3497. Mikhail Gorbachev đã phản ứng như thế nào trước khi chấp nhận độc lập cho Ukraine

Newsweek by JAKE THOMAS  on 8/30/22 

Ba Sàm lược dịch

Mikhail Gorbachev đang được nhớ đến với những quan điểm phức tạp về nền độc lập của Ukraine, sau khi nhà lãnh đạo Liên Xô theo chủ nghĩa cải cách miễn cưỡng chấp nhận việc đất nước này được giải phóng khỏi Moscow nhưng sau đó gọi nó là một “sai lầm”.

Nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, cái chết của Gorbachev ở tuổi 91 hôm qua thứ Ba, đã làm dấy lên một cái nhìn mới về di sản của ông từng định hình lại trật tự chính trị toàn cầu. Gorbachev lãnh đạo Liên Xô khi Ukraine tuyên bố độc lập vào năm 1991, bác bỏ sự thống trị hàng thế kỷ từ Nga. Với một nước Nga đang trỗi dậy tìm cách giành lại quyền kiểm soát Ukraine, cách Gorbachev định hình mối quan hệ giữa hai nước đang được đưa ra với một cái nhìn mới mẻ.

Gorbachev được nhớ đến nhiều nhất vì trong cương vị tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô và là tổng thống đầu tiên và duy nhất của Liên Xô đã mở ra một loạt cải cách. Ông tìm cách cải thiện mối quan hệ với các nước phương Tây và nới lỏng sự kiểm soát của chính quyền đối với đời sống chính trị và kinh tế khiến Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.

“Cái chết của cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ở tuổi 91 là một lời nhắc nhở về những gì ông ấy đã làm: chấm dứt Liên bang Xô viết và thiết lập tự do cho nhiều quốc gia, hiện đã độc lập, bao gồm cả Ukraine”, Frank Gardner, phóng viên an ninh của BBC, cho biết trong một tweet. “Ngay trong chuyến thăm của tôi đến Moscow năm 1987, nước Nga đã thay đổi với perestroika (cải tổ) của mình.”

Thủ tướng Anh Boris Johnson bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Gorbachev trong một dòng tweet, viết rằng “cam kết không mệt mỏi của ông ấy trong việc mở cửa xã hội Xô Viết vẫn là một tấm gương cho tất cả chúng ta.”

Nhưng những người khác thì chỉ ra rằng Gorbachev không tìm cách giải thể Liên Xô và hy vọng giữ Ukraine trong quỹ đạo của nó ngay cả khi đất nước này tìm cách ly khai. Gorbachev cho biết vào năm 2016, ông luôn tìm cách bảo tồn một phiên bản cải cách của Liên bang Xô Viết.

Samuel Ramani, một cộng sự tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia, đã viết trong một tweet rằng Gorbachev đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Mỹ khi đó là George H.W. Bush bằng cảnh báo chống lại “chủ nghĩa dân tộc tự sát.” Bush trong một bài phát biểu năm 1991 tại Kyiv đã ca ngợi những cải cách của Gorbachev và nói rằng “tự do không giống như độc lập.

“Gorbachev chấp nhận nền độc lập của Ukraine nhưng hy vọng mối quan hệ tích cực giữa Nga và Ukraine, và sự hội nhập thông qua thể chế khu vực”, Ramani viết.

Khi Liên Xô suy tàn trong những năm 1980, các nước cộng hòa thành viên của nó bắt đầu đòi hỏi quyền tự chủ nhiều hơn từ Nga, quốc gia từ lâu đã đóng vai trò thống trị trong siêu cường Cộng sản này. Nhưng Gorbachev đã kêu gọi các nhà lãnh đạo của những nước cộng hòa thuộc Liên Xô hãy ở lại trong một Liên bang Xô viết được cải tổ.

“Chúng tôi không thể tưởng tượng được một liên bang mà không có Ukraine”, ông nói với tờ Washington Post vào tháng 10 năm 1991.

Bất chấp lời kêu gọi của ông, Ukraine, nước cộng hòa lớn nhất của liên bang, đã tuyên bố độc lập với số phiếu áp đảo trong cuộc trưng cầu dân ý tháng 12/1991.

“Đêm qua đánh dấu sự kết thúc của những gì có lẽ từng là đế chế tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới”, nhà văn kiêm nhà lập pháp người Ukraine Volodymyr Yavorivsky nói với báo Los Angeles Times sau cuộc bỏ phiếu.

Gorbachev đã tìm cách duy trì liên minh chính trị với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô và hạ thấp ảnh hưởng của cuộc bỏ phiếu, ông nói rằng họ vẫn có thể tái gia nhập một Liên bang Xô viết được cải tổ, theo Times.

“Cần phải rõ ràng rằng sự sụp đổ của Liên Xô không phải là ý tưởng của Gorbachev, cũng không phải là mong muốn của ông ấy,” Myroslava Petsa, một nhà báo của BBC tại Ukraine, nói. “Đó là lý do tại sao đa số người Nga ghét ông ấy. Cho đến gần đây, ông ấy là người biện hộ lớn cho nước Nga. Cuộc chiến với Ukraine đã khiến ông ấy phải đánh giá lại niềm tin của mình”.

Ngay cả sau khi Ukraine bỏ phiếu đòi độc lập, Moscow vẫn khăng khăng các câu hỏi còn đó về bán đảo Crimea, nơi trước đó đã được chính quyền Liên Xô sáp nhập vào Ukraine.

Gorbachev nói với BBC vào năm 2013 rằng sự sụp đổ của Liên Xô là một “tội ác” và một “cuộc đảo chính”.

Khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014, trong một động thái bị quốc tế lên án, Gorbachev nói rằng ông ủng hộ hành động này.

“Trong khi Crimea trước đây đã được gia nhập vào Ukraine dựa trên luật của Liên Xô, có nghĩa là luật của Đảng Cộng sản, mà không cần hỏi người dân, thì giờ đây chính người dân đã quyết định sửa chữa sai lầm đó”, Gorbachev nói với báo The Moscow Times.

Ngay cả khi Gorbachev thúc giục gia tăng ngoại giao giữa Washington và Moscow, ông đã bị cấm nhập cảnh vào Ukraine vào năm 2016 vì những bình luận của mình.