế trầm trọng hơn do xung đột, phí tổn của việc chống lại Nga sẽ giảm đi và nó đang giảm dần,” Loh nói, đồng thời lưu ý rằng đất nước này “không hẳn là một cường quốc kinh tế ” trước cuộc xâm lược Ukraine ngày 24 tháng 2.

Ngoài quy mô kinh tế của mình, Nga cũng đang tụt hậu so với các cường quốc khác trong quan hệ thương mại với ASEAN.

Thương mại song phương với ASEAN chỉ đạt 18,2 tỷ USD, một con số nhỏ so với 644 tỷ USD với Trung Quốc và 292,4 tỷ USD với Mỹ.

Việc Lào và Việt Nam do Cộng sản cai trị phần nào được dự đoán sẽ bỏ phiếu trắng, vì các nước này cũng bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu của Liên hợp quốc được tổ chức vào tháng 3, vài tuần sau khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược.

Tuy nhiên, quyết định bỏ phiếu trắng của Thái Lan đã thu hút sự chế nhạo từ các nhà quan sát phương Tây vì Bangkok đã ủng hộ cuộc bỏ phiếu ngày 2/3.

Các nhà quan sát cho rằng quyết định bỏ phiếu trắng của vương quốc này có thể liên quan đến việc Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (Apec) mà Bangkok đăng cai vào tháng 11.

Các nhà phân tích tại châu Á, khi nói chuyện với báo này, đã cho biết việc coi nhẹ quyết định đó của Thái Lan với một lời giải thích duy nhất như vậy là “không thỏa đáng”, với viện dẫn các yếu tố khác ở trong nước, như tính hợp pháp của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đang bị lung lay.

TS. Frederick Kliem, một thành viên nghiên cứu và là giảng viên tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), cho rằng: “Thái Lan, cũng giống như tất cả các quốc gia ASEAN, có những lý do chiến lược nhiều mặt và rất phức tạp để hành xử và bỏ phiếu theo cách của nó”.

Đồng ý với ý kiến đó, Loh nói rằng mặc dù sự tham dự của Nga tại hội nghị thượng đỉnh Apec “chắc chắn là một yếu tố”, nhưng đó không phải là lý do duy nhất khiến Thái Lan kiềm chế không làm trầm trọng thêm quan hệ với Nga. “Đối với Thái Lan, vì tính hợp pháp của thủ tướng chỉ mới được tòa án giải quyết gần đây, Apec sẽ là một chiến thắng hiếm hoi trong chính sách đối ngoại.

“Biden có vẻ như sẽ không tham dự Apec – để cho cả tổng thống Nga và Mỹ bỏ qua sẽ là một sự mất mặt”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh Apec vào tháng 11. Ông dự kiến ​​tổ chức tiệc cưới cho cháu gái Naomi vào ngày 19 tháng 11 tại Nhà Trắng. Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ đại diện cho Hoa Kỳ tại hội nghị thượng đỉnh ở Bangkok.

Nhiều nhà quan sát cũng sẽ theo dõi Việt Nam, do nước này có quan hệ chặt chẽ với Nga.

Mô tả Việt Nam như là một “kẻ đầu đàn” của tình đoàn kết ASEAN, TS. Alan Chong, thành viên cấp cao tại RSIS, nói: “Thời điểm Việt Nam được coi là đứng về phía phương Tây và phần còn lại của ASEAN trong cuộc xâm lược Ukraine, đó là một bước ngoặt quan trọng.

“Họ sẽ đạt đến thời điểm đó khi mà Nga đang thua và không còn lý do gì để thể hiện vị thế cân bằng này nữa, khi đó họ sẽ chuyển sang quan điểm của đa số.”

Nhưng không giống như các đối tác châu Âu, ASEAN sẽ tiếp tục duy trì cách tiếp cận thực dụng với Nga và giữ các mối quan hệ chiến lược, với các kiểu bỏ phiếu không có khả năng gây ra căng thẳng đáng kể trong quan hệ, các nhà phân tích nhận xét.

Kliem cho là giá trị của Nga đối với ASEAN không chỉ đơn thuần là “vật chất” và không chỉ là nhập khẩu vũ khí và hợp tác năng lượng, vì nước này vẫn là một đối tác chiến lược quan trọng của khối trong khu vực.

“Thay vào đó, Nga đã và vẫn là một cường quốc, vì vậy vị thế toàn cầu và sức mạnh địa chính trị khiến nước này trở thành một đối tác quan trọng trong chiến lược can dự đa hướng (‘omni-enmeshment’) của ASEAN.

“Trong nhiệm vụ đó, ASEAN không có quan điểm đạo đức như đối với hành vi của bất kỳ cường quốc nào,” Kliem nói.

Chủ nghĩa thực dụng của ASEAN được thể hiện trong cách khối này đối phó với Nga, chẳng hạn như quyết định của khối nâng cao quan hệ đối tác với Nga sau khi G8 đình chỉ tư cách thành viên của nước này vào năm 2014, vì vậy điều tương tự có thể sẽ tiếp diễn.

Theo Kliem: “ASEAN không chỉ duy trì mối quan hệ với Nga mà thậm chí còn tiến tới nâng cấp nước này lên thành ‘Đối tác Chiến lược’ vào năm 2018.

“Kể từ đó, Vladimir Putin đã đích thân tham dự mọi Hội nghị cấp cao Đông Á – được coi là cuộc họp quan trọng nhất trong số các cuộc họp đối ngoại của ASEAN – trong khi đại diện của Nga trước đây chỉ ở cấp thủ tướng hoặc ngoại trưởng”.

Nhưng các nhà phân tích nhấn mạnh rằng Nga sẽ không phải là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia ASEAN, đặc biệt là với những hao tổn kinh tế và chính trị phải gánh chịu từ cuộc chiến tranh.

 “Đối với ASEAN, Nga không phải là một đối tác kinh tế hấp dẫn hiện nay, trong ngắn hạn” Chong từ RSIS nhận xét. “Và, Putin đã phá hỏng nó. Trong một thời gian, có vẻ như Nga đã trở lại về mặt kinh tế nhưng bây giờ ông ấy đã phá hỏng nó”.