
Chính quyền Biden đang cố gắng bảo vệ Ukraine khỏi Nga, nhưng các chính sách khí hậu của họ đang làm suy yếu sự ủng hộ đó.
THE NATIONAL INTEREST by Don Ritter – December 1, 2022
(Don Ritter đã phục vụ mười bốn năm trong Ủy ban Năng lượng và Thương mại và Khoa học và Công nghệ của Hạ viện; là thành viên trong Ủy ban Helsinki của Quốc hội và là Đồng Chủ tịch sáng lập của tổ chức Các quốc gia vùng Baltic-Ukraine Caucus. Ông là Ủy viên của Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân Chủ nghĩa Cộng sản, và Ủy viên kiêm Chủ tịch & Giám đốc điều hành danh dự của Phòng Thương mại người Mỹ gốc Afghanistan. Ông có bằng tiến sĩ khoa học của MIT).
Ba Sàm lược dịch
Năng lượng là vũ khí chính của Nga trong cuộc chiến chống Ukraine. Tại sao? Bởi vì các khoản tiền kiếm được từ nguồn năng lượng dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga đang được cung cấp cho binh lính cũng như tên lửa, pháo binh, xe tăng, đạn dược và máy bay không người lái của nước này để trút cơn mưa hủy diệt xuống Ukraine. Và, thật đau đớn, chính châu Âu đang đóng góp vào các khoản tiền đó, đang tài trợ cho một cuộc chiến kéo dài chống lại chính mình.
Bất chấp thành công của châu Âu trong việc giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga, sự khan hiếm toàn cầu, tình trạng đình trệ năng lượng của Hoa Kỳ và giới hạn sản xuất của OPEC+ đã dẫn đến giá năng lượng cao hơn đáng kể. Thật vậy, thu nhập năng lượng của Nga từ các nước châu Âu vẫn giống như trước chiến tranh. Châu Âu đã trả gần một tỷ đô la mỗi ngày cho chế độ của Vladimir Putin, ngay cả khi họ nhận được ít năng lượng hơn nhiều so với số tiền của mình bỏ ra.
Đây là một sự thực đáng mỉa mai không thể chịu đựng được đối với châu Âu ngay bây giờ và đối với Hoa Kỳ trong dài hạn. Xuất khẩu năng lượng của Nga vào năm 2022 được dự đoán là 338 tỷ đô la, cao hơn một phần ba so với năm 2021, trước khi nước này xâm chiếm Ukraine! Cuộc chiến của Nga ở Ukraine, ít nhất là về mặt tài chính, đã mang lại khá nhiều lợi nhuận. Hoa Kỳ có thể dễ dàng mở rộng sản xuất và bắt đầu thay thế năng lượng của Nga không chỉ cho châu Âu mà còn cả trên toàn thế giới, bao gồm Ấn Độ, Indonesia và các nơi khác – thế nhưng việc nâng sản lượng cao hơn lại bị cản trở bởi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, rất quan trọng và được gắn chặt với chính trị Hoa Kỳ.
Ấn Độ và các nước khác ở “Nam bán cầu” đã giữ thái độ trung lập trước cuộc chiến của Putin, không phải vì họ không thông cảm với người dân Ukraine, mà vì họ phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt để vận hành nền kinh tế của mình. Nếu Mỹ không sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của họ, họ buộc phải tìm kiếm ở nơi khác – điều mà theo lẽ tất yếu có nghĩa là Nga. Điểm mấu chốt: Chúng ta rất cần nỗ lực hướng tới việc tước đi thứ vũ khí năng lượng mạnh mẽ của Nga, bằng cách mở rộng sản xuất của chính mình và do đó tự trang bị lại cho chính mình.
Một mình tước vũ khí năng lượng của đối phương là một ý tưởng tồi dù là bất cứ lúc nào, nhưng đặc biệt là khi có chiến tranh với kẻ thù giàu năng lượng. Thật không may, đó chính xác là những gì đang xảy ra. Châu Âu đã thực hiện việc tước vũ khí trước, và Mỹ hiện cũng đang làm như vậy [đối với Nga]. Trong khi đó, tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 gần đây, cả hai lục địa này đã hứa chi một nghìn tỷ đô la cho các nước nghèo hơn để các nước đó không sản xuất nhiên liệu hóa thạch, cộng với bồi thường thiệt hại trước đó do nhiên liệu hóa thạch gây ra!
Câu trả lời về năng lượng của chính quyền Biden đối với cuộc đổ máu ở Ukraine là phớt lờ vấn đề này. Không nơi nào trong chính quyền có bất kỳ cuộc nói chuyện nào về việc sử dụng vũ khí năng lượng của chính chúng ta. Các nhóm ủng hộ Ukraine muốn nêu vấn đề này, nhưng sẽ không dám làm điều đó vì sợ phản ứng chính trị trong nội bộ nước Mỹ.
Trong khi Nga tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine bằng cách sản xuất và bán một lượng lớn dầu, khí đốt và than, thì chính quyền Biden đã hủy bỏ các đường ống, cắt giảm các hợp đồng thuê mới, hạn chế cấp phép và sử dụng các quy định của Bộ Nội vụ và Cơ quan Bảo vệ Môi trường để tăng chi phí và hạn chế cung cấp dầu khí. Nó sử dụng ESG – Bộ tiêu chuẩn về Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp – để ngăn chặn đầu tư vào cơ sở hạ tầng dầu khí. Nó tìm cách loại bỏ than hoàn toàn thông qua việc kiểm soát quá mức, mặc dù các quy định của Đạo luật Không khí Sạch của Hoa Kỳ có thể làm cho việc sản xuất điện đốt than của Hoa Kỳ sạch nhất thế giới và hơn một phần ba lượng điện toàn cầu đến từ than. Trung Quốc dự kiến sẽ xây dựng hơn một nửa số nhà máy nhiệt điện than mới trên thế giới, tạo ra khoảng 85.000 megawatt điện mới. Trung Quốc nâng niu ô tô điện vì không có dầu nhưng lại có than để tạo ra điện giá rẻ cung cấp năng lượng cho chúng.
Các chính sách của chính quyền Biden đã khiến Hoa Kỳ vẫn thiếu một triệu thùng dầu mỗi ngày so với mức sản xuất trước đại dịch, trước khi Biden nắm quyền. Tất cả những điều này được thực hiện có mục đích để chương trình nghị sự về khí hậu Thỏa thuận mới xanh của Biden (*) có thể tiến lên phía trước, bất kể chi phí cho người tiêu dùng và rủi ro đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia của chúng ta.
(*) Thỏa thuận Xanh mới của ông Biden nghe thú vị, nhưng rất nghiêm trọng
Hoa Kỳ có dự trữ năng lượng và năng lực công nghệ để mở rộng sản xuất và bắt đầu thay thế năng lượng của Nga trên toàn thế giới. Chính quyền Biden đang cố gắng bảo vệ Ukraine khỏi Nga, nhưng các chính sách khí hậu của họ đang làm suy yếu sự ủng hộ đó. Khi nào chính quyền sẽ nhận ra rằng chiến dịch hào hiệp viển vông chống lại biến đổi khí hậu kiểu Đông-ki-sốt đang cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người Ukraine và sự tàn phá cho một quốc gia?