3726. Liệu Việt Nam có đủ khả năng chi trả cho cái giá phải trả của tình hữu nghị với chính quyền quân sự Myanmar?

+ Việt Nam hướng tới một vị thế quốc tế cao hơn nhưng phản ứng của nước này đối với tình trạng bất ổn chính trị ở Myanmar đã làm suy yếu tham vọng toàn cầu của mình

+ Các nhà lãnh đạo của Việt Nam có thể có những cân nhắc về tình hình chính trị, kinh tế trong nước, thứ đang ngăn cản họ lên tiếng chống lại chính quyền quân sự

South China Morning Post by Bich Tran – 10 Dec, 2022

(Bich Tran là Nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) – Yusof Ishak và là Nghiên cứu viên phụ trợ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington DC. Bài báo này ban đầu được xuất bản với tựa đề “Liệu Hà Nội có thể trả giá bằng cái giá danh tiếng của tình bạn với chế độ quân sự của Myanmar không?” trên ISEAS – trang bình luận của Viện Yusof Ishak, fulcrum.sg).

Ba Sàm lược dịch

Ngày 25/8/2017, Việt Nam và Myanmar đã ký kết một thỏa thuận quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện, trong đó ưu tiên hợp tác về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội và giao lưu nhân dân. Tuyên bố chung của họ về quan hệ đối tác nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý và sử dụng bền vững và hiệu quả các nguồn tài nguyên của sông Mekong. Đáng chú ý, Myanmar – nước không có yêu sách chủ quyền trong tranh chấp Biển Đông – đã nhất trí với Việt Nam về tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Quan hệ đối tác toàn diện với Myanmar phù hợp với chính sách đối ngoại tổng thể của Việt Nam là ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng. Tuy nhiên, các phản ứng của chính phủ Việt Nam đối với cuộc khủng hoảng Rohingya và cuộc đảo chính năm 2021 cũng như bạo lực sau đó ở Myanmar có thể đã làm suy yếu tham vọng nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) năm 2011, Việt Nam đã công bố mục tiêu nâng cao vị thế quốc tế của mình. Tuyên bố này được đưa ra sau nhiệm kỳ thành công của Việt Nam với tư cách là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) từ năm 2008 đến năm 2009 và vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010.

Báo cáo chính trị năm 2016 của ĐCSVN tái khẳng định cam kết của Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, Hà Nội đã không phản ứng với tình trạng bất ổn chính trị ở Myanmar theo cách phù hợp với nguyện vọng chính sách đối ngoại của mình.

Vào ngày 25 tháng 8 năm 2017, cùng ngày ký kết quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam, quân đội Myanmar đã phát động một chiến dịch tàn sát, hãm hiếp và đốt phá người Rohingya, để đáp trả các cuộc tấn công vào các đồn quân đội và cảnh sát của một nhóm chiến binh, Quân đội Cứu thế Arakan Rohingya. Các chính phủ kế tiếp của Myanmar đã thực hiện các chính sách phân biệt đối xử có hệ thống đối với người Rohingya theo đạo Hồi kể từ cuối những năm 1970. Điều này đã buộc hàng triệu người Rohingya phải rời bỏ nhà cửa và lánh nạn ở các quốc gia lân cận, đặc biệt là trong vài năm qua.

Người tị nạn Rohingya tại Bangladesh giương cao biểu ngữ, khi họ tập trung tại Trại tị nạn Kutupalong, để kỷ niệm 5 năm ngày chạy trốn khỏi Myanmar. Ảnh: Reuters

Trong khi các cuộc đàm phán về quan hệ đối tác toàn diện Myanmar-Việt Nam đã bắt đầu từ lâu trước cuộc khủng hoảng Rohingya năm 2017, Hà Nội đã có thể tạm dừng quá trình này trong khi rõ ràng rằng, ngay cả chính phủ được bầu cử dân chủ đầu tiên của Myanmar, lên nắm quyền vào năm 2016, đã không làm gì để giúp đỡ người Hồi giáo Rohingya, vì chính phủ sợ những người theo chủ nghĩa dân tộc Phật giáo xa lánh và gây nguy hiểm cho thỏa thuận chia sẻ quyền lực với quân đội.

Thay vào đó, Việt Nam đã nhắm mắt làm ngơ trước vấn đề Rohingya và hậu quả là cuộc khủng hoảng nhân đạo và tị nạn bên ngoài biên giới Myanmar. Trên thực tế, ASEAN với tư cách là một thể chế đã hầu như im lặng trước việc Myanmar ngược đãi người Rohingya và cuộc khủng hoảng người tị nạn, khi các quốc gia thành viên của khối tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác.

Ai cũng biết rằng sau cuộc đảo chính quân sự ngày 1 tháng 2 năm 2021 ở Myanmar, chế độ cầm quyền ở đó đã gây ra bạo lực chết người đối với chính công dân của mình. Tính đến tháng 11 năm 2022, chế độ này đã giết ít nhất 2.500 người và giam giữ hơn 16.400 người. Campuchia, Thái Lan và Philippines ban đầu mô tả cuộc đảo chính là vấn đề nội bộ và từ chối chỉ trích chính quyền.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho biết Việt Nam sẽ “để mắt đến Myanmar” nhưng kêu gọi “tiếp cận từ từ… không vội vàng”, vào tháng 1 năm 2022, khi nói chuyện với Tiến sĩ Noeleen Heyzer, đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tại Myanmar. Ông Sơn gián tiếp đề cập đến nguyên tắc không can thiệp của ASEAN bằng cách nhấn mạnh tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Myanmar.

Gần hai năm trôi qua, Việt Nam đã không làm được gì để góp phần chấm dứt đổ máu ở Myanmar. Thay vào đó, Hà Nội đã cố gắng giảm bớt sự chỉ trích đối với chính quyền quân sự tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, đồng thời chống lại những nỗ lực trước đó do Malaysia đứng đầu nhằm ngăn cản giới lãnh đạo quân sự tham dự các cuộc họp của ASEAN.

Ví dụ, vào ngày 10 tháng 3 năm 2021, với tư cách là thành viên không thường trực của HĐBA, Việt Nam (cùng với Trung Quốc, Ấn Độ và Nga) đã phản đối ngôn từ lên án chính quyền quân sự Myanmar trong một dự thảo tuyên bố. Đáng chú ý, tuyên bố chính thức “mạnh mẽ” lên án “bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa” và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho các tù nhân bị giam giữ tùy tiện.

Bất chấp các cuộc đàn áp đẫm máu của quân đội Myanmar đối với người biểu tình, Việt Nam vẫn tham dự cuộc diễu hành Ngày Lực lượng Vũ trang của chính quyền quân sự ở Naypyidaw vào ngày 27 tháng 3 năm 2021. Khách mời từ khoảng 30 quốc gia thường tham dự sự kiện thường niên, nhưng vào năm 2021, chỉ có 8 quốc gia – bao gồm cả Việt Nam – cử quan chức của họ. Thái Lan và Lào từ Asean, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan cũng có đại diện.

“Thật chướng tai gai mắt”, một phóng viên đã mô tả cảnh tượng vị tướng hàng đầu của Myanmar trong bộ lễ phục màu trắng tại một bữa tiệc xa hoa, được tổ chức vào cùng đêm mà quân đội của ông ta đã giết hại 114 thường dân, bao gồm cả trẻ em, vào đầu ngày hôm đó.

Sự ủng hộ vững chắc của Việt Nam đối với quân đội Myanmar có thể được giải thích một phần bởi những cân nhắc về kinh tế và chính trị trong nước. Là một quốc gia độc đảng do một đảng cộng sản lãnh đạo, Hà Nội kiên quyết bảo vệ nguyên tắc không can thiệp của ASEAN, vì chế độ này lo ngại sự chỉ trích từ bên ngoài đối với hệ thống chính trị và hồ sơ nhân quyền của chính mình. Phản ứng của Việt Nam đối với vấn đề Myanmar đã được một nhà bình luận coi là “nhà nước độc tài này ủng hộ một nhà nước độc tài khác”.

Trong khi đó, mặc dù kim ngạch thương mại song phương thấp, chỉ đạt 796 triệu USD vào năm 2021, nhưng Myanmar là điểm đến lớn thứ năm của đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam sau Lào, Campuchia, Venezuela và Nga. Tính đến ngày 31/12/2021, tổng vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam tại Myanmar đạt 1,47 tỷ USD.

Tổ hợp công nghiệp-quân sự của Việt Nam sẽ bị thiệt hại nếu nền kinh tế của Myanmar lao dốc. Ví dụ, Mytel, một nhà cung cấp dịch vụ di động liên quan đến quân đội Myanmar, được sở hữu một nửa bởi Viettel (một tập đoàn thuộc sở hữu của Bộ Quốc phòng Việt Nam) với 49% cổ phần.

Hà Nội cũng muốn được voi đòi tiên. Vừa mong muốn nâng cao hình ảnh và uy tín quốc tế của mình nhưng lại kiềm chế việc bảo vệ các chuẩn mực và giá trị phổ quát để giữ cho lợi ích kinh tế và chế độ trong nước.

Tại thời điểm này, Hà Nội cần dung hòa hành vi của mình với nguyện vọng của mình. Nước này có thể duy trì cách tiếp cận hiện tại đối với Myanmar và làm suy yếu tham vọng nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, hoặc hợp tác với các thành viên ASEAN khác để đảm bảo rằng chính quyền quân sự ngừng đàn áp người dân của họ.


Việt Nam cứu 154 người tị nạn Rohingya nhưng lại trao trả cho chính quyền quân sự Myanmar

RFA

2022.12.09

Hai tàu dịch vụ dầu khí phối hợp cơ quan chức năng Việt Nam bàn giao cho chính quyền quân sự Myanmar 154 người tị nạn Rohingya mà họ đã cứu trên biển trước đó, điều này theo một nhóm các nhà hoạt động là vi phạm nguyên tắc “không hoàn trả” của luật nhân quyền quốc tế.

Mạng báo VTC News, tờ báo nhà nước duy nhất đưa tin về vụ việc, cho biết, tàu Hải Dương 29 và tàu hỗ trợ lai dắt Hải Dương 38 của Công ty Cổ phần Hàng hải Dầu khí Hải Dương (HADUCO) cứu được 154 người gặp nạn, trong đó một nửa là phụ nữ và trẻ em, tại khu vực biển Andaman Sea, ngoài khơi Myanmar hôm 7/12.

Sau khi đưa những người này an toàn lên tàu của mình, các thuyền viên đã liên hệ và làm việc với cơ quan chức năng Việt Nam và trong khu vực ASEAN về sự việc. Ngay sau khi nhận được thông tin từ HADUCO, các đơn vị chức năng Myanmar đã đến và tiếp nhận họ.

Tờ báo thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông không cho biết, những người này là ai và lý do vì sao họ lại chen chúc nhau trên một con tàu nhỏ lênh đênh trên biển.

Một tổ chức xã hội dân sự độc lập của Myanmar có tên Mạng lưới Phụ nữ vì Hoà bình (Women Peace Network), xác nhận những người này là người Hồi giáo Rohingya thiểu số.

Bà Wai Wai Nu, người sáng lập của tổ chức này khẳng định với phóng viên RFA qua email:

HADUCO có trụ sở tại Việt Nam, sau khi tham khảo ý kiến của chính quyền nước này, đã chuyển giao 154 người tị nạn Rohingya mà họ đã giải cứu trước đó cho chính quyền quân sự diệt chủng Myanmar. Điều này vi phạm nguyên tắc không hoàn trả.”

Theo Điều 33, của Công ước quốc tế về vị thế của người tị nạn năm 1951 quy định về việc cấm trục xuất hoặc hồi hương, “không một quốc gia nào tham gia Công ước được trục xuất hoặc bắt người tị nạn hồi hương bằng bất kỳ hình thức nào đến biên giới thuộc những lãnh thổ nơi mà cuộc sống hay sự tự do của người ấy bị đe doạ vì các lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, hay vì lý do là thành viên của các nhóm xã hội nhất định, hay bởi quan điểm chính trị.”

Chính quyền Việt Nam đến nay đã tham gia hầu hết các công ước về nhân quyền, tuy nhiên chưa tham gia công ước này.

Theo Mạng lưới Phụ nữ vì Hoà bình, những người được cứu, bao gồm 83 đàn ông, 40 phụ nữ, tám trẻ em gái và 23 trẻ em nam, đối mặt với sự trừng phạt của chính quyền quân sự Myanmar sau khi họ bị phía Việt Nam giao nộp.

Một đoạn video đăng tải trên twitter của nhà hoạt động Aung Kyaw Moe cho thấy, những người gặp nạn ngồi vạ vật trên boong tàu dịch vụ dầu khí xen lẫn tiếng khóc lóc.

Một đoạn video khác có sự xuất hiện của những thủy thủ mặc áo HADUCO và một sỹ quan hải quân Myanmar, trong đó một người đàn ông dùng vật không xác định đánh một người trong nhóm người tị nạn.

Phóng viên RFA gọi điện thoại cho HADUCO và được một nhân viên phòng Hành chính đề nghị đến trụ sở doanh nghiệp này để được cung cấp thông tin, hoặc gửi yêu cầu bình luận bằng email.

Chúng tôi đã gửi email cho công ty này và Bộ Ngoại giao Việt Nam để bình luận về cáo buộc của Mạng lưới Phụ nữ vì Hoà bình nhưng chưa nhận được phản hồi.

Theo Reuters, người Rohingya là một nhóm thiểu số bị đàn áp trong nhiều năm ở Myanmar và nhiều người đã mạo hiểm mạng sống của mình để cố gắng đến Malaysia và Indonesia, nơi đa số là người Hồi giáo, trên những chiếc thuyền ọp ẹp.

Cuộc di cư của họ khỏi Myanmar và từ các trại tị nạn tồi tàn ở nước láng giềng Bangladesh, đã gia tăng sau cuộc đàn áp chết người năm 2017 của quân đội, lực lượng hiện đang nắm quyền ở Myanmar sau cuộc đảo chính năm 2021.