2457. Cái oai Vinfast với … “thượng đế”: gọi công an VN, kêu cảnh sát Mỹ

Đôi lời: đụng tới Vin, lá cờ đầu của nền công nghiệp ô tô … non trẻ mãi chưa già, là không phải chuyện đùa, không được công an gọi thì cũng bị ông Mark trẻ khóa tài khoản FB …

Vì vậy chỉ xin đăng lại đây 3 bài liên quan 1 vụ việc đang gây ồn ào mấy ngày qua, đồng thời dẫn thêm mấy bài từ một vụ trước, để độc giả tùy nghi đánh giá. BS

Reuters: VinFast sẽ làm điều tương tự tại Mỹ nếu gặp một trường hợp như Gogo TV

Pháp luật và bạn đọc/ Reuters

 Thứ 4, 05/05/2021

Nếu gặp trường hợp tương tự khi bắt đầu hoạt động tại Mỹ, chúng tôi cũng sẽ tìm đến các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật địa phương để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình”, VinFast trả lời Reuters.

Trần Văn Hoàng, một Youtuber Việt Nam có 455.000 người theo dõi, đã đăng tải video về chiếc VinFast Lux A2.0 của anh với “nội dung sai sự thật”, “ảnh hưởng đến uy tín của VinFast”, trong một tuyên bố của hãng xe Việt đưa ra ngày 2/5.

“Mặc dù Trần Văn Hoàng đã chủ động gỡ bỏ những clip đó nhưng chúng tôi đã lưu lại toàn bộ bằng chứng và đã gửi đơn tố cáo tới cơ quan công an”, thông báo viết.

Chiếc VinFast Lux A2.0 của ông Trần Văn Hoàng mang biển số 66A-139.45

“Công an đã nhận được đơn trình báo của chúng tôi và đã hẹn làm việc với ông Trần Văn Hoàng”.

Trả lời Reuters, VinFast nhắc lại rằng, họ có “đủ cơ sở để chứng minh đó không phải một khiếu nại thông thường”, đồng thời đây là lần đầu tiên VinFast gửi đơn tố cáo tới cơ quan chức năng để bảo vệ danh tiếng của hãng và khách hàng.

“Nếu gặp trường hợp tương tự khi bắt đầu hoạt động tại Mỹ, chúng tôi cũng sẽ tìm đến các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật địa phương để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình”, VinFast trả lời Reuters.  

Hiện tại, VinFast từ chối cho biết họ báo cáo vụ việc tới cơ quan cảnh sát nào. Một cán bộ trả lời điện thoại tại trụ sở Công an TP.HCM cho biết không biết gì về vụ việc. 

Ông Trần Văn Hoàng, người thực hiện clip về chiếc VinFast Lux A2.0, từ chối bình luận với báo chí. Trong đoạn video đã bị xóa, Trần Văn Hoàng nói anh rất tự hào khi sở hữu một chiếc ô tô VinFast và chỉ miễn cưỡng nêu ra các vấn đề của chiếc xe.

Ông Trần Văn Hoàng và chiếc VinFast Lux A2.0 của mình

Tuần trước, Giám đốc điều hành của VinFast nói với Reuters về kế hoạch ra mắt xe điện tại Mỹ trong năm 2022, và đang xem xét đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Hãng cũng có kế hoạch bán ô tô ở Canada và châu Âu.

Hãng xe VinFast thuộc tập đoàn Vingroup, được thành lập bởi tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Ông hiện là người giàu nhất Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, nghỉ dưỡng, trường học, bệnh viện và điện thoại thông minh.

Theo Reuters


VinFast gây tranh cãi khi báo công an xử lý khách hàng phàn nàn

BBC

4 tháng 5 2021

Cảnh sát VN đứng bên cạnh các sinh viên vẫy cờ Việt Nam và Triều Tiên khi đoàn xe chở đoàn Triều Tiên rời nhà máy của Vinfast tại Hải Phòng vào ngày 27/2/2019.

Một khách hàng quay video mô tả các lỗi trên chiếc xe VinFast Lux A2.0. VinFast liền tố cáo lên công an để mời người này “lên làm việc”.

Sự việc gây xôn xao dư luận sau khi vào cuối tháng 4/2021, ông Trần Văn Hoàng đăng một video dài gần 30 phút liệt kê hàng loạt lỗi trên chiếc VinFast Lux A2.0 mà ông mới mua và đi được khoảng 8.000 km.

Video được đăng tải trên kênh YouTube GoGoTV với hơn 455.000 người đăng ký, kênh do ông Hoàng sở hữu, đã thu hút nhiều lượt xem, tạo ra tranh luận gay gắt giữa những người ủng hộ VinFast và những người còn lại.

Và tranh cãi đã nổi lên dữ dội sau khi VinFast thông báo họ đã báo cáo lên công an và công an đã “có lịch mời ông Hoàng lên làm việc”.

GoGoTV phàn nàn gì về xe VinFast?

Chiếc xe ông Trần Văn Hoàng đang sử dụng là VinFast Lux A2.0 phiên bản cao cấp, có màu sơn ngoại thất trắng và mang biển số 66A-139.45.

Trong video, ông Hoàng nhấn mạnh rằng những lỗi mà ông phản ánh chỉ liên quan đến chiếc xe cụ thể của ông; các xe khác của VinFast thế nào ông không có ý kiến.

Các lỗi mà ông Hoàng liệt kê khá cụ liên quan đến nhiều thứ như cần gạt mưa, cảm biến áp suất lốp xe, đèn báo rẽ, sạc không dây, kiểm soát hành trình, bình xăng v.v…

Trong video của mình, ông Hoàng trình bày rất chi tiết những điều mà ông cho là lỗi với hình ảnh cụ thể. Ông cũng nói đã đem xe tới hãng khắc phục tới 10 lần nhưng không hết lỗi. Video này hiện đã bị gỡ xuống.

VinFast tố cáo với công an

Video trên kênh GoGo TV khiến dư luận nổi sóng.

Trên mạng xuất hiện nhiều người chỉ trích ông Hoàng, tố cáo ông “dìm hàng Việt Nam”, “chơi dại”, “có động cơ đen tối”.

Trong khi đó, rất nhiều người khác cho rằng ông Hoàng, với tư cách là một khách hàng, có quyền lên tiếng khi sản phẩm mà ông mua bị lỗi, và VinFast nên cầu thị để cải thiện sản phẩm và dịch vụ.

Đến ngày 2/5, VinFast đã phản hồi theo cách của họ.

Trên trang facebook chính thức, công ty xe hơi Việt Nam đã ra thông báo “VinFast không nhượng bộ trước hành vi gây hoang mang cho người dùng”.

Thông báo này khẳng định hành vi của ông Hoàng đã “gây hoang mang cho người dùng và ảnh hưởng tới uy tín của VinFast”.

“Hành vi sản xuất và lan truyền thông tin sai sự thật của ông Trần Văn Hoàng (chủ kênh YouTube Gogo TV) đã gây thiệt hại về uy tín và vật chất cho thương hiệu VinFast, đồng thời gây bất an cho những khách hàng khác của hãng,” thông báo viết.

VinFast cũng cho hay: “Mặc dù ông Trần Văn Hoàng đã tự gỡ bỏ các clip trên, nhưng chúng tôi đã lưu đầy đủ bằng chứng và gửi cùng đơn tố cáo ra cơ quan công an. Cơ quan Công An đã tiếp nhận đơn tố cáo và có lịch mời ông Hoàng lên làm việc.”

Công ty trực thuộc tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng còn nhấn mạnh: “VinFast khẳng định luôn lắng nghe và sẵn sàng kiểm tra, xử lý mọi vấn đề cho khách hàng trong quá trình sử dụng. Nhưng chúng tôi cũng kiên quyết làm rõ đến cùng các hành vi sai trái, gây ảnh hưởng tới thương hiệu, và đặc biệt là gây lo lắng, hoang mang cho cộng đồng người dùng.”

Thực tế, đã có một số vụ mà người chỉ trích Vingroup nói họ đã vì thế mà gặp phiền phức, thậm chí bị sách nhiễu bởi công an.

Hồi tháng 5/2018, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn bị nhân viên Bộ Công an Việt Nam yêu cầu xóa các bài viết đăng trên Facebook cá nhân về tập đoàn Vingroup.

Ông Tuấn nói với BBC News Tiếng Việt vào thời điểm đó về vụ bắt giữ:

“Tôi có tranh luận lại và không đồng tình với họ về việc cho rằng những bài về Vingroup lại gây hại cho an ninh quốc gia. Thêm nữa, tôi đã lập luận rằng mọi thông tin chi tiết trong bài của tôi đều dẫn nguồn từ báo chí nhà nước, chứ hoàn toàn không phải là vô căn cứ. Tuy nhiên họ không tranh luận, chỉ bắt buộc tôi phải xoá bài theo ý họ.”

Hành động gây tranh cãi

“Trong con mắt người phân tích, tôi sợ rằng có vẻ Vinfast đã đi nước cờ sai khi tố cáo ra công an người review không tốt về xe của mình,” TS Quách Mạnh Hào, một chuyên gia về tài chính và ngân hàng từ Đại học Lincoln, Anh Quốc, viết trên Facebook cá nhân.

Theo ông Hào, ở Việt Nam thì đây là chuyện nhỏ vì người tiêu dùng bé nhỏ ít khi được bảo vệ. Nhưng phương Tây thì không nhỏ – toàn bộ hệ thống hoạt động dựa trên nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng đầu tiên. Đó chính là lý do tại sao xã hội và nền kinh tế vận hành dựa trên niềm tin của người tiêu dùng.

“Vấn đề là Vinfast đang muốn IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng – PV) tại phương Tây nên vụ IPO chắc sẽ ảnh hưởng. Định giá 50 tỉ đô vốn đã quá cao cho ngành sản xuất xe hơi, thêm vấn đề ethical (đạo đức) này nữa thì chỉ cần một bài báo tiếng Anh tường thuật lại vụ việc đăng lên mấy diễn đàn kiểu như Reddit thôi thì chắc coi như xong. Nhưng có lẽ IPO không phải là mục tiêu mà chỉ là công cụ để khuyếch trương trong nước,” ông Hào đánh giá.

Từ Mỹ, nhà báo Thuc Pham cũng bình luận trên Facebook cá nhân về hành động của VinFast:

“Không tôn trọng khách hàng, không cầu thị, lắng nghe, nhận lỗi, sửa lỗi mà chỉ thích lấy thịt đè người chỉ tổ chuốc lấy sự bất bình và căm ghét, mình không nghĩ là có thể lớn mạnh được.”

Một số khác còn liên hệ vụ việc với chuyện tập đoàn Tân Hiệp Phát và “vụ án con ruồi”.

Trong sự việc bắt đầu vào tháng 12/2014, ông Võ Văn Minh đã trình báo việc phát hiện con ruồi trong chai nước Number 1 của Tân Hiệp Phát. Ông Minh sau đó đã yêu cầu Tân Hiệp Phát đưa 1 tỉ đồng, nếu không sẽ kiện. Sau khi hai bên thương lượng không thành công, Tân Hiệp Phát đã nhờ đến công an xử lý. Kết quả là công an kết luận ông Minh phạm tội cưỡng đoạt tài sản, bị đề nghị truy tố. Tới tháng 8/2016, ông Minh bị tuyên án 7 năm tù.

Việc Tân Hiệp Phát tố cáo ngược ông Minh gây ra nhiều ý kiến trái ngược. Và nhiều phân tích sau đó cho rằng dù ông Minh vào tù, nhưng Tân Hiệp Phát bị thiệt hại nặng về kinh tế do mất niềm tin của người tiêu dùng.

Trở lại vụ việc giữa VinFast và GoGo TV, nhiều người cũng cho rằng hành động của VinFast sẽ khiến nhiều người e dè hơn khi sử dụng sản phẩm của công ty này.

Bên cạnh các ý kiến cho rằng VinFast đã hình sự hóa một vụ việc mà lẽ ra họ có thể khéo léo hơn để lấy điểm, cũng có những ý kiến ủng hộ công ty này, với những ý kiến kiểu như “sản phẩm nào mà chẳng có lỗi”, “VinFast cần hành động mạnh mẽ để bảo vệ niềm tự hào của Việt Nam”.


Khi VinFast làm luật

RFA BLOG

Cánh Cò

2021-05-04

Không biết tự bao giờ mỗi khi một khách hàng có biểu hiện tố cáo hay nhẹ hơn, phanh phui, một sản phẩm bị lỗi thì hình như chính người tố cáo sẽ nhận lấy sự trừng phạt từ công ty bị tố cáo qua công an hay tòa án, còn công ty, doanh nghiệp bị tố cáo sẽ lu loa trên truyền thông báo chí rằng họ bị bôi bẩn, tống tiền hay nhẹ lắm cũng là vu khống những lỗi mà họ không có.

Người ta sẽ khó mà quên vụ án con ruồi Tân Hiệp Phát khi có người tố cáo công ty này đã đóng chai chứa chất bẩn là con ruồi còn nằm trong chai thì sau đó người tố cáo là anh Võ Văn Minh bị công an gài bắt với lý do tống tiền 500 triệu bất kể sự thật là công ty Tân Hiệp Phát hẹn gặp và bồi thường cho anh.

Dư luận phẫn nộ sau khi anh Minh bị bắt. Người ta kết án Tân Hiệp Phát đã toa rập với công an để bịt miệng anh Minh, cho dù anh Minh có thực sự tống tiền thì biện pháp gài bẫy của công ty lẫn công an là trái với pháp luật.

Anh Minh là khách hàng vì vậy có quyền đòi hỏi Tân Hiệp Phát bồi thường cho anh. Tiếc là anh đã sai lầm trong cách lên tiếng bảo vệ quyền của mình mặc dù mức án 7 năm oan nghiệt đã làm người dân phẫn nộ và kết quả là Tân Hiệp Phát mất liền 2.000 tỷ thu nhập ngay sau đó.

Tân Hiệp Phát thứ hai xuất hiện mấy ngày nay, người dân vừa tò mò, vừa thích thú lẫn giận dữ khi lần này là một đại công ty tầm cỡ có biểu hiện giống như Tân Hiệp Phát. Không phải giống ở hành vi hòa giải, gài hàng mà giống ở việc mang công an ra hù dọa người tố cáo sản phẩm của mình.

Vụ tranh chấp lần này xảy ra giữa một bên là công ty VinFast của đại tỷ phú Phạm Nhật Vượng, nơi bán chiếc xe VinFast Lux A 2.0 cho ông Trần Văn Hoàng chủ một kênh YouTube có tên GoGo TV với hơn 450 ngàn người theo dõi.

Ông Hoàng cho lên YouTube của mình về chiếc xe mà ông đã mua của VinFast với 10 lỗi lớn nhỏ. Ông đã từng đem xe tới hãng Vinfast sửa chữa bảo hành nhiều lần nhưng không thành công trong khi xe của ông chỉ chạy được 8000 km.

Đáp lại, hôm 2/5, trang Facebook chính thức của VinFast đăng bài nói rằng ông Hoàng đã loan tải thông tin không đúng sự thật về chất lượng xe VinFast Lux A2.0, gây hoang mang cho người dùng và ảnh hưởng tới uy tín của hãng.

Bài viết cũng thừa nhận mặc dù ông Trần Văn Hoàng đã tự gỡ bỏ các clip trên, nhưng VinFast đã lưu đầy đủ bằng chứng và gửi cùng đơn tố cáo ra cơ quan công an. Cơ quan Công An đã tiếp nhận đơn tố cáo và có lịch mời ông Hoàng lên làm việc.

Cuối thông báo, VinFast nói “luôn lắng nghe và sẵn sàng kiểm tra, xử lý mọi vấn đề cho khách hàng trong quá trình sử dụng”, tuy nhiên “chúng tôi cũng kiên quyết làm rõ đến cùng các hành vi sai trái, gây ảnh hưởng tới thương hiệu, và đặc biệt là gây lo lắng, hoang mang cho cộng đồng người dùng” và cho rằng “đây là cách để VinFast thể hiện sự tôn trọng và mong muốn bảo vệ quyền lợi tối thượng của những khách hàng chân chính”.

Qua những chi tiết vừa nêu không khó để nhận ra rằng VinFast đang gắp lửa bỏ tay người và nói cho tận cùng thì nó đang dùng quyền lực tài chính để uy hiếp công dân Việt Nam chứ không riêng gì khách hàng của nó. Sở dĩ nó uy hiếp mọi công dân Việt vì tầm cỡ đại công ty của Phạm Nhật Vượng lớn gấp hàng trăm lần Tân Hiệp Phát và sức mạnh của nó làm áp lực lên cơ quan điều tra không nói cũng đủ biết là mạnh tới mức nào.

Tập đoàn của Vượng làm chủ từ nhà cửa, sân golf, chung cư, đất đai, resort nghĩ dưỡng, cho tới siêu thị, bệnh viện, trường học, xe hơi…hầu như lãnh vực quan trọng nào thuộc sinh hoạt đời sống của người dân thì Vượng đều vươn vòi của nó tới. Cung cách lên tiếng khi bị khiếu nại của VinFast không khác nào tờ trình của công an trước một vụ bắt bớ người bất đồng chính kiến… người dân Việt khi sử dụng dịch vụ của Vượng có nghĩa là đang chạm tay tới lửa không biết phỏng lúc nào.

Mặc dù lớn mạnh và vòi bạch tuộc phủ khắp nơi nhưng Vượng khó một tay che hết mạng xã hội nơi có hơn 65 triệu người dân trong nước và hàng trăm ngàn chuyên gia người Việt khắp thế giới đang âm thầm theo dõi. Trần Văn Hoàng cùng với hơn 450 ngàn người phía sau chắc chắn cũng đang sẵn sàng lên tiếng nếu có một vụ con ruồi thứ hai.

Trần Văn Hoàng không đòi bồi thường mà chỉ yêu cầu VinFast sửa chữa nhanh chóng sản phẩm hư cho anh ta vì vậy VinFast kiện anh Hoàng dựa vào yếu tố loan tải thông tin không đúng sự thật về chất lượng gây hoang mang cho người dùng và ảnh hưởng tới uy tín của hãng sẽ khó thuyết phục ở tòa án nếu được mở ra.

Chiếc xe còn đó, lỗi hư hỏng vẫn nguyên vẹn và VinFast khó có thể nói rằng lỗi đó do anh Hoàng tự làm ra rồi vu khống cho VinFast.

Bởi tin vào đồng tiền của mình có thể làm cho luật pháp cong theo, ông Vượng và bộ sậu xử lý thông tin nghĩ rằng sự hăm dọa sẽ khiến cho những người như ông Hoàng chột dạ và rút lui nhưng Vinfast quên rằng người dân hôm nay đã khác với những năm trước khi mà Tân Hiệp Phát còn làm trời làm đất. Ông Vượng đánh giá người tiêu dùng quá thấp, cái ông mang ra trao cho họ là pháp luật một chiều, chiều của sức mạnh, sẽ không làm cho họ khiếp hãi. Có chăng sự khiếp hãi ấy sẽ biến thành tẩy chay, chống đối và phỉ nhổ.

Reuters mới đây loan tin VinFast có thể sẽ có mặt ở Mỹ vào năm 2022 và sẽ lên sàn IPO. Người Việt ở Mỹ chắc rất hớn hở chờ đợi nó xuất hiện, không phải hớn hở đón chào nó bằng tự hào Việt Nam mà hớn hở ném trứng, cà chua thối vào nó cho dân bản xứ biết khuôn mặt thật của một tập đoàn tư bản đỏ.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.


Liên quan:

6 comments

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.