3625. Vượng Vin và ‘món quà’ nhân TBT Trọng thăm Trung Quốc: Sao lại phải ‘áo gấm đi đêm’, mà không sợ ‘…gặp ma’?

Đôi lời: Ngày 30-10-2022, TBT Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc. Cũng ngày đó, theo tin báo quốc doanh VN đưa, tại Nhật Bản đã diễn ra “buổi lễ ký kết giữa VinFast và Công ty TNHH Công nghệ CATL“.

Có điều lạ là các báo này không nói rõ CATL là một công ty Trung Quốc, không khoe về ông chủ Trung Quốc của nó giàu tới cỡ nào, … Trong khi đó, một số trang mạng thì nói rõ. Thậm chí một trang còn có một bài rất công phu, như thể “viết thuê” để giải thích hộ cho VinFast, rằng thì là do chính sách zero covid, nên phải sang Nhật ký, rằng thì Nhật cũng là một trong nhiều thị trường của CATL v.v..

Ai theo dõi thông tin thường xuyên chắc đều biết, hễ cứ có một lãnh đạo cấp nhà nước VN thăm một quốc gia khác, là lại có nhiều doanh nhân “tầm cỡ” tháp tùng, kiểu như … ông chủ Quyết (khi chưa đi tù) của FLC tháp tùng TBT Trọng thăm Pháp và ký kết, chẳng hạn. Và ai cũng hiểu, đó là những món quà, không những giữa hai quốc gia, giữa hai nhà lãnh đạo, mà bên trong lại còn là giữa … chính trị gia và doanh gia.

Như vậy, chuyến thăm lịch sử của TBT Trọng chắc chắn rất cần những màn “hữu hảo” kiểu như vậy. Nhưng tại sao màn ký kết giữa VinFast với CATL rõ là đặc biệt trên nhiều phương diện, mà lại không được thực hiện tại Trung Quốc, ngay trong dịp ông tổng sang thăm, mà lại rinh nó sang tận Nhật, như một trò … “chọc tức” họ Tập? Hay là đó lại chính là để “chọc tức” bạn Nhật, mà lại tránh khỏi chọc tức … DÂN VIỆT? Lại nữa, biết đâu đó, chính họ Tập, rồi kéo theo cả ngài tổng VN, vừa không muốn để những bầy “ong, ve” gây nhiễu, hạ thấp tầm quan trọng của cuộc hội ngộ, vừa có nguy cơ gây tai tiếng … kiểu như với FLC?

Nói “Áo gấm đi đêm” là vậy! Nhưng biết đâu đó, “Đi đêm lắm có ngày gặp ma”.

Quả tình, có quá nhiều ẩn số và những chuyện đáng bàn quanh vụ này, tựa như sau khi được xem một vở bi-hài-nộ kịch xuất sắc, mà người xem phải khóc, lẫn cười, lẫn … chửi rủa.

Chắc phải có những bài báo công phu mới may ra lột-tả được toàn bộ tính độc đáo, thâm sâu của sự kiện.

Ba Sàm

‘Ông Phạm Nhật Vượng ở Nhật Bản’: Người nói giải tỏa tin đồn, người vẫn chưa tin

BBC

1 tháng 11 2022

Một số đáng kể người Việt Nam vẫn tỏ ra nghi ngờ, trong khi những người khác cảm thấy tin đồn được giải tỏa, khi đọc tin tỉ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng và lãnh đạo VinFast tham dự một buổi lễ ký kết giữa VinFast và Công ty TNHH Công nghệ CATL, tại Osaka, Nhật Bản vào ngày 30/10.

Trong khi đó, một người phát ngôn của CATL cho BBC biết rằng lễ ký kết diễn ra tại Osaka.

Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup và Công ty TNHH Công nghệ CATL, có trụ sở ở Trung Quốc, nói họ đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác chiến lược toàn cầu ngày 30/10 tại Osaka, Nhật Bản.

Trên Facebook, cây bút Pham Gia Hiền bình luận: “Ông Phạm Nhật Vượng đứng cạnh ông Robin Zeng trong lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Vingroup và CATL (hãng sx pin hàng đầu thế giới) tại Osaka – Nhật Bản. Sự kiện diễn ra vào ngày 30/10, nhưng đưa tin vào cuối giờ chiều ngày 31/10.”

“Ngày hôm qua thì spotlight dành cho tin Bộ Công an lên tiếng tại Họp báo Chính phủ thường kỳ, rằng ông Phạm Nhật Vượng không có tên trong danh sách cấm xuất cảnh. Vẫn cứ luôn là Vin, rất bài bản. Còn bình thường hay bất thường thì phải đợi xem.”

Nhà báo Nguyễn Hồng Lam bình luận sự kiện là “một cách bác bỏ tin đồn”. 

Trước đó ngày 29/10, trung tướng Tô Ân Xô – chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an nói tại một họp báo: 

“Ví dụ có thông tin của nhân vật này của tập đoàn này, nhân vật kia của các tập đoàn kia đang bị theo dõi hay nằm trong tầm kiểm soát. Dưới góc độ an ninh kinh tế, tôi có thể nói hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn hoạt động ổn định, bình thường.” 

“Tôi có thể khẳng định đến giờ phút này ông Phạm Nhật Vượng của Vingroup không nằm trong danh sách cấm xuất cảnh. Chắc chắn là như vậy. Tất cả các hoạt động của Vingroup đều bình thường.”

Nhưng cũng trên Facebook, không ít người vẫn nghi ngờ về lễ ký kết được thực hiện tại Osaka.

Ông Trần Hồng Tiệm viết: “Mà công ty ở Nhật sao trang web chính thức của công ty chẳng thấy có bản tiếng Nhật [2]. mà tên của những người ở công ty catl rõ là tên trung quốc (Robin Zeng) [3]. người Nhật đâu có tên như vậy.” 

“Tên công ty viết bằng chữ hán giản thể, không phải kanji. mà ảnh chụp lễ ký kết bảo ở Nhật, ở Trung Quốc hay ở Việt Nam đều được. mùa này ở Nhật đâu có hoa bách hợp và hoa lan tường.” 

Ông Phạm Nhật Vượng vẫn là tỉ phú giàu nhất Việt Nam hiện nay với 6,2 tỷ USD, theo ước tính của Forbes.

CATL nói lễ ký kết diễn ra ở Osaka

Một người phát ngôn của Công ty TNHH Công nghệ CATL nói với BBC rằng lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về Hợp tác Chiến lược Toàn cầu với VinFast đã diễn ra tại Osaka, Nhật Bản.

Contemporary Amperex Technology Co., Limited (CATL) là công ty Trung Quốc, đã niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến.

Theo Biên bản ghi nhớ, CATL và VinFast dự kiến sẽ hợp tác để cùng phát triển công nghệ mới, trong đó pin và nhiều bộ phận quan trọng được tích hợp vào khung gầm xe, giúp giảm trọng lượng, tăng quãng đường di chuyển của xe và giảm chi phí.

Tỉ phú Trung Quốc

Trụ sở của CATL đặt tại thành phố Ninh Đức, tỉnh Phúc Kiến.

Tác giả Henry Sanderson viết trên tạp chí Time ngày 29/9 cho hay, từng là một thành phố nghèo khó, Ninh Đức nổi tiếng ở Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình có thời gian làm Bí thư Thành ủy ở thành phố từ năm 1988 đến năm 1990.

Theo bài viết trên Time, vào thời điểm đó, ông Tập bị giáng chức, bị điều chuyển từ thành phố ven biển sầm uất Hạ Môn đến Ninh Đức sau khi cha ông, Tập Trung Hưng, từ chối ủng hộ thanh trừng nhà cải cách Hồ Diệu Bang.

Năm 1989, Hồ Diệu Bang qua đời, trở thành một trong các tác nhân dẫn tới biểu tình Thiên An Môn. 

Cùng năm 1989, ông Zeng Yuqun, còn gọi là Robin Zeng, quê ở Ninh Đức, đã rời Phúc Kiến để tìm việc ở Đông Hoản, Quảng Đông.  

Ông Zeng trải qua 10 năm tại Đông Hoản, làm việc cho một công ty Hong Kong, SAE Magnetic.

Năm 1999, ông Zeng mở công ty ở Hong Kong để làm pin cho thiết bị di động.

Năm 2011, ông Zeng chuyển sang làm pin cho ô tô, thành lập CATL.

Ngày nay, CATL là nhà sản xuất pin cho xe ô tô điện hàng đầu thế giới.

Theo ước tính của Bloomberg, ông Zeng nay là người giàu thứ 30 thế giới với tài sản khoảng 34,3 tỉ đôla năm 2022.


Ông Phạm Nhật Vượng tham dự sự kiện của VinFast tại Nhật Bản

Dân trí

Mai Chi

Thứ hai, 31/10/2022 

(Dân trí) – Ông Phạm Nhật Vượng và lãnh đạo VinFast tham dự một buổi lễ ký kết giữa VinFast và Công ty TNHH Công nghệ CATL, tại Nhật Bản vào ngày 30/10.

Theo thông tin từ Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC), trong ngày 30/10, Công ty TNHH Công nghệ CATL và VinFast đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác chiến lược toàn cầu.

Sự kiện này diễn ra tại Osaka (Nhật Bản) dưới sự chứng kiến trực tiếp của ông Robin Zeng, Chủ tịch CATL và ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup kiêm Chủ tịch VinFast.

Theo thỏa thuận này, CATL và VinFast dự kiến sẽ hợp tác để cùng phát triển công nghệ mới, trong đó pin và nhiều bộ phận quan trọng được tích hợp vào khung gầm xe, giúp giảm trọng lượng, tăng quãng đường di chuyển của xe và giảm chi phí.

Dự kiến VinFast sẽ là nhà sản xuất ô tô tiên phong đưa công nghệ mới này ra thị trường toàn cầu với sự hợp tác chiến lược cùng CATL.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Vingroup kiêm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu, cho biết, việc trở thành đối tác chiến lược của CATL là một sự kiện rất quan trọng.

Được thành lập vào năm 2017, VinFast cho biết đang sở hữu tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô hiện đại, có quy mô hàng đầu khu vực đặt tại Hải Phòng với mức độ tự động hóa lên đến 90%.

CATL là công ty dẫn đầu toàn cầu về đổi mới công nghệ năng lượng mới, cam kết cung cấp các giải pháp và dịch vụ hàng đầu cho các ứng dụng năng lượng trên toàn thế giới.