
Cho đến nay, giá trị răn đe của kho vũ khí hạt nhân của Nga vẫn lớn hơn lợi ích mà nước này có thể có trên chiến trường.
THE NATIONAL INTEREST by Gregory Mitrovich – November 17, 2022
(Gregory Mitrovich là một nhà sử học từng đoạt giải thưởng với cuốn sách sắp xuất bản có tựa đề The Contest: The United States, Great Britain, Germany, and the Rivalries that Forged the American Century).
Ba Sàm lược dịch
Liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến chống Ukraine hay không? Các mối đe dọa hạt nhân liên tục của Putin đã khiến điều này trở thành một trong những câu hỏi quan trọng nhất xoay quanh toàn bộ cuộc xung đột. Liệu những lời đe dọa đó có phải là một trò bịp bợm nhằm ngăn cản những nỗ lực của NATO trong việc hỗ trợ Ukraine, hay chúng là những lời cảnh báo nghiêm túc rằng Ukraine và phương Tây phải chú ý đến việc không dồn Putin vào chân tường? Nếu Putin thực sự sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân, thì xét đến những thất bại lớn về chính trị và quân sự mà ông ta đã phải chịu đựng, thì câu hỏi thực sự có thể là tại sao Putin chưa ra lệnh sử dụng chúng ở Ukraine. Câu trả lời có thể nằm trong kinh nghiệm của chính nước Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên.
Ngay cả trước cuộc xâm lược, Putin đã sử dụng các mối đe dọa hạt nhân để ngăn chặn một sự can thiệp khó có thể xảy ra của NATO vào cuộc chiến mà ông tin rằng sẽ đem lại một chiến thắng nhanh chóng và dễ dàng. Thất bại của Nga tại Kyiv và Kharkiv và các cuộc tấn công gần đây của Ukraine vào các vùng lãnh thổ bị Nga sáp nhập — dẫn đến thương vong lớn và hình ảnh toàn cầu bị hoen ố nặng nề cho Nga — đã làm gia tăng lo ngại rằng Putin có thể cho phép tấn công hạt nhân chiến thuật để ngăn chặn thất bại trên chiến trường. Như thể được gợi ý, Putin ngay lập tức bắt đầu đe dọa sử dụng “tất cả các hệ thống vũ khí có sẵn cho chúng tôi” để đạt được chiến thắng. Đáp lại, chính quyền Biden đã truyền đạt cả công khai và riêng tư rằng, một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật sẽ dẫn đến một phản ứng thảm khốc của Hoa Kỳ và có nguy cơ gây ra “Armageddon” – ngày tận thế toàn cầu.
Tuy nhiên, trước cuộc chiến, loại thất bại mà Putin đã phải chịu đựng — trên chiến trường, trong nước và quốc tế — bản thân chúng cũng đã trở thành cơ sở cho hành động trả đũa hạt nhân. Những thất bại này đã để lại cho Putin một cái bóng của chính mình trước đây, với việc ngay cả những đồng minh từng là kẻ hèn nhát của ông cũng đã làm nhục ông theo cách mà người ta không thể nghĩ đến chỉ một năm trước. Với di sản của Putin đang bị hủy hoại, quân đội của ông ta đang hỗn loạn và đất nước của ông ta đang biến động vì cuộc huy động quân sự thảm khốc, các nhà phân tích cần xem xét lý do tại sao Putin chưa quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân. Câu trả lời, như Hoa Kỳ đã học được trong Chiến tranh Lạnh, là việc sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường khó khăn hơn nhiều so với sử dụng nó lần đầu.
Những cuộc khủng hoảng thời Chiến tranh Lạnh thường được xem xét đến ở Cuba, Berlin và Đài Loan, là những ví dụ nổi tiếng nhất về chính sách bên miệng hố hạt nhân (*) giữa Mỹ và Liên Xô. Tuy nhiên, không có trường hợp nào trong số này phản ánh tình trạng khó khăn chiến lược hiện tại của một nước Nga, vốn được trang bị vũ khí hạt nhân nhưng đang phải đối mặt với thất bại quyết định trong một cuộc chiến tranh thông thường chống lại một quốc gia phi hạt nhân. Chiến tranh Việt Nam hay kinh nghiệm của Hoa Kỳ và Liên Xô ở Afghanistan cũng không liên quan đến nhau, vì cả hai cường quốc đều rút lui để đối phó với tình trạng kiệt quệ về chính trị hơn là thất bại quân sự hoàn toàn.
(*) Vụ hạt nhân tháng Mười: Kế hoạch bí mật của Richard Nixon nhằm đem tới hòa bình cho Việt Nam. “… kế hoạch đã được ngấm ngầm chuẩn bị bởi Richard Nixon và Henry Kissinger nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Việt Nam bằng cách nguỵ tạo một cuộc tấn công hạt nhân vào Liên Xô.”
Có một trường hợp trong lịch sử, phần lớn bị lãng quên, nó cung cấp một điểm tương đồng nổi bật với cuộc xung đột hiện tại: năm đầu tiên của Chiến tranh Triều Tiên. Từ tháng 6 năm 1950 đến tháng 3 năm 1951, Hoa Kỳ giao chiến với hai cường quốc phi hạt nhân là Trung Quốc và Triều Tiên, dọc theo một mặt trận đang thay đổi nhanh chóng, nơi các lực lượng Hoa Kỳ nhiều lần phải đối mặt với thất bại mang tính quyết định và chính quyền Truman đã cân nhắc hết sức việc sử dụng vũ khí hạt nhân để ngăn chặn thảm họa— nhưng rốt cục đã không sử dụng.
Vào ngày 25 tháng 6 năm 1950, Triều Tiên đã phát động một cuộc tấn công quy mô trên vĩ tuyến 38, đánh tan quân đội Hàn Quốc được chuẩn bị kém cỏi, trên con đường thống nhất bán đảo. Tổng thống Harry Truman đã gửi quân đội Hoa Kỳ đóng tại Nhật Bản đến bán đảo Triều Tiên để hỗ trợ quân đội Hàn Quốc đang tan rã, đồng thời chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân. Các lực lượng của Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã ngăn chặn bước tiến của Triều Tiên tại vành đai Pusan, tạo điều kiện cho cuộc đổ bộ táo bạo vào tháng 9 của Tướng Douglas MacArthur, tại Inchon, khiến quân đội Triều Tiên phải tháo chạy. Hoa Kỳ và các đồng minh của họ đã truy đuổi đội quân tan nát của Bắc Triều Tiên đến tận sông Áp Lục để thống nhất bán đảo dưới chính quyền ở Seoul.
Vào ngày 25 tháng 11 năm 1950, Trung Quốc đã phát động một cuộc tấn công lớn áp đảo các lực lượng do Hoa Kỳ lãnh đạo, đẩy lùi họ xuống bán đảo Triều Tiên, sâu bên trong lãnh thổ Hàn Quốc. Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ hoang mang lo sợ về một “Trận Dunkirk của Triều Tiên”, buộc Hoa Kỳ phải từ bỏ Triều Tiên như Anh đã làm với Pháp vào năm 1940, hủy hoại những tuyên bố của Mỹ về vai trò lãnh đạo toàn cầu ngay từ đầu Chiến tranh Lạnh. Đáp lại, Truman tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, tiến hành huy động quân sự quy mô lớn và lần đầu tiên ra lệnh triển khai lực lượng thường trực của Mỹ trong thời bình tới châu Âu. Tuy nhiên, chính quyền Truman đã chống lại áp lực to lớn phải sử dụng khả năng hạt nhân của mình để ngăn chặn thất bại.
Lý do cho kết cục trên lại ít liên quan đến những điều cấm kỵ hoặc sự ghê tởm về mặt đạo đức đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân; Truman từng phê duyệt các vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, chỉ mới năm năm trước. Thay vào đó, quyết định này phản ánh những nghi ngờ đáng kể về tính hữu ích của chúng ở Hàn Quốc (những nghi ngờ lặp lại qua những lời chỉ trích về tính hữu ích của chúng ở Ukraine ngày nay) và lo ngại rằng một cuộc tấn công hạt nhân không hiệu quả ở Triều Tiên sẽ làm suy giảm nghiêm trọng vị thế chiến lược của Mỹ trên thế giới. Bất chấp sức mạnh hủy diệt của chúng, các quan chức lo ngại rằng vũ khí hạt nhân sẽ không ngăn được bước tiến của Trung Quốc, có khả năng làm suy yếu sức răn đe ở châu Âu, vì vũ khí hạt nhân rất quan trọng đối với mọi hy vọng ngăn chặn một cuộc xâm lược của Liên Xô. Các nhà lập kế hoạch của Hoa Kỳ dự đoán rằng một cuộc tấn công của Liên Xô sẽ đi theo quỹ đạo tương tự như cuộc xâm lược của Trung Quốc—kẻ thù tiến nhanh chống lại quân đội Hoa Kỳ và đồng minh đang rút lui. Liệu những vũ khí này có mất uy tín trong việc ngăn chặn chiến tranh ở châu Âu nếu chúng không thể ngăn chặn làn sóng tương tự ở Hàn Quốc?
Có một số lý do cho những nỗi sợ hãi này.
Trước hết, Hoa Kỳ vẫn chưa phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ được thiết kế cho chiến trường. Điều này có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ phải dựa vào các vũ khí lớn hơn từ kho dự trữ chiến lược vốn đã được cam kết nhắm vào các thành phố cũng như các lực lượng hạt nhân và thông thường của Liên Xô. Năm 1950, kho dự trữ của Hoa Kỳ chỉ có tổng cộng 369 quả bom nguyên tử, tăng lên 640 quả vào năm 1951. Mặc dù phát triển nhanh chóng, kho vũ khí của Hoa Kỳ vẫn còn nhỏ so với số lượng mục tiêu ngày càng tăng nhanh chóng mà nó được giao nhiệm vụ tiêu diệt.
Thứ hai, các nhà lãnh đạo quân sự sợ rằng địa hình đồi núi của Hàn Quốc sẽ làm giảm bán kính tác động của vụ nổ và sức mạnh hủy diệt của những vũ khí nguyên tử lớn hơn này, trong khi tình hình mặt trận liên tục thay đổi khiến việc nhắm mục tiêu vào các lực lượng thông thường của Trung Quốc và Triều Tiên trở nên khó khăn. Trừ khi Hoa Kỳ bằng cách nào đó có thể dồn các lực lượng quan trọng của Trung Quốc vào những địa hình thuận lợi để tiêu diệt, các nhà lãnh đạo quân sự sợ rằng vũ khí nguyên tử sẽ tỏ ra không hiệu quả, do đó làm xói mòn giá trị răn đe của chúng.
Thứ ba, vụ thử vũ khí hạt nhân của Liên Xô vào tháng 8 năm 1949 đã làm gia tăng lo ngại về Thế chiến III. Cuộc chiến ở Triều Tiên đã khiến các nguồn lực của Hoa Kỳ bị hao mòn đến mức nhiều người lo lắng rằng Hoa Kỳ sẽ không thể đáp trả một cuộc tấn công của Liên Xô vào Tây Âu. Trên thực tế, Hoa Kỳ đã đưa bảy trong số mười sư đoàn Quân đội hiện có của mình tới Hàn Quốc vào tháng 6 năm 1950, để lại rất ít cho việc phòng thủ của Châu Âu. Để khắc phục những điểm yếu nghiêm trọng này, vào tháng 9 năm 1950, Truman đã phê chuẩn NSC 68/2 (Mục tiêu và Chương trình An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ), khuyến nghị huy động lực lượng để tăng cường đáng kể quy mô quân đội.
Cuối cùng, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã có một giải pháp thay thế tàn khốc cho việc sử dụng hạt nhân: ném bom cháy. Lực lượng Không quân Hoa Kỳ phụ thuộc rất nhiều vào bom cháy từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến cho đến khi kết thúc, tàn phá bán đảo này. Đến năm 1953, các thành phố lớn của Hàn Quốc hầu như không thể phân biệt được với Hiroshima và Nagasaki.
Mặt trận Triều Tiên đã ổn định vào mùa xuân năm 1951, nhưng việc cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn tiếp tục khi các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh bị thất bại trong hai năm. Việc tiếp tục chiến tranh khiến Mỹ thiệt hại thêm hàng chục nghìn người và rút cạn các nguồn lực đáng kể từ việc huy động, gây ra những rủi ro chiến lược đáng kể đối với vị thế toàn cầu của Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 1952, ứng cử viên Dwight Eisenhower đã đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nếu các cuộc đàm phán thất bại.
Nga không thiếu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, nước này phải xem xét các câu hỏi lớn liên quan đến lợi thế chiến trường của chúng. Theo nhà sử học quân sự Lawrence Freedman, các lực lượng Ukraine được dàn trải thành các đơn vị nhỏ, phân tán rộng khắp, không có các mục tiêu có thể tạo sức ảnh hưởng lớn cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật biệt lập, khiến việc triển khai chúng trở nên “vô nghĩa”. Hoa Kỳ phải đối mặt với những lo ngại tương tự trong Chiến tranh Lạnh khi NATO nhận ra rằng họ cần sử dụng hàng trăm vũ khí hạt nhân chiến thuật để đánh bại cuộc xâm lược của Liên Xô vào Tây Âu, điều sẽ khiến Tây Đức trở thành một đống đổ nát. Tương tự như vậy, Colin Powell đã viết rằng khi lập kế hoạch cho Chiến dịch Bão táp Sa mạc, các Tham mưu trưởng Liên quân đã xem xét khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật chống lại lực lượng của Saddam Hussein ở Kuwait và bị sốc khi phát hiện ra rằng nó sẽ cần “một số lượng đáng kể vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ” chỉ để tiêu diệt một sư đoàn thiết giáp.
Chắc chắn, các nhà hoạch định kế hoạch quân sự Nga đã thử sử dụng vũ khí hạt nhân trong trò game chiến tranh giả lập ở Ukraine, có khả năng phát hiện ra rằng Putin cũng sẽ phải cho phép thực hiện hàng chục cuộc tấn công hạt nhân để tác động đến chiến trường, một cuộc tấn công khó có thể phân biệt được với việc phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô lớn chống lại Ukraine. Cuộc tấn công dữ dội không chỉ gây ra những tổn thất khủng khiếp ở Ukraine, mà, như đã được chứng minh bằng vụ nổ hạt nhân Chernobyl, sẽ lan truyền bức xạ khắp Đông Âu và Nga. Nó cũng có khả năng dẫn đến các cuộc không kích tàn khốc của NATO nhằm vào các lực lượng Nga, đe dọa leo thang chiến tranh nhanh chóng hơn nữa. Điều này không có nghĩa là Putin sẽ không thích việc sử dụng vũ khí hạt nhân chỉ đơn giản nó như là vũ khí của khủng bố. Mà vấn đề là sự trả giá sẽ cao đến mức người ta đặt câu hỏi liệu ông ta còn có thể sống sót sau sự phẫn nộ toàn cầu hay không. Do đó, việc Putin sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân phụ thuộc vào việc liệu tác động răn đe của các mối đe dọa của ông có nhỏ hơn, bằng hoặc lớn hơn tác động của việc sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường hay không, chưa nói tới phản ứng dữ dội của quốc tế có thể bao gồm một hoạt động vũ trang kết hợp giữa lực lượng không quân NATO và quân đội Ukraine.
Cho đến nay, giá trị răn đe của kho vũ khí hạt nhân của Nga vẫn lớn hơn lợi ích có thể có trên chiến trường. Những răn đe này đã thành công trong việc hạn chế loại viện trợ mà các thành viên NATO đã cung cấp cho Ukraine, trong khi mối đe dọa leo thang chiến tranh đã làm gia tăng yêu cầu Ukraine nhượng lại lãnh thổ quan trọng trong một thỏa thuận hòa bình cuối cùng. Đây là một thành công lớn của Putin.
Giống như Hoa Kỳ đã nhận ra trong Chiến tranh Triều Tiên, Putin hiểu rằng ông ta có thể sử dụng vũ khí thông thường theo cách có thể gây ra sự kinh hoàng và sức hủy diệt tương tự vũ khí hạt nhân, chẳng hạn như đe dọa phá hủy Đập Kakhovka, sử dụng hỏa lực pháo binh tập trung, ồ ạt chống lại các vị trí của quân đội Ukraine, hoặc tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái tàn khốc vào cơ sở hạ tầng của Ukraine. Tuy nhiên, công dân Ukraine không chịu khuất phục trước những lo ngại về một cuộc tấn công hạt nhân của Nga hoặc việc tiếp tục ném bom khủng bố thông thường; họ hiểu những điều khủng khiếp đang chờ đợi họ dưới sự chiếm đóng của Nga. NATO phải tiếp tục cung cấp cho Ukraine vũ khí cần thiết để vô hiệu hóa các cuộc tấn công khủng bố thông thường của Nga.
Chiến tranh Triều Tiên chứng minh rằng vũ khí hạt nhân không mang lại thuốc chữa bách bệnh cho những thất bại trên chiến trường của Mỹ. Họ cũng không làm như vậy trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, nơi những thất bại chiến lược của Putin đã hủy hoại quân đội Nga và khiến Điện Kremlin trở thành kẻ bị gạt ra ngoài tầm kiểm soát toàn cầu bên bờ vực thất bại khủng khiếp. Thật vậy, việc sử dụng hạt nhân sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng của Nga bằng cách biến một số ít đồng minh mà nước này có quay ra chống lại nó. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo sợ rằng Putin vẫn sẽ leo thang nếu ông ta tin rằng cần phải duy trì quyền lực. Mục tiêu của cộng đồng quốc tế là thuyết phục Putin rằng mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn vong chính trị của ông ta chính là đến từ việc sử dụng hạt nhân.