3500. Gorbachev: tác nhân đầy nghịch lý cho sự kết thúc của chiến tranh lạnh

Nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev vẫy tay chào trong cuộc duyệt binh ngày 1 tháng 5 tại Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva năm 1991. Ảnh: Wojtek Laski / Getty Images

Mikhail Gorbachev sẽ được ghi nhớ ở phương Tây vì đã đặt nền tảng cho các mối quan hệ mang tính xây dựng hơn, nhằm làm dịu mối căng thẳng cho sự kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhưng lại bị chỉ trích ở Nga vì đã đẩy nhanh sự sụp đổ của Liên Xô.

COUNCIL on FOREIGN RELATIONS by Thomas Graham – August 31, 2022

(Thomas E. Graham là một thành viên xuất sắc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Ông là người đồng sáng lập chương trình nghiên cứu Nga, Đông Âu và Á-Âu tại Đại học Yale và là người trong ban lãnh đạo khoa của trường. Ông cũng là thành viên nghiên cứu tại Trung tâm MacMillan tại Yale).

Ba Sàm lược dịch

Nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, Mikhail Gorbachev, lên nắm quyền năm 1985, đã quyết tâm biến một Liên Xô trì trệ thành một nước xã hội chủ nghĩa năng động, thịnh vượng và hùng mạnh; song ông chưa bao giờ phát triển một kế hoạch cụ thể và mạch lạc để thực hiện nó.

Đúng hơn là, ông đã ứng biến khi nền tảng kinh tế và chính trị thay đổi xung quanh mình. Điều đó làm chao đảo thành phần kiên định lập trường, những người nghĩ rằng ông đang tiêu diệt Liên Xô và làm mất tinh thần phe cải cách, vốn lo sợ rằng ông đã hành động quá chậm để cứu vãn đất nước.

Sau 6 năm, những người kiên định lập trường đã lãnh đủ: họ thất bại trong việc lật đổ ông qua một cuộc đảo chính không được chuẩn bị tốt vào tháng 8 năm 1991, nhưng cũng đã làm ông tổn thương đủ để phái cải cách có thể khiến ông mất quyền lực vào cuối năm đó — khi đất nước mà ông tìm cách hồi sinh đã sụp đổ, và một nước Nga mới xuất hiện.

Tuy nhiên, trong 6 năm cầm quyền, Gorbachev đã đạt được những điều phi thường cả trong và ngoài nước. Đồng thời, ông đã giải phóng những lực lượng mà ông không thể kiểm soát và điều đó sẽ định hình lại đất nước của ông và thế giới, đôi khi theo những cách ông không mong muốn.

Ở trong nước, ông đã chấm dứt ách kìm kẹp của chủ nghĩa cộng sản đối với xã hội Sô Viết, mặc dù đó không phải là ý định ban đầu của ông. Thật vậy, khi lên nắm quyền, ông là một người cộng sản kiên quyết, người nghĩ rằng mình có thể làm sống lại tinh thần của chủ nghĩa Lenin nguyên thủy, đưa tính hiệu quả vào nền kinh tế kế hoạch hóa và đảm bảo rằng Liên Xô sẽ bước vào thế kỷ tới với tư cách là một siêu cường.

Nhưng khi cải cách bị đình trệ, ông nhận ra rằng chính chủ nghĩa cộng sản là gốc rễ của vấn đề, và ông không hề nao núng trước những can dự của mình. Cuối cùng, ông đã từ bỏ chủ nghĩa Marx-Lenin và bắt đầu phá bỏ quyền lực của Đảng Cộng sản, để ủng hộ một hệ thống chính trị cởi mở hơn. Việc ông nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo phải chịu trách nhiệm trước nhân dân (ông không cố ý tạo ra một ngoại lệ cho mình) đã dẫn đến các cuộc bầu cử tự do và công bằng nhất trong lịch sử Liên Xô (và cả hậu Sô Viết).

Ở nước ngoài, Gorbachev hiểu rằng ông phải giảm căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh với Hoa Kỳ để đất nước của ông có thể tập trung vào công cuộc tái thiết nội bộ, bao gồm cả việc cải tổ một tổ hợp công nghiệp-quân sự, vốn bị thổi phồng quá mức đang đè nặng lên nền kinh tế.

Thế nhưng cách giảm căng thẳng của ông đã không phù hợp với truyền thống của Liên Xô (và Nga). Ông từ chối việc theo đuổi ưu thế quân sự và đã giải quyết nó một cách hoàn hảo; từ bỏ đường lối cách mạng dựa trên giai cấp của chủ nghĩa Marx về đối ngoại, để theo đuổi các giá trị chung của con người; ủng hộ một ngôi nhà chung châu Âu dựa trên các chuẩn mực được chia sẻ; và cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Ông thừa nhận quyền tự do lựa chọn tương lai chính trị của mọi quốc gia, một sự từ bỏ ngầm đối với Học thuyết Brezhnev, mà trong đó khẳng định rằng Moscow có quyền sử dụng mọi phương tiện cần thiết, bao gồm cả vũ lực, để cầm giữ một quốc gia ở lại trong phe xã hội chủ nghĩa. Những bước đi này giúp Gorbachev tìm thấy điểm chung với các Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan và George H.W. Bush và đàm phán hòa bình chấm dứt Chiến tranh Lạnh năm 1989.

Thật kỳ lạ, những thành tựu của Gorbachev đã được kích hoạt bởi một điểm mù chính trị, điều bất thường đối với một nhà lãnh đạo Liên Xô. Ông chưa bao giờ hiểu được sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc đang lan tỏa khắp lãnh thổ Liên Xô rộng lớn. Và vì vậy, ông đã rất ngạc nhiên khi những người theo chủ nghĩa dân tộc khai thác chính sách glasnost (công khai hóa) của ông – nghĩa là công khai hoặc minh bạch – để làm sống lại những câu chuyện thách thức sự kiểm soát của Moscow đối với các nước cộng hòa dân tộc vốn hình thành nên liên bang Sô Viết trên danh nghĩa.

Ông đã nghĩ một cách ngây thơ rằng những cải cách ở Đông Âu sẽ dựa trên tình cảm đối với chủ nghĩa xã hội chân chính mà ông đang thúc đẩy, chứ không phải là tình cảm dân tộc muốn thoát khỏi sự kìm kẹp áp bức của Nga.

Ông đã rất ngạc nhiên trong cuộc cách mạng năm 1989 khi các nhà lãnh đạo Cộng sản lâu năm, cứng rắn bị thay thế không phải bằng những nhân vật có tư tưởng cải cách theo khuôn mẫu của ông, mà bằng những người theo chủ nghĩa dân tộc chống Cộng. Việc ông đánh giá thấp chủ nghĩa dân tộc và các lực lượng chính trị mà nó giải phóng cuối cùng đã dẫn đến sự sụp đổ của cả Khối phương Đông và chính Liên Xô.

Gorbachev đã chứng tỏ là một nhà lãnh đạo Liên Xô (và Nga) độc đáo, ở chỗ ông từ chối sử dụng vũ lực để cứu các vị thế của Liên Xô ở Đông Âu hoặc vị thế của chính mình ở quê nhà. Ông nhanh chóng tách mình ra khỏi thứ bạo lực bắt nguồn từ Moscow trong việc chống lại Gruzia và các nước Baltic khi Liên Xô bắt đầu suy yếu.

Quan trọng hơn, ông ta đã rút lui khỏi việc sử dụng vũ lực để bảo tồn vùng đệm rộng lớn ở Đông Âu, là biện pháp mà Joseph Stalin từng  dựng lên với một cái giá đắt bằng máu và những điều quý giá nhất, vào cuối Thế chiến II.

Gorbachev đã đúng khi cho rằng việc sử dụng vũ lực sẽ phá hoại nghiêm trọng chương trình cải cách của ông; tuy nhiên, không một nhà lãnh đạo Liên Xô hoặc Nga nào khác có thể thực hiện sự kiềm chế theo cách đó trong thời kỳ chính trị nguy hiểm như vậy.

Ở phương Tây, Gorbachev sẽ được nhớ đến với vai trò giúp chấm dứt Chiến tranh Lạnh, sự sẵn sàng đoạn tuyệt với các truyền thống của Liên Xô và Nga, cũng như nỗ lực hướng tới quan hệ mang tính xây dựng hơn với Hoa Kỳ.

Tại Nga, ông đã bị phỉ báng vì theo đuổi các chính sách dẫn đến sự sụp đổ của một nhà nước Nga vĩ đại dưới vỏ bọc của Đế chế Sô Viết, một nhà nước mà Tổng thống Vladimir Putin đã dành gần một phần tư thế kỷ để cố gắng xây dựng lại.

Cách đối xử ở đó đối với sự ra đi của Gorbachev có thể sẽ nhấn mạnh khoảng cách hiện đang ngăn cách Nga và phương Tây, thứ mà Gorbachev đã dành cả nhiệm kỳ của mình để cố công hàn gắn.


Liên quan:

1 comments

Đã đóng bình luận.