
Bất kỳ động thái nào hướng tới một chính sách “không sử dụng” răn đe hạt nhân sẽ là một sai lầm lớn.
The National Interest by Peter Huessy – October 23, 2022
(Peter Huessy là thành viên cấp cao về quốc phòng tại Viện Hudson và Chủ tịch ban Phân tích Địa-Chiến lược).
Ba Sàm lược dịch
Tiếp theo sau quyết định xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Nga đã đe dọa nghiêm trọng Ukraine, NATO và phương Tây bằng những cảnh báo hạt nhân. Mặc dù tự nó tỏ ra nguy hiểm, nhưng những hăm dọa của Moscow được cân bằng bởi một phản ứng khác nguy hiểm không kém từ phương Tây, nơi nhiều quan chức và chuyên gia đã đề xuất Hoa Kỳ hoàn toàn gạt qua một bên biện pháp răn đe hạt nhân. Trớ trêu thay, điều này có thể khiến Putin có nhiều khả năng sử dụng vũ lực hạt nhân hơn.
Nhóm những người ủng hộ cho một phản ứng thông thường, phi hạt nhân đối với việc sử dụng hạt nhân của Nga không phải là mới. Cố vấn Bruce Blair (cựu giám đốc Global Zero – tổ chức vận động giải trừ hạt nhân) nói với Quốc hội Mỹ vào năm 2019, rằng ông muốn người Nga chịu đựng sức nặng đạo đức của việc phá vỡ điều cấm kỵ hạt nhân, khi ông trả lời Hạ nghị sĩ Mike Turner tại một điều trần của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện, rằng Hoa Kỳ chỉ nên đáp trả một bằng vũ khí thông thường đối với một cuộc tấn công hạt nhân của Nga.
Nhưng tổng thống Pháp Emmanuel Macron hiện đã đi xa hơn, gần đây lập luận rằng, phản ứng của phương Tây không được bao gồm vũ khí hạt nhân trong bất kỳ trường hợp nào. Giờ đây có một sự khác biệt giữa một đáp trả “phải” và một đáp trả “tùy chọn”. Rose Gottemoeller, một cựu chuyên gia đàm phán kiểm soát vũ khí của Hoa Kỳ và là quan chức NATO, gần đây đã gợi ý rằng chúng ta chỉ nên sử dụng các lực lượng thông thường nếu Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân. Leon Panetta, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, cũng kêu gọi Hoa Kỳ đáp trả nhưng chỉ chọn làm vậy bằng các cuộc tấn công trả đũa mạnh mẽ thông thường nhằm vào lực lượng Nga ở Ukraine.
Cơ sở lý luận của Panetta cho rằng bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường hoặc vũ khí hạt nhân chiến thuật nào cũng đều là quá rủi ro, vì không có gì đảm bảo rằng một cuộc tấn công trả đũa sẽ chỉ ở mức nhỏ hoặc có giới hạn. Nhưng ông vẫn để ý đến lựa chọn hạt nhân, Gottemoeller cũng vậy.
Tuy nhiên, bất kỳ động thái nào đối với chính sách “không sử dụng” sẽ là một sai lầm lớn vì năm lý do.
Thứ nhất, việc duy trì phản ứng của Hoa Kỳ ở mức thông thường sẽ không nhất thiết ngăn được Nga sử dụng lực lượng hạt nhân sau đó. Nếu Nga biết mình có thể bị đánh bại chỉ bằng cách sử dụng vũ khí thông thường của Mỹ hoặc NATO, thì tại sao Nga lại không sử dụng vũ lực hạt nhân vì chính lý do mà họ dự định tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân ngay từ đầu?
Thứ hai, những người ủng hộ “không sử dụng” phải biết rằng các nhà hoạch định chính sách quân sự của Hoa Kỳ, khi được Quốc hội yêu cầu, đã giải thích rằng Hoa Kỳ có thể thắng trong một cuộc xung đột quân sự thông thường chống lại Nga chỉ khi vũ khí hạt nhân không được đưa vào cuộc chiến.
Thứ ba, những người ủng hộ việc chỉ đáp trả bằng các cuộc tấn công thông thường đã quên bỏ lỡ rằng vào tháng 4 năm 1999, Nga đã thay đổi chiến lược của mình, mà theo điều mà cựu tướng Không quân Hoa Kỳ John Hyten mô tả như là một học thuyết “leo thang để giành chiến thắng”, trong đó rõ ràng kêu gọi phát triển những vũ khí hạt nhân chiến trường có quy mô nhỏ và có độ chính xác cao cùng với đòn bẩy lớn về chính trị và ngoại giao.
Thứ tư, theo lưu ý của chuyên gia hạt nhân Franklin Miller, Putin nhận thấy khoảng cách chiến lược giữa năng lực vũ khí hạt nhân tầm ngắn và trên chiến trường của Mỹ và Nga. Rốt cuộc, Nga có khoảng 2.000-5.000 vũ khí như vậy trong khi Mỹ chỉ có 200 quả bom tương đương được triển khai trên các chiến đấu cơ ở châu Âu (và không có ở châu Á).
Và thứ năm, việc loại bỏ hoàn toàn khả năng răn đe hạt nhân, như Macron đề xuất, cho phép Putin và những kẻ thù như vậy tương đối rảnh tay để sử dụng vũ khí hạt nhân mà không bị trừng phạt, điều này rõ ràng hạ thấp điểm bắt đầu nổ ra chiến tranh hạt nhân.
Nếu Hoa Kỳ nghiêm túc trong việc duy trì khả năng răn đe, khoảng cách chiến lược với Nga cần được thu hẹp. Hoa Kỳ đang dự tính phát triển một tên lửa hành trình hải quân có khả năng hạt nhân mới (SLCM-N) nhưng chính quyền hiện tại đã lập luận rằng nó không phải là một “viên đạn ma thuật” và đã có sẵn các giải pháp thay thế. Tuy nhiên, trong khi các lựa chọn thay thế thông thường thực sự có thể có, câu hỏi đặt ra là liệu chúng có đủ tin cậy để ngăn cản việc sử dụng vũ khí hạt nhân của Putin và thuyết phục ông ta rằng lý thuyết chiến thắng của ông sẽ dẫn đến thất bại hay không.
Rõ ràng là sự ngăn chặn của Mỹ đã không cản trở được Putin xâm lược Ukraine. Trên thực tế, như chuyên gia về Nga Stephen Blank, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, đã cảnh báo trong hơn hai thập kỷ, ý tưởng răn đe hạt nhân của Putin không phải để tránh xảy ra chiến tranh mà là nhằm ngăn chặn Hoa Kỳ đến để bảo vệ các đồng minh là nạn nhân của hành động xâm lược của Nga.
Do đó, khác xa với việc răn đe bằng phát động chiến tranh, Putin coi vũ khí hạt nhân là công cụ chiến tranh, thứ cho phép các quốc gia theo chủ nghĩa xét lại như Nga thay đổi biên giới thông qua việc sử dụng các mối đe dọa hạt nhân. Do đó, vũ khí hạt nhân trở thành công cụ của chiến tranh tấn công – không phải là thứ để răn đe. Putin đe dọa sử dụng hạn chế vì ông cũng hiểu rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân lần đầu không cân xứng có thể dễ dàng gây ra một phản ứng trả đũa dẫn đến Ngày tận thế.
Nhưng bằng cách giữ ở mức độ nhỏ, Putin tin rằng ông có thể “chiến thắng” bằng cách ép buộc hoặc tống tiền buộc Hoa Kỳ phải thúc thủ. Đó là lý thuyết về chiến thắng của ông ta và trừ khi chúng ta có thể ngăn chặn nó và không chấp nhận nó, chúng ta rất có thể sẽ thua.
Tulsi Gabbard đã lập luận rằng Hoa Kỳ không quan tâm đến việc thách thức Nga, quốc gia có nhiều vũ khí hạt nhân hơn bất kỳ quốc gia nào trên Trái đất, trong vấn đề Ukraine, một quốc gia nằm trong khu vực lợi ích của Nga. Tương tự, những người biểu tình tại một cuộc họp với Hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez, một thành viên cấp tiến trong nhóm “Squad” của quốc hội, đã chỉ trích gay gắt cô vì đã bỏ phiếu để được hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine và khiến các cử tri của cô có nguy cơ thiệt mạng trong một vụ tàn sát vì hạt nhân.
Trong Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ đã mở rộng chiếc ô hạt nhân của mình đối với NATO và các đồng minh Tây Thái Bình Dương, bởi vì Washington không muốn phải tiêu tốn cho những gì cần thiết để đánh bại mọi xe tăng, tàu chiến và phi cơ của Liên Xô, Trung Quốc hoặc Triều Tiên. Điều khác biệt ngày nay là trong khi Hoa Kỳ duy trì một biện pháp răn đe hạt nhân mở rộng đối với các đồng minh của mình, họ đã không hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân của mình hoặc phân tích và đánh giá cẩn thận chiến lược cần thiết để duy trì một biện pháp răn đe đáng tin cậy kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Lần đầu tiên trong lịch sử, Hoa Kỳ hiện phải đối mặt với hai đối thủ ngang hàng được trang bị vũ khí hạt nhân.
Hoa Kỳ có thể bảo vệ các đồng minh của mình trong khi ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân của bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu. Nhưng điều đó đòi hỏi Hoa Kỳ và các đồng minh của họ phải chuẩn bị để chống lại bất kỳ hành vi sử dụng nào như vậy với sức mạnh đủ đáng tin cậy, bao gồm cả việc lựa chọn sử dụng vũ lực hạt nhân, để khiến các đối thủ từ bỏ ý đồ.
Điều này không chỉ đòi hỏi khả năng mà còn phải sẵn sàng thực hiện một phản ứng hạt nhân nếu cần thiết. Nếu không, sự răn đe của chúng ta chỉ dựa trên một trò bịp bợm, đó là một chính sách nguy hiểm. Nói với các đối thủ rằng viễn cảnh leo thang hạt nhân khiến Hoa Kỳ và NATO khiếp sợ, và sẽ tự động báo trước về Ngày tận thế, cũng có thể khiến việc sử dụng vũ khí hạt nhân là “không thể tưởng tượng được” và “không thể thực hiện được”.
Tuy nhiên, luồng suy nghĩ này làm suy yếu khả năng răn đe mở rộng mà Hoa Kỳ đã duy trì trong suốt bảy thập kỷ và đã may mắn giữ được hòa bình.
Như Herman Kahn của Viện Hudson đã từng viết, cách tốt nhất để trông đáng tin cậy là phải tỏ ra đáng tin cậy. Nếu Hoa Kỳ không muốn trở nên đáng tin cậy, thì nước này nên rút khỏi hoàn toàn lĩnh vực hạt nhân – một kết quả sẽ mở ra cánh cửa cho những quốc gia khác sử dụng vũ khí hạt nhân mà không một phản ứng tương xứng.
Công việc của Mỹ là phải loại bỏ viễn cảnh nguy hiểm đó.