3725. Việt Nam tăng cường đàn áp tự do ngôn luận bằng cách chặn quảng cáo trên nội dung những trang trực tuyến bị cho là ‘độc hại’

Danh sách đen của Nhà nước có thể ảnh hưởng đến người dùng Facebook, YouTube cũng như các ‘sao’ trên TikTok

NIKKEI ASIA by Lien HoangDecember 9, 2022

Ba Sàm lược dịch

Việt Nam đang soạn thảo một danh sách đen các trang web – bao gồm các tài khoản người dùng cá nhân trên YouTube và Facebook — sẽ bị cấm nhận doanh thu quảng cáo nếu chúng bị coi là đã đăng nội dung chống chính phủ hoặc nội dung “độc hại”.

Hà Nội cho biết họ sẽ “trừng phạt nghiêm khắc” các công ty quảng cáo trên các trang web như vậy, một động thái mà các nhà hoạt động xã hội lo ngại sẽ làm tăng thêm bầu không khí “ít tự do ngôn luận hơn bao giờ hết”.

Các công ty “không được đặt quảng cáo trên nội dung độc hại, chống lại nhà nước hoặc vi phạm bản quyền“, một bài đăng trên trang web của bộ thông tin cho biết vào tuần trước. Cơ quan Phát thanh, truyền hình và Thông tin Điện tử của Bộ đã chia sẻ một bài đăng tương tự, trong đó cảnh báo đối với nội dung “không đúng sự thật, tục tĩu, trái với thuần phong mỹ tục, giật gân hoặc câu viu“.

Bài báo cho biết, vào đầu năm 2023 Việt Nam cũng sẽ công bố danh sách trắng các trang web an toàn cho quảng cáo.

Động thái này nhắm mục tiêu vào các nhà quảng cáo, để bổ sung vào các biện pháp hiện có nhằm loại bỏ nội dung trực tuyến mà chính phủ cho là có tính chất xúc phạm.

Chính phủ có các “đội quân” không gian mạng có nhiệm vụ dọn dẹp trên internet với những người bất đồng chính kiến và chính phủ đã làm việc trong nhiều năm để thuyết phục những gã khổng lồ công nghệ tham gia vào nỗ lực này. Việt Nam, nơi đã bỏ tù nhiều người chỉ trích chính phủ, nay yêu cầu các doanh nghiệp lưu trữ dữ liệu ngay trong nước, bàn giao dữ liệu người dùng theo yêu cầu và chặn nội dung bất lợi.

Các nền tảng công nghệ đã phải đối phó với một làn sóng phản ứng dữ dội của các nhà quảng cáo về cách vận hàng thuật toán độc quyền của họ nhằm chọn lọc chỉ định quảng cáo. Chẳng hạn, các nhà quảng cáo lo lắng rằng quảng cáo của họ có thể sẽ phát sóng cùng với nội dung chính trị nhạy cảm hoặc bị lồng vào các video lan truyền thông tin sai lệch về COVID.

Meta, chủ sở hữu của Instagram và Facebook, đã ban hành “các biện pháp kiểm soát an toàn thương hiệu mà các doanh nghiệp có thể sử dụng để ngăn quảng cáo của họ chạy cùng với một số loại nội dung nhất định trên nền tảng của chúng tôi”, một phát ngôn viên nói với Nikkei Asia.

Mạng xã hội lớn nhất trên internet cũng phải đối mặt với áp lực toàn cầu trong tuần này, khi ban giám sát của nó cho biết việc kiểm duyệt nội dung của Facebook cho phép những người nổi tiếng có những phát ngôn xúc phạm, đôi khi vì “lý do kinh doanh”, mà không bảo vệ đầy đủ quyền con người, chẳng hạn như việc xóa bài đăng của một nghệ sĩ nhằm chống lại thái độ thù hận.  

Nhưng những nhượng bộ như vậy ở Việt Nam đã không làm giảm bớt những lo ngại của các quan chức cáo buộc các nền tảng công nghệ mạng dung túng cho nội dung “bất hợp pháp”.

“YouTube và Facebook cho phép người dùng mạng xã hội đăng nội dung bất hợp pháp tràn lan và kích hoạt tính năng kiếm tiền cho phép cài đặt quảng cáo trên các kênh, trang và tài khoản đó,” bài viết của cơ quan phát thanh truyền hình Việt Nam, lần đầu tiên được đăng bởi tờ báo của bộ thông tin.

Chính quyền đã chỉ ra một người dùng TikTok, với 600.000 cá nhân theo dõi, là đối tượng sẽ lọt vào danh sách đen quảng cáo của họ, theo VnExpress. Trang này đưa tin rằng người có ảnh hưởng đó đã bị phạt 7,5 triệu đồng vì chế giễu người nghèo trong clip của mình.

TikTok cho biết họ đã cấm người dùng đó nhưng từ chối yêu cầu bình luận của Nikkei.

Còn nền tảng phát video trực tuyến này của Trung Quốc cho biết, bắt đầu từ ngày 1 tháng 1, họ phải chịu trách nhiệm thu thuế đối với người nước ngoài mua quảng cáo TikTok tại Việt Nam.

Đất nước này cũng là một thị trường quảng cáo lớn cho Meta và Google là chủ sở hữu YouTube, cả hai đã từ chối bình luận cho bài viết của chúng tôi.

Các nhà hoạt động nói rằng danh sách đen được đề xuất sẽ có tác động ớn lạnh đối với tự do ngôn luận.

“Các nhà chức trách sẽ lạm dụng chính sách này để bịt miệng những người chỉ trích và thúc đẩy tiếng nói ủng hộ chính phủ”, Kian Vesteinsson, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu Freedom House, nói với Nikkei, gọi chính sách đối với quảng cáo là “nỗ lực mới nhất của nhà nước nhằm tăng cường kiểm soát ngôn luận trực tuyến.”

Bộ ngoại giao Việt Nam đã nói rằng Freedom House dựa trên phân tích của mình với “thông tin không chính xác và có tính chất định kiến​.”

Bộ thông tin cho biết họ đã phạt 15 công ty với tổng số tiền là 210 triệu đồng vì những vi phạm liên quan đến quảng cáo trong năm qua hoặc lâu hơn.

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà chức trách nhắm mục tiêu là các nhà tài trợ. Vài năm trước, Việt Nam đã kêu gọi các nhà quảng cáo kỹ thuật số tẩy chay các trang web lưu trữ nội dung “độc hại”.

Theo một báo cáo của Temasek, Google và Bain, sự trỗi dậy của các nền tảng internet nước ngoài đã mang đến một giải pháp thay thế cho các tờ báo chính thức ở quốc gia độc đảng này, nơi nền kinh tế kỹ thuật số vào năm 2025 sẽ có tốc độ tăng trưởng hàng đầu Đông Nam Á, 31%. Việt Nam đã phản ứng trước sự phổ biến ngày càng tăng của mạng xã hội bằng cách bắt giữ những người sử dụng tài khoản của họ để thách thức chính quyền.

Trước đây, nước này cũng đã nêu tên và bêu xấu các doanh nghiệp, chẳng hạn như trong danh sách nợ thuế hoặc mở sòng bạc trực tuyến bất hợp pháp.

Những người cổ vũ cho nhân quyền nói rằng các công ty như Facebook và Google phải chịu quá nhiều lệnh ngăn chặn, trong khi chính phủ nói rằng các công ty không làm đủ để chặn các bài đăng phản cảm.

“Các doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới không tuân thủ pháp luật Việt Nam sẽ không được phép hoạt động tại Việt Nam”, Bộ Thông tin đánh giá.


Liên quan: